Hầu hết chúng ta đều tự nhận mình là người lý trí, biết kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân, ra quyết định một cách sáng suốt và cẩn trọng. Nhưng cuốn sách "Phi Lý Trí" của Dan Ariely sẽ khiến bạn hoài nghi chính mình và phải thừa nhận rằng: Hóa ra chúng ta không lý trí như chúng ta tưởng.
"Phi Lý Trí" là một cuốn sách thuộc chuyên ngành Kinh tế học hành vi dựa trên các khía cạnh của tâm lý học và kinh tế học. Ở mỗi chương sách, tác giả trình bày cặn kẽ về các thí nghiệm mà tác giả và các đồng nghiệp đã tiến hành một cách khoa học, do đó, chúng ta có thể an tâm rằng những thông tin trong cuốn sách này là đáng tin cậy. Đây cũng là cuốn sách Best Seller rất nổi tiếng do tạp chí New York Times bình chọn.
Tác giả Dan Ariely sinh năm 1967 là người Mỹ gốc Israel, là giáo sư tâm lý học và hành vi kinh tế tại MIT. Bên cạnh quyển sách Best Seller Phi Lý Trí, ông còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: Lẽ phải của phi lý trí, Bản chất của dối trá, Phi lý một cách hợp lý. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu và phương tiện thông tin truyền thông.
Như mình đã nói, cuốn sách "Phi Lý Trí" cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin thú vị và đáng tin cậy. Tuy nhiên cũng vì tác giả trình bày quá đầy đủ và chi tiết các thí nghiệm khoa học thành ra nó lại hơi khô khan, nhiều độc giả sẽ cảm thấy dài dòng.
Trong bài viết này, mình sẽ tóm tắt cực kỳ ngắn gọn cuốn sách "Phi Lý Trí". Và để các bạn dễ hiểu hơn, mình sẽ biên tập lại một chút các ví dụ cho phù hợp hơn với độc giả Việt Nam, thay vì lấy chính xác các ví dụ trong sách.
---
Hãy nhìn vào hai hình tròn màu cam này:
Nguồn ảnh: naraujapan.com |
Có phải bạn thấy hình tròn màu cam bên trái nhỏ hơn hình tròn màu cam bên phải không?
Sự thật là hai hình tròn màu cam này đều bằng nhau. Tuy nhiên, khi hình tròn màu cam bên trái được đặt giữa các vòng tròn lớn hơn, trông nó nhỏ đi. Còn khi hình tròn màu cam bên phải được đặt giữa các vòng tròn nhỏ hơn, trông nó lại lớn hơn. Kích thước của vòng tròn màu cam ở cả hai vị trí là như nhau, nhưng nó thay đổi tùy theo vật mà chúng ta đặt bên cạnh nó là gì.
Đây là một thí nghiệm nhỏ nhưng phản ánh sự thay đổi trong cách nghĩ của chúng ta: Chúng ta luôn nhìn nhận những thứ xung quanh trong mối tương quan với các sự vật khác.
Sự so sánh giúp bạn đưa ra quyết định trong cuộc sống, nhưng nó cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối. Vì lòng đố kỵ và sự ghen ghét nảy sinh từ việc so sánh số phận của chúng ta với số phận của người khác.