"Ông già và biển cả" là tiểu thuyết ngắn về câu chuyện ông lão đánh cá Santiago câu một con cá kiếm khổng lồ. Chỉ là một cuốn tiểu thuyết rất mỏng với một câu chuyện vô cùng đơn giản, tác giả Ernest Hemingway vẫn cài cắm được trong đó những tầng nghĩa sâu sắc, những thông điệp ý nghĩa gửi gắm tới độc giả.
Ernest Miller Hemingway (1899-1961) được coi là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Không chỉ là một tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ, nhà văn viết truyện ngắn mà ông còn là một nhà báo và một phóng viên chiến trường xuất sắc. Ông nổi tiếng với những tác phẩm như: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (1940),...
"Ông già và biển cả" được viết vào năm 1951 và xuất bản năm 1952. Đây là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Tác phẩm này đoạt Giải Pulitzer (một giải thưởng văn học cao quý của Mỹ) năm 1953 và góp phần quan trọng để nhà văn được nhận Giải Nobel Văn học năm 1954.
Ở những trang đầu tiên, ông lão được miêu tả là một "ông lão gầy gò, giơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn... Mọi thứ trên cơ thể lão đều toát lên vẻ già nua". 84 ngày qua, ông lão không bắt được một con cá nào. Nhiều ngư dân khác trêu chọc ông lão, số khác thì cảm thấy thương hại cho ông. Ông lão sống một mình trong một cái lều ọp ẹp, chỉ có "một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cái bếp trên nền đất để nấu bằng than củi". Chiếc sơ mi của ông được vá nhiều lần đến nỗi trong nó cũng hệt như tấm buồm. Mỗi khi muốn dùng nước hay muốn tắm thì phải đi hai con đường để tới nguồn nước của làng. Mỗi lần ngủ, ông phải cởi quần dài ra, cuốn lại làm gối đầu. Tác giả không nói số tuổi và gia cảnh cụ thể của ông lão, nhưng qua một số chi tiết khắc họa ban đầu như trên, người đọc có thể phần nào hình dung rằng ông lão này đã rất già, cô độc và nghèo khổ.
Ngày thứ 85, ông lão quyết định sẽ ra thật xa khơi, đến vùng biển mà các ngư dân gọi là vùng Giếng Lớn, nơi có nhiều tôm cá. Và ở nơi đây, may mắn đã mỉm cười với ông khi một cá kiếm khổng lồ đã cắn câu. Nhưng con cá lại rất gan lì, nó đã chống chọi suốt 3 ngày 2 đêm. Mất 3 ngày 2 đêm, đau đớn, kiệt lả, ông lão mới chinh phục thành công được con cá kiếm. Thế nhưng vì con cá lớn hơn chiếc thuyền của ông rất nhiều nên ông không thể lôi nó lên thuyền mà đành buộc xác của nó vào thuyền để kéo về bờ. Trong quá trình về bờ, do lũ cá mập đã ngửi thấy mùi máu của con cá kiếm nên đã bám theo và lần lượt những con cá mập xuất hiện theo từng đợt đã rỉa hết con cá kiếm mà ông lão bắt được, để khi chiếc thuyền cập bến thì chỉ còn lại một bộ xương khổng lồ vô dụng.
Cuốn sách kết thúc với một cái kết thật thê thảm cho ông lão, khiến cho mình đã rất buồn. Mình đã rất hồi hộp theo dõi từng trang sách để xem ông lão sẽ bắt con cá kiếm này như thế nào, và mong là ông sẽ có được một thành quả xứng đáng với công sức mà ông đã bỏ ra, cũng như mong là khi vào bờ thì ông lão sẽ có chút tiền để sinh sống cho những ngày tiếp theo. Vậy mà sau bao nỗ lực, vất vả, cái mà ông đem về được chỉ là một bộ xương, mình vừa buồn vừa phẫn nộ với cái kết này. Nếu bạn cũng là một người luôn nhiều cảm xúc như mình, khi đọc câu chuyện này có lẽ bạn cũng sẽ có những cảm xúc đó giống mình. Thôi thì có lẽ chúng ta buộc phải chấp nhận một sự thật rằng: thực tế cuộc sống không như một câu chuyện cổ tích, không thể lúc nào cũng là một cái kết có hậu được.
Bỏ qua cái kết đau buồn trên, thì "Ông già và biển cả" vẫn vô cùng đáng đọc bởi vì nó hàm chứa rất nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống của chúng ta.
Những bài học từ "Ông già và biển cả"
1. Để có được vận may, chính bản thân chúng ta cũng phải sẵn sàng
Khi chèo thuyền đến vùng Giếng Lớn, ông lão bắt đầu thả những sợi dây câu xuống lòng biển. Kỹ thuật của ông lão vô cùng điêu luyện. Ông lão đảm bảo cho mấy sợi dây câu được thả thẳng đứng xuống vùng đen của đại dương. Ông lão giữ chúng thẳng hơn bất kỳ một ai khác, để có hiệu suất câu cao nhất. Còn những người câu cá khác thì để mấy sợi dây câu trôi theo dòng chảy và đôi lúc không được ở độ sâu như họ mong muốn. Ông lão thầm nghĩ rằng: mình đã làm rất tốt nhưng chỉ là do mình chưa may mắn mà thôi, nhưng biết đâu hôm nay lại là một ngày may mắn. Về mặt kỹ thuật, ông đã làm chính xác, ông đã chuẩn bị tốt rồi, chỉ chờ thêm chút may mắn nữa thôi. Khi vận may đến thì ông đã sẵn sàng. Và đúng là khi con cá kiếm khổng lồ đó tới, nhờ vào kỹ thuật thả mồi câu chính xác, điêu luyện đã giúp ông khiến con cá đó mắc câu.
Để minh họa cho bài học này, có lẽ mình sẽ lấy ví dụ từ chính bản thân. Bạn có thể đọc bài viết này: Cơ hội chỉ đến với người sẵn sàng.
2. Hãy giữ vững niềm hy vọng
Sau 84 ngày không đánh được cá, ông lão vẫn chưa ngừng hy vọng và vẫn kiên trì ra khơi cùng với niềm hy vọng rằng hôm nay sẽ bắt được cá.
Khi một đàn cá đã đi qua và không con nào cắn câu, ông lão vẫn thầm nói: chắc chắn ta sẽ tóm được một chú đi lạc, con cá lớn của ta hẳn đang ở đâu đó.
Khi con cá kiếm lần đầu giật nhẹ mồi rồi bỏ đi, ông lão vẫn hy vọng: nó chỉ lượn một vòng thôi mà, nó sẽ cắn câu.
Trong 3 ngày lênh đênh trên biển cùng con cá kiếm, có những lúc tâm trí ông lão lạc lối, mất hy vọng, ông đã ước: lẽ ra ta đừng làm ngư dân. Nhưng cho dù như thế nào, ông vẫn lấy lại bình tĩnh, tự trấn an bản thân và trở về với thực tại cùng niềm hy vọng chinh phục được con cá kiếm này.
Để mình kể cho các bạn nghe về câu chuyện khó khăn gần đây của mình:
Vào đầu năm 2023, do kinh tế khó khăn nên công ty mình cắt giảm bộ phận mình đang làm việc, nhưng công ty không chọn sa thải và đền bù hợp đồng, mà họ chuyển mình sang làm nhân viên kinh doanh :))) Mình vốn rất ghét làm nhân viên kinh doanh nhưng biết tình hình thị trường khó khăn nên mình chưa muốn nghỉ việc ngay, mình cố gắng thử, với hy vọng biết đâu mình lại làm được. Nhưng cố một thời gian mình vẫn thấy không ổn, công việc này rõ ràng là không phù hợp với mình, mình cũng sẽ không thể làm nó một cách tốt nhất và đem lại lợi ích cho công ty được, nên mình đành xin nghỉ việc và hy vọng mặc dù tình hình thị trường khó khăn nhưng với kinh nghiệm của mình thì mình sẽ nhanh chóng tìm được việc.
Sau đó mình miệt mài kiếm việc suốt 2 tháng trời, gửi CV đi rất nhiều nơi nhưng chỉ có 1 chỗ gọi đi phỏng vấn, phỏng vấn xong họ cũng không nhận mình. Những ngày thất nghiệp ấy, mình mặc dù rất cố gắng lạc quan, nhưng vẫn có những đêm mình trằn trọc không ngủ được và đã khóc rất nhiều. Cảm giác thất bại và cay đắng, kèm theo sự lo âu khi có nguy cơ không còn có thể tự nuôi sống được bản thân, đã ở tuổi này rồi mà công việc vẫn chẳng ổn định, mọi thứ chẳng ra đâu vào đâu.
Dù ban đêm khóc ướt đẫm gối với những suy nghĩ tồi tệ như vậy, sáng ra mình vẫn lấy lại hy vọng, một ngày mới lại đến và cơ hội mới cũng sẽ đến, mình tiếp tục gửi CV và tham gia một vài khóa học ngắn để trau dồi thêm. Cuối cùng thì mình cũng đã tìm được một công việc tốt sau bao ngày vất vả và lo âu.
Mình biết là thị trường việc làm trong giai đoạn này vẫn còn vô cùng khắc nghiệt và có rất nhiều người thất nghiệp ngoài kia, chúc cho mọi người luôn giữ được niềm hy vọng và hãy luôn cố gắng chuẩn bị để khi cơ hội tới thì chúng ta luôn có thể nắm bắt được ngay.
Trong cuộc sống này có nhiều điều bất như ý, có những lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi và chúng ta mất hy vọng như ông lão Santiago. Nhưng bạn hãy nhớ rằng niềm hy vọng sẽ cho chúng ta sức mạnh rất lớn để vượt qua nghịch cảnh, đừng bao giờ để mất hy vọng.
3. Thử thách tối thượng:
Sang ngày thứ 3, ông lão đã hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, người mệt lả, lại có nguy cơ bị chuột rút. Càng chiến đấu với con cá, ông lão càng xây xẩm mặt mày vì đói và thiếu ngủ suốt 3 ngày. Khi con cá nhảy lên lần nữa, ông lão "cố nén cơn đau, dồn hết tàn lực, dốc hết lòng kiêu hãnh còn lại" để ra đòn chí mạng vào con cá. Cuối cùng ông đã thành công chinh phục được nó.
Trong cuốn sách "Người Hùng", cuốn sách giúp bạn tìm ra và có can đảm theo đuổi ước mơ, tác giả Rhonda Byrne đã viết:
Trên hành trình chinh phục ước mơ, bạn sẽ phải trải qua một thử thách cuối cùng trước khi đạt được thành công, và mức độ khó khăn của thử thách này sẽ tỷ lệ thuận với mức độ vĩ đại của ước mơ mà bạn hướng tới. Thử thách cuối cùng này được gọi là Thử Thách Tối Thượng. Khi nó xuất hiện, bạn sẽ có cảm giác như cánh cửa đến với giấc mơ đã đóng lại vĩnh viễn, nhưng một khi đã vượt qua được, ước mơ của bạn sẽ chính thức trở thành sự thật.
Thử thách tối thượng gần nhất của mình là lúc mình nhận được lời mời đi phỏng vấn vòng 1 ở một công ty xịn sò mà mình rất thích, nhưng trước buổi phỏng vấn mình sẽ phải làm một bài test IQ 100 câu hỏi trong vòng 1 tiếng. Nghe đến đây mình đã định từ bỏ, mình sợ lắm, mình không muốn làm test tiếc gì hết vì mình không giỏi mấy cái đó. Mình khó chịu vô cùng, sao mọi thứ lại khó khăn đến vậy, cảm giác cánh cửa đến với ước mơ đã đóng lại ngay trước mắt. Nhưng bạn mình nói là: bây giờ nếu mày đi thì mày sẽ có xác suất 50% đậu, 50% rớt, nhưng nếu mày không đi thì chắc chắn 100% rớt. Đi làm test thì mày có mất gì đâu, nhưng nếu không đi thì mày chắc chắn mất cơ hội việc làm tốt này. Thế là mình quyết định đối diện với thử thách này và dành vài ngày để luyện tập mấy bài test. Cuối cùng mình cũng đậu bài test, đậu cả phỏng vấn vòng 1, vòng 2 và được nhận công việc này. Ước mơ của mình đã trở thành hiện thực khi mà mình có thể vượt qua được thử thách khó khăn nhất.
4. Đừng bỏ cuộc
Khi con cá mập đầu tiên đến ăn con cá kiếm, ông lão đâm lao vào con cá mập để giết nó. Nó đã chết nhưng cũng đớp mất khoảng 20 cân cá kiếm, cũng đem theo luôn cái mũi lao và sợi dây câu của ông lão. Ngoài ra, con cá chảy máu như vậy sẽ thu hút thêm nhiều con cá mập khác nữa. Ông lão bèn nghĩ ra cách lấy lưỡi dao buộc vào mái chèo để làm thành vũ khí.
Tiếp theo, hai con cá mập khác tấn công con cá kiếm, ông lão sau khi đánh đuổi được hai con cá mập này thì lo lắng vì lưỡi dao đã bị cùn đi nhiều, mà ông thì lại không mang theo đồ mài dao. Khi con cá mập tiếp theo tấn công, ông lão đã phóng lưỡi dao đó vào đầu nó, nó chết và chìm xuống đáy biển đem theo cái vũ khí của ông lão.
Lúc này ông lão chỉ còn hai cái mái chèo, tay lái và cái chày ngắn. Mấy cái này thì không thể gọi là vũ khí chiến đấu với cá mập được, và sức ông bây giờ không còn đủ để có thể đập chết cá mập chỉ bằng một cái chày. Nhưng ông hứa ông vẫn sẽ cố cầm cự.
Và đúng là ông đã tiếp tục cầm cự chiến đấu với cả đàn cá mập chỉ bằng một chiếc chày. Ông lão cho rằng: Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị khuất phục.
Bên cạnh lòng kiên trì không bỏ cuộc, trong quá trình thực hiện mục tiêu, chúng ta cũng đừng quên chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau khi hạ xong con cá mập thứ 3, lúc này ông lão đã hết sạch vũ khí, ông lão bắt đầu ước mình có cái này cái kia, ước mình đã mang theo nhiều thứ hơn.
Cuối cùng ông đành phải nói rằng: giờ không phải lúc nghĩ về những đã mang hay không mang. Hãy nghĩ về những việc mày có thể xoay xở với những dụng cụ có sẵn ở đây.
Khi đã lỡ không chuẩn bị kỹ rồi thì cũng hãy cố gắng linh hoạt để xoay xở theo tình thế, bạn nhé.
5. Biết lượng sức mình
Khi con cá kiếm bị 3 con cá mập xơi hết một phần tư, ông lão bắt đầu nuối tiếc vì "đã đi quá xa". Cụm từ "đi quá xa" trong ngữ cảnh này mình hiểu theo hai nghĩa:
Thứ nhất là nghĩa đen, là ông đã đi quá xa bờ. Vì ông không đủ sức để triệt hạ con cá ngay ngày đầu tiên nên ông phải để cho con cá cứ bơi dưới nước và kéo thuyền của ông trong suốt 3 ngày, 3 ngày thì thuyền đã trôi rất xa bờ. Cho nên sau khi ông giết được nó thì cũng mất rất lâu để ông có thể quay lại bờ, mà càng ở dưới nước lâu thì rủi ro con cá kiếm bị lũ cá mập ăn hết sạch lại càng cao.
"Đi quá xa" còn được hiểu theo nghĩa bóng, có lẽ ông không nên quá gắng sức để câu một con cá quá lớn so với sức của ông. Ông đã mất 3 ngày cùng rất nhiều mồ hôi xương máu khi gắng hết sức để chinh phục nó, nhưng sau đó ông cũng chẳng gìn giữ được thành tựu của mình, con thuyền của ông còn bị hư hại một phần.
Chính ông cũng đã tự nói rằng: cứ đi quá xa thế này thì mày đã tự làm tổn hại cái vận may của mày rồi.
Đến khi con cá kiếm chỉ còn lại bộ xương khô thì ông lão chính thức thừa nhận rằng mình đã thất bại, và điều khiến ông thất bại chính là "Ta đã đi quá xa".
6. Cái quá tốt đẹp thì chẳng bền:
Câu được con cá kiếm khổng lồ là một điều quá tốt đẹp, nhưng lại chẳng bền, như mình đã giải thích ở trên, bởi vì con cá quá lớn nên ông không thể đem nó lên thuyền mà phải buộc nó vào thuyền để kéo về bờ, chính bởi điều này đã khiến lũ cá mập luôn đánh hơi được con cá nên liên tục đến rỉa thịt con cá của ông lão. Đến khi về đến bờ thì con cá kiếm đẹp nhất, to nhất đã chỉ còn là một bộ xương to vô dụng. Chính ông lão cũng phải thốt lên: "cái quá tốt đẹp thì chẳng bền".
Trong cuộc sống chúng ta, đôi khi đạt được một thành tựu lừng lẫy, một thành công to lớn nào đó, nhưng đi kèm đó luôn là những rủi ro và không ai chắc rằng thành công ấy sẽ kéo dài được mãi mãi.
Chẳng hạn như có người trúng số 4 tỷ, đó là một điều quá tốt đẹp. Người ấy dùng tiền thưởng để tận hưởng những tiện nghi của cuộc sống mà trước đây không có cơ hội hưởng, do đó, không những nhanh chóng đốt hết sạch số tiền trúng số, mà còn gây thêm một cục nợ to đùng. Cái điều đã từng là "quá tốt đẹp" ấy lại chẳng bền.
Hoặc có người trở nên nổi tiếng nhờ vào một chiếc clip bỗng dưng viral trên mạng xã hội, các nhãn hàng bắt đầu liên hệ đặt quảng cáo, người đó có thu nhập tốt hơn xưa và dần dần có danh tiếng, đó là điều quá tốt đẹp. Nhưng cùng với đó là những bình luận độc hại ngày càng xuất hiện nhiều khiến tinh thần của người này bị ảnh hưởng xấu rất nhiều. Cuối cùng đành phải rút lui khỏi showbiz để tìm lại bình yên cho bản thân. Điều tưởng chừng như "quá tốt đẹp" ấy hóa ra lại chẳng bền.
Mình dẫn ra những ví dụ trên không phải để bảo mọi người là đừng có ham trúng số, ham nổi tiếng, ham làm giàu. Mình chỉ mong mọi người ý thức rằng những điều quá tốt đẹp và đến quá nhanh thì thường không bền. Chúng ta nên từ tốn xây dựng tài chính, danh tiếng cho bản thân một cách vững chắc và bền vững, biết kiên nhẫn chờ một kết quả tốt đẹp, phù hợp với bản thân, thay vì làm đủ mọi cách để mong được giàu nhanh, nổi tiếng nhanh.
Ví dụ, giả sử bây giờ chị trưởng phòng của mình nghỉ việc, công ty muốn cất nhắc mình lên. Mặc dù biết bản thân chưa đủ năng lực nhưng mình vẫn bất chấp nhận lời. Thế là mình có một địa vị và mức lương cao hơn trong một thời gian ngắn hơn so với bạn đồng trang lứa, đây là điều quá tốt đẹp. Nhưng do mình không đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí này nên mình không thể hoàn thành được những yêu cầu công việc mà tổ chức mong muốn, thế là mình bị sa thải. Cái quá tốt đẹp thì chẳng bền.
Hãy làm những điều vừa sức mình, tạo ra những kết quả tốt đẹp vừa đủ để mình có thể kiểm soát được.
一一一
Tóm lại, với lối viết giản dị, cách xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng và đa nghĩa, nghệ thuật độc thoại và độc thoại nội tâm, cùng những nội dung có tầng nghĩa sâu sắc, "Ông già và biển cả" là một quyển sách đáng đọc. Cuốn tiểu thuyết nhỏ bé mỏng dính chỉ có giá 20k và chỉ khoảng 120 trang, bạn sẽ chẳng mất nhiều thời gian để đọc đâu nhưng những thông điệp từ cuốn sách sẽ giúp bạn suy ngẫm được nhiều thứ lắm đấy!
Trích đoạn "Ông già và biển cả" có trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12, nên trên mạng cũng có rất nhiều bài phân tích về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nếu bạn nào muốn hiểu sâu hơn thì có thể tìm hiểu thêm trên internet nha. Còn mình thì thích chiêm nghiệm các thông điệp trong sách bằng những trải nghiệm sống riêng của mình và rút ra bài học thực tế hơn ^^
Mua sách tại đây: https://shope.ee/40GYUQb1Jp
Xem video review: https://youtu.be/DhOBZMrA9wM
Tham khảo:
- https://vtv.vn/the-gioi/ong-gia-va-bien-ca-tac-pham-kinh-dien-trong-lich-su-nobel-van-hoc-2018100414071315.htm
- https://sachhay24h.com/review-sach-ong-gia-va-bien-ca-tac-gia-ernest-hemingway-a64.html
- https://www.reader.com.vn/review-sach-ong-gia-va-bien-ca-a64.html
- https://dembuon.vn/threads/nghe-thuat-the-hien-trong-ong-gia-va-bien-ca-hemingway.97249/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét