Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

[Thơ] Mùa thu qua

Mùa thu qua nhưng nỗi nhớ chưa qua
Hoa úa tàn giấc mộng đẹp cũng tàn
Người đi mất còn mình ta ở lại
Thương nhớ hoài bóng hình cũ đã xa

Đông đã sang từng đêm buông lạnh giá
Thao thức hoài ước vọng được đoàn viên
Ta nhớ gì giấc mộng đẹp năm ấy
Ta nhớ người hết một đời này thôi

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

[Review sách] Trí Tuệ Đám Đông - James Surowiecki

Nếu bạn tập hợp một nhóm người và yêu cầu họ trả lời một câu hỏi hoặc giải quyết một vấn đề thì giải pháp của nhóm sẽ tốt hơn hẳn so với của đại đa số cá nhân trong nhóm.

Trong nghiên cứu của nhà xã hội học Hazel Knight, bà yêu cầu các sinh viên trong lớp cùng dự đoán nhiệt độ trong phòng. Kết quả là trung bình nhóm sinh viên đã đoán 72,4 độ, trong khi nhiệt độ thực tế là 72 độ. 

Trong một thí nghiệm khác, Giáo sư Jack Treynor đem đến lớp một chiếc bình chứa 850 hạt thạch đậu (jelly beans). Ông yêu cầu sinh viên trong lớp đoán xem chiếc bình có bao nhiêu hạt thạch đậu. Con số ước tính của cả lớp là 871 hạt. Con số này chỉ lệch khoảng 2,5% so với đáp án. Chỉ có 1 sinh viên duy nhất đưa ra được đáp án tốt hơn cả lớp.

一一一

Trên đây là những ví dụ đáng kinh ngạc về trí tuệ tập thể. Và nhắc đến "trí tuệ tập thể", chúng ta không thể bỏ qua một cuốn sách rất nổi tiếng về chủ đề này: "Trí tuệ đám đông" của tác giả James Surowiecki. 

James Surowiecki sinh năm 1967, là nhà báo, viết cho Trang tài chính của tờ The New Yorker. 

"Trí tuệ đám đông" được xuất bản năm 2004, thể hiện quan điểm của tác giả rằng trong một số hoàn cảnh, một nhóm có thể thông minh hơn một cá nhân, kể cả cá nhân tinh hoa, và chính trí tuệ tập thể đã định hình các quốc gia, xã hội, nền kinh tế và doanh nghiệp.


Trở lại với 2 thí nghiệm được nêu ở đầu bài (dự đoán nhiệt độ phòng và số thạch đậu).

Trong những thí nghiệm này, các thành viên trong nhóm không trao đổi với nhau hay cùng nhau giải quyết vấn đề. Họ đều có những dự đoán riêng. Sau đó những dự đoán này được tập hợp lại và tính trung bình. Kết quả trung bình ít ra cũng có thể đạt ngang mức người thông minh nhất trong nhóm. 

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

[Review & tóm tắt sách] CHA MẸ ĐỘC HẠI - Susan Forward

Ai trong chúng ta cũng được dạy rằng phải hiếu thảo, kính trọng cha mẹ. Bởi vì cha mẹ là đấng sinh thành, có công nuôi nấng, dưỡng dục chúng ta. 

Thế nhưng trên thực tế có những bậc cha mẹ chỉ sinh con ra chứ không nuôi dưỡng, giáo dục, thậm chí còn làm tổn hại đến trẻ bằng việc bạo hành bằng lời nói hoặc thể chất, tệ hơn nữa là lạm dụng tình dục.

Dưới góc độ tâm lý học, có một sự thật khó nghe rằng: không phải ai cũng đủ tư cách làm cha mẹ.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận về các kiểu cha mẹ độc hại thông qua một cuốn sách mang tên "Cha mẹ độc hại" của Tiến sĩ Susan Forward, là nhà trị liệu tâm lý, giảng viên và tác giả nổi tiếng thế giới. 

REVIEW


Đây là một cuốn sách sẽ khiến bạn có cảm xúc cực kỳ mãnh liệt. Nếu bạn may mắn không phải lớn lên với cha mẹ độc hại, cuốn sách sẽ khiến bạn thấy kinh hồn bạt vía, không thể tin nổi trên đời này tồn tại những bậc cha mẹ kinh dị đến vậy. Nếu bạn đã từng phải lớn lên với cha mẹ độc hại, cuốn sách sẽ khơi gợi lại những kí ức tuổi thơ đầy đau khổ, khiến bạn phải đối diện với những cảm xúc tổn thương mà bạn đang cố che giấu bấy lâu.

Cuốn sách được chia thành 2 phần: 
  • Phần 1 mô tả đặc điểm của những kiểu cha mẹ độc hại. Đi kèm đó là những câu chuyện có thật từ nhiều bệnh nhân của tác giả, để khắc họa rõ nét những hệ quả khi đứa trẻ phải trưởng thành trong gia đình độc hại.
  • Phần 2 tác giả viết về những kỹ thuật tâm lý giúp nạn nhân của cha mẹ độc hại có thể vượt qua di chứng tổn thương thời thơ ấu và sống hạnh phúc hơn trong hiện tại.
Theo cá nhân mình, "Cha mẹ độc hại" là một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu, kể cả với người chưa có kiến thức nền tảng về tâm lý học cũng rất dễ tiếp cận. Sách được trình bày dưới dạng lồng ghép kiến thức tâm lý học vào các câu chuyện thực tế của bệnh nhân, giúp người đọc dễ dàng hiểu được vấn đề. Lối viết của tác giả Susan khá đơn giản, mộc mạc. Văn phong của bà vừa ấm áp, thể hiện sự cảm thông đối với những nạn nhân, đồng thời vẫn thể hiện được thái độ cứng rắn, dứt khoát phê phán những kẻ không đủ tư cách làm cha mẹ, làm tổn hại đến những đứa trẻ yếu mềm.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Cuộc đời này dù ngắn, nỗi nhớ quá dài

Dạo này muốn làm nhiều thứ nhưng thời gian lại có giới hạn.
Mà thứ muốn làm nhiều nhất là ngủ 😪


"Nhiều năm xa hạnh phúc anh muốn bên em
Cuộc đời này dù ngắn, nỗi nhớ quá dài"

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2024

Được sống đã là một điều ý nghĩa

Hôm nay nghe tin một bạn đồng nghiệp cũ vừa qua đời vì u não ác tính. Đối với tôi thì mọi chuyện diễn ra nhanh quá. Mới cách đây ba tuần tôi thấy người nhà của bạn đăng tin kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền xạ trị cho bạn. Nay đã nhận tin bạn mất sau khi xin quyên góp không lâu.

Bạn này còn trẻ lắm, mới chỉ 26. Vài tháng trước đột nhiên bị động kinh, rồi phát hiện bị u não ác tính luôn. Gia đình thuộc dạng khó khăn, không tự lo nổi kinh phí để điều trị nên phải vay mượn khắp nơi và xin thêm từ cộng đồng. Ký ức của tôi về bạn là một đứa con gái mạnh mẽ, có mái tóc dày, giọng hát hay, hay đến mức có thể vượt qua nhiều người để giành giải nhất cuộc thi hát do công ty tổ chức. Giờ tôi lại nhìn thấy bạn trong bộ dạng đầu bị cạo trọc, mắt trợn ngược, nằm thất thần trên giường bệnh. Tuy hồi còn làm chung cũng chẳng thân lắm, thậm chí không ưa bởi vì nó hay hỗn với tôi, nhưng trông thấy một người bây giờ rơi vào hoàn cảnh như vậy tôi chẳng khỏi chạnh lòng. 

Dạo này, chẳng còn đặt nặng việc tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Bởi vì mỗi ngày được sống đã là một điều ý nghĩa, dù ngày đó vui hay buồn, khó khăn hay thảnh thơi. Còn sống là còn cơ hội, còn được lựa chọn.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Tôi là một HSP

Một buổi sáng cách đây mấy ngày, khi lái xe ra khỏi nhà để đi làm, tôi nhận thấy trời hôm nay mát hơn mọi ngày một chút. Tự dưng trong lòng tôi thấy vui. Không phải vui vì trời mát mà vui vì "độ nhạy" của mình vẫn còn. 


Tôi là một HSP (Highly Sensitive Person - người siêu nhạy cảm). Một HSP là người cực kỳ nhạy cảm với cảm xúc của bản thân và của người khác. Không chỉ vậy còn rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, thường cảm thấy không thoải mái khi ở những nơi có nhiều tiếng ồn, ánh sáng chói, quá nóng hoặc quá lạnh.

Nếu người bình thường thấy trời nóng thì đối với tôi là quá nóng. Người bình thường thấy trời mát thì tôi lại thấy lạnh. Giác quan của tôi nhạy cảm, tôi thích kéo rèm cả ngày vì không muốn chói mắt, có thể ghi nhớ mùi hương rất lâu, khó chịu khi nghe âm thanh lớn...

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

đứa bé tôi

Gần đây tôi đang đọc cuốn sách có tựa đề "Cha mẹ độc hại". Cuốn sách có 2 phần, phần 1 chỉ ra những đặc điểm của cha mẹ độc hại (nghiện ngập, thờ ơ bỏ mặc con cái, thao túng, bạo hành thể chất, bạo lực tinh thần, lạm dụng tình dục,...), phần 2 hướng dẫn cách để những đứa con vượt qua các di chứng của tổn thương mà cha mẹ độc hại đã đem lại.

Tôi vừa đọc xong phần 1, vô cùng xót thương cho những hoàn cảnh bi kịch mà tác giả đề cập, đồng thời cũng cảm thấy bản thân vẫn còn quá đỗi may mắn. Tuy vậy, cuốn sách cũng khơi dậy trong tôi nỗi sợ hãi phải trở thành cha mẹ.

Tôi 30, có nền tảng gia đình tốt, công việc tốt, sức khỏe tốt, mọi thứ đều ổn, nhưng bảo tôi lập gia đình và sinh con thì tôi sẽ rùng mình. Khi lướt mạng xã hội, trông thấy bạn bè đăng ảnh vợ chồng con cái, tôi thấy vui mừng cho họ, tuyệt nhiên không có chút chạnh lòng hay khao khát nào.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Rốt cuộc cậu đã phải trải qua những gì

Sau một thời gian mát trời ngủ ngon thì hôm nay trời lại nóng khiến tôi trằn trọc khó ngủ trở lại, đành phải ngồi dậy viết cái gì đó.

Hôm nay bước sang chu kỳ mới của cuộc sống - một chu kỳ được dự báo là không an lành cho lắm - năm cá nhân số 7. Dù đã chuẩn bị tinh thần, tôi vẫn có chút gì đó lo âu. Năng lượng đã thấp và xấu dần từ những tuần trước đó.

Dạo này tôi hay mường tượng mỗi sáng được mẹ nấu cho bữa sáng và chuẩn bị cơm trưa để mang đi làm, ba dắt xe ra khỏi nhà giùm, tối về có cả nhà chờ cơm. Nhưng chị tôi nói tôi vẫn cần gầy dựng thêm một vài năm nữa thì mới đủ để về nhà. Tôi cũng thấy vậy. Đành cố gắng thêm "một vài năm nữa", hy vọng ba mẹ có thể chờ được tôi.

Vài ngày trước tôi đã viết một bài tiêu cực thế này: