Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

[Review & tóm tắt sách] CHA MẸ ĐỘC HẠI - Susan Forward

Ai trong chúng ta cũng được dạy rằng phải hiếu thảo, kính trọng cha mẹ. Bởi vì cha mẹ là đấng sinh thành, có công nuôi nấng, dưỡng dục chúng ta. 

Thế nhưng trên thực tế có những bậc cha mẹ chỉ sinh con ra chứ không nuôi dưỡng, giáo dục, thậm chí còn làm tổn hại đến trẻ bằng việc bạo hành bằng lời nói hoặc thể chất, tệ hơn nữa là lạm dụng tình dục.

Dưới góc độ tâm lý học, có một sự thật khó nghe rằng: không phải ai cũng đủ tư cách làm cha mẹ.

Hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận về các kiểu cha mẹ độc hại thông qua một cuốn sách mang tên "Cha mẹ độc hại" của Tiến sĩ Susan Forward, là nhà trị liệu tâm lý, giảng viên và tác giả nổi tiếng thế giới. 

REVIEW


Đây là một cuốn sách sẽ khiến bạn có cảm xúc cực kỳ mãnh liệt. Nếu bạn may mắn không phải lớn lên với cha mẹ độc hại, cuốn sách sẽ khiến bạn thấy kinh hồn bạt vía, không thể tin nổi trên đời này tồn tại những bậc cha mẹ kinh dị đến vậy. Nếu bạn đã từng phải lớn lên với cha mẹ độc hại, cuốn sách sẽ khơi gợi lại những kí ức tuổi thơ đầy đau khổ, khiến bạn phải đối diện với những cảm xúc tổn thương mà bạn đang cố che giấu bấy lâu.

Cuốn sách được chia thành 2 phần: 
  • Phần 1 mô tả đặc điểm của những kiểu cha mẹ độc hại. Đi kèm đó là những câu chuyện có thật từ nhiều bệnh nhân của tác giả, để khắc họa rõ nét những hệ quả khi đứa trẻ phải trưởng thành trong gia đình độc hại.
  • Phần 2 tác giả viết về những kỹ thuật tâm lý giúp nạn nhân của cha mẹ độc hại có thể vượt qua di chứng tổn thương thời thơ ấu và sống hạnh phúc hơn trong hiện tại.
Theo cá nhân mình, "Cha mẹ độc hại" là một cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu, kể cả với người chưa có kiến thức nền tảng về tâm lý học cũng rất dễ tiếp cận. Sách được trình bày dưới dạng lồng ghép kiến thức tâm lý học vào các câu chuyện thực tế của bệnh nhân, giúp người đọc dễ dàng hiểu được vấn đề. Lối viết của tác giả Susan khá đơn giản, mộc mạc. Văn phong của bà vừa ấm áp, thể hiện sự cảm thông đối với những nạn nhân, đồng thời vẫn thể hiện được thái độ cứng rắn, dứt khoát phê phán những kẻ không đủ tư cách làm cha mẹ, làm tổn hại đến những đứa trẻ yếu mềm.


TÓM TẮT


Cha mẹ độc hại là ai?


Khi còn nhỏ, cha mẹ là tất cả với chúng ta. Họ là những người chăm sóc duy nhất và mang đến cho chúng ta những thứ thiết yếu như chỗ ở, thức ăn. 

Vì không có quy chuẩn nào để đánh giá họ, nên ta luôn cho rằng họ là những bậc cha mẹ hoàn hảo. Chỉ cần tin rằng cha mẹ mình hoàn hảo, ta sẽ cảm thấy được bảo vệ.

Văn hóa và các tôn giáo gần như có chung quan điểm trong việc tán thành quyền lực tuyệt đối của cha mẹ. Chúng ta đều được dạy rằng luôn phải tôn kính cha mẹ của mình, "không được cãi lại cha mẹ". Bất kể cha mẹ độc hại đến mức nào, bạn vẫn có nhu cầu sùng bái họ. 

Cha mẹ là những người gieo hạt giống tinh thần và cảm xúc trong ta, những hạt giống sẽ trở thành chính ta sau này. Trong một số gia đình, có những hạt giống yêu thương, tôn trọng và độc lập. Nhưng trong nhiều gia đình khác, có những hạt giống sợ hãi và tội lỗi. 

Vào giai đoạn trưởng thành, những hạt giống nảy mầm thành những bụi cỏ dại vô hình làm ảnh hưởng xấu đến cuộc đời bạn. Chúng có thể làm hại các mối quan hệ, sự nghiệp hay gia đình bạn. Chúng hạ thấp sự tự tin và lòng tự trọng của bạn.

Nhìn chung, cha mẹ có các nhiệm vụ sau:
1. Cung cấp các nhu cầu thiết yếu về thể chất cho con cái.
2. Bảo vệ con cái khỏi những tổn hại thể chất.
3. Đáp ứng nhu cầu được yêu thương, chú ý và thể hiện tình cảm của con.
4. Bảo vệ con khỏi những tổn thương về tâm lý.
5. Phải đưa ra những chỉ dẫn về đạo đức và phép tắc cho con cái.

Danh sách này có thể dài hơn nữa, nhưng 5 hình thức trách nhiệm này là nền tảng của các bậc cha mẹ phù hợp. Cha mẹ độc hại hiếm khi vượt qua mục đầu tiên trong danh sách. Nhìn chung, những bậc cha mẹ này đều đang (hoặc đã từng) có những khiếm khuyết đáng kể về khả năng ổn định cảm xúc hoặc sức khỏe tâm lý. Họ không đáp ứng được nhu cầu của con trẻ, thậm chí họ còn mong đợi và yêu cầu con cái phải đáp ứng nhu cầu của mình.

Khi cha mẹ áp đặt trách nhiệm của bản thân lên con cái, vai trò trong gia đình trở nên không rõ ràng, bị bóp méo hoặc đảo lộn.

Sau đây là các kiểu cha mẹ độc hại.


1. Cha mẹ chưa hoàn thiện (có vấn đề tâm lý)


Một trong những nạn nhân của kiểu cha mẹ này là Les, 34 tuổi, nghiện công việc và gặp vấn đề trong việc bày tỏ cảm xúc, nhất là các cảm xúc dịu dàng, thương yêu.

Gia đình Les có 3 anh em và anh là con cả. Mẹ anh bị suy sụp tinh thần vào năm anh lên 8. Từ đó, nhà lúc nào cũng chìm trong bóng tối. Mẹ luôn mặc áo choàng tắm và không nói gì, hút thuốc, uống cafe và dán mắt vào tivi. Bà chỉ thức dậy rất lâu sau khi 3 anh em đi học về. Les phải cho hai đứa em ăn, làm đồ ăn trưa cho chúng rồi đưa chúng ra xe buýt. Trong khi lũ bạn đá bóng thì anh phải ở nhà nấu bữa tối hay dọn dẹp nhà cửa. Cha anh thường xuyên đi công tác, ông ấy đã từ bỏ mẹ anh. Ông ấy chủ yếu ngủ ngoài phòng khách. Khi đi ngang phòng Les, ông luôn nói rằng: "Đừng quên làm hết bài tập về nhà và để mắt đến mẹ mày. Nhớ cho bà ấy ăn uống đầy đủ, cố gắng làm gì đó để khiến mẹ mày cười. Bảo mấy em giữ trật tự".

Les đã phải gồng gánh trách nhiệm lẽ ra thuộc về cha mẹ. Để giữ cho gia đình được trọn vẹn, Les phải trở thành một người lớn thu nhỏ. Anh có rất ít cơ hội để vui chơi hoặc sống vô tư. Vì nhu cầu của chính mình bị gạt đi, anh đã học được cách đương đầu với nỗi cô đơn và sự thiếu thốn về mặt cảm xúc bằng cách phủ nhận những nhu cầu đó của bản thân. Nhiệm vụ của anh là chăm sóc người khác. Bản thân anh không quan trọng.

Ngoài trách nhiệm giữ gìn nhà cửa và chăm sóc các em, vốn đã quá sức với bất cứ đứa trẻ nào, Les còn được kì vọng phải trở thành bác sĩ tâm lý cho mẹ mình. Đây chính là công thức của thất bại. Những đứa trẻ bị vướng vào sự đảo ngược vai trò như trên thường liên tục thất bại. Việc cư xử, hành động như người lớn là bất khả thi vì chúng chưa trưởng thành. Song chúng không hiểu vì sao mình lại thất bại, chúng cảm thấy kém cỏi và tội lỗi vì điều đó. 

Les làm việc nhiều hơn cần thiết vì nó giúp anh không phải đối mặt với cô đơn cùng những mất mát tuổi thơ cũng như cuộc sống trưởng thành, đồng thời củng cố niềm tin bấy lâu của anh rằng làm bao nhiêu cũng không đủ. Les không có thời gian cũng như hình mẫu phù hợp để học hỏi về cách cho và nhận tình yêu. Anh lớn lên với sự thiếu thốn trong việc nuôi dưỡng đời sống tình cảm, vì vậy anh đã chọn cách đơn giản là dập tắt cảm xúc của bản thân.

2. Cha mẹ biến mất


Ở phần trên, chúng ta đã nói về những bậc phụ huynh tuy ở ngay bên cạnh nhưng như vô hình, xa lánh với cảm xúc của con cái. Ở phần này, chúng ta sẽ nói về những bậc cha mẹ xa cách hữu hình, nghĩa là không gặp mặt trực tiếp, không ở bên cạnh trẻ.

Ví dụ câu chuyện của Ken. 

Ken là một thanh niên 21 tuổi, đang lạm dụng ma túy và chất kích thích, dễ bị kích động, tỏ ra bất cần và không tin tưởng ai. 

Cha mẹ Ken ly hôn năm cậu lên 8. Mẹ cậu suy sụp vì chuyện đó. Bố cậu cưới người khác và chuyển ra nước ngoài sống. Khi cha của Ken bỏ rơi con trai mình, ông để lại một khoảng trống sâu thẳm trong lòng cậu. Ken sụp đổ hoàn toàn. Một cách vô thức, Ken đổ lỗi cho chính bản thân mình. Cậu cho rằng những khuyết điểm của bản thân đã khiến cha bỏ đi. Những kết luận như vậy sinh ra cảm giác tự căm ghét bản thân, Ken trở thành một thanh niên không có mục tiêu hay phương hướng trong cuộc đời. Sự ra đi của cha mẹ tạo nên mất mát tổn thương và sự trống rỗng trong lòng con cái. Trẻ em luôn cho rằng nếu có điều gì tiêu cực xảy ra trong gia đình thì đó là lỗi của chúng.

3. Cha mẹ thao túng, kiểm soát


Kiểm soát không phải lúc nào cũng là điều xấu xa. Nếu một người mẹ ngăn đứa con 1 tuổi tự sang đường, đó là một người mẹ cẩn thận. Sự kiểm soát của bà phù hợp với thực tế, được thúc đẩy bởi nhu cầu cần được bảo vệ và dìu dắt của đứa con. Nhưng nếu 10 năm sau, người mẹ vẫn ngăn cản con mình tự sang đường trong khi nó hoàn toàn có thể làm được, đó là sự kiểm soát quá đà.

Nếu trẻ không được khuyến khích hoạt động, thử nghiệm, khám phá, làm chủ và đối mặt với thất bại, chúng thường cảm thấy bản thân vô dụng và yếu kém. Bị kiểm soát quá độ sẽ biến chúng thành người hay lo lắng và sợ hãi. Cha mẹ sẽ tiếp tục xâm lấn, thao túng và thống trị cuộc sống của chúng. Những bậc cha mẹ này sẽ cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi khi đứa trẻ trở nên độc lập.


3.1 Kiểm soát trực tiếp

Một số cha mẹ kiểm soát con mình một cách công khai, trực tiếp, chẳng hạn như:
- Hãy làm theo những gì ta nói nếu không ta sẽ không bao giờ nói chuyện với con nữa.
- Hãy làm theo lời ta nói nếu không ta sẽ cắt tiền chi tiêu của con.
- Nếu không nghe lời, con sẽ không còn là thành viên của cái nhà này nữa.
- Nếu không nghe lời, con sẽ khiến ta lên cơn đau tim.

Kiểm soát trực tiếp thường bao gồm sự đe dọa và hạ nhục. Những cảm xúc và nhu cầu của bạn phải phụ thuộc vào cha mẹ. 

Michael, một trưởng phòng tiếp thị 36 tuổi với vẻ ngoài hấp dẫn, ưa nhìn, đến gặp tác giả Susan bởi cuộc hôn nhân 6 năm đang có nguy cơ tan vỡ. 

Vào dịp kỉ niệm ngày cưới của cha mẹ, vợ Michael ốm nặng nên Michael báo với cha mẹ rằng anh sẽ không đến tham dự được. Mẹ anh ấy khóc lóc và nói sẽ chết nếu anh không tham dự lễ kỉ niệm của cha mẹ. Anh đành phải bỏ rơi cô vợ đang ốm nặng để bay đến dự tiệc của cha mẹ, sau đó bay về gấp. Mẹ anh đã khóc suốt đêm vì điều đó, cha anh gọi điện trách anh.

Cha mẹ Michael đã luôn xem mình là trung tâm. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi hạnh phúc của Michael thay vì nhìn nhận nó như một sự ghi nhận về kỹ năng làm cha mẹ của mình. Lợi ích của Michael không quan trọng đối với họ. Cha mẹ của anh luôn buộc anh phải lựa chọn giữa họ và vợ. 

3.2 Thao túng

Ngoài kiểm soát trực tiếp, còn một dạng khác tinh tế và kín đáo hơn nhưng mang tính tổn hại lớn hơn: sự thao túng.

Nhiều bậc cha mẹ độc hại kiểm soát đứa con đã trưởng thành của mình bằng cách đối xử với họ như thể họ là kẻ vô dụng và không đủ năng lực.

Một trong những hình thức phổ biến nhất của sự thao túng là "người giúp đỡ". Người giúp đỡ tạo dựng các tình huống khiến bản thân ông ta/bà ta "được cần đến" trong cuộc sống của đứa con đã trưởng thành. 

Ví dụ trường hợp của Lee, 32 tuổi, là vận động viên tennis chuyên nghiệp. Dù có một cuộc sống xã hội năng động, công việc tốt, cô ấy vẫn trải qua những cơn trầm cảm nặng nề, bởi vì mẹ cô là một người thao túng.

Mẹ cô cho rằng cô không thể tự buộc nổi dây giày cho mình. Cả cuộc đời bà xoay quanh cô. Bà luôn mang thức ăn tới căn hộ của cô bởi bà cho rằng cô không ăn uống đủ. Bà tự ý vào nhà cô để dọn dẹp, sắp xếp lại quần áo và đồ đạc. Mỗi lần cô yêu cầu mẹ ngừng làm những việc này, bà khóc và nói: "Có gì sai khi một người mẹ giúp đỡ đứa con gái mình yêu thương kia chứ?".

Nhìn chung, những bậc cha mẹ độc hại không cảm thấy bản thân mình tốt đẹp, họ hành động dựa trên một cảm giác sâu sắc về sự bất mãn với cuộc đời mình và nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Khi đứa trẻ lớn lên, họ cần phải giật dây để giữ cho con cái lệ thuộc vào mình. Chừng nào họ còn có thể khiến con họ cảm thấy bản thân như một đứa trẻ, họ vẫn nắm trong tay quyền kiểm soát.

4. Cha mẹ so sánh

Nhiều bậc cha mẹ độc hại so sánh một đứa con này với đứa con khác để khiến đứa trẻ ấy cảm thấy mình làm chưa đủ tốt nên chưa thể giành được sự yêu mến của cha mẹ. Những bậc cha mẹ này thao túng một mối quan hệ anh chị em bình thường không có tính cạnh tranh thành một sự ganh đua tàn nhẫn, ngăn chặn sự phát triển gắn kết lành mạnh của tình anh em. Hệ quả là hình tượng bản thân của đứa trẻ bị hủy hoại, sự so sánh tiêu cực tạo ra sự oán giận và ganh ghét giữa các anh chị em có thể hủy hoại mối quan hệ của họ suốt cuộc đời.

 5. Cha mẹ nghiện rượu


Glenn, một người đàn ông cao lớn vạm vỡ nhưng lại có tính cách rụt rè và thiếu quyết đoán. Cha của Glenn là một người nghiện rượu. Ông uống rượu mỗi tối đến khi Glenn, chị gái và mẹ phải dìu ông vào giường. Glenn phải tháo giày và tất cho ông đêm này qua đêm khác. Đến mức Glenn đã nghĩ rằng việc đưa cha lên giường mỗi tối là hoạt động thường nhật của một gia đình bình thường, nhà ai cũng làm thế. 

Glenn có một tuổi thơ với những cảm xúc bấp bênh. Mỗi khi anh muốn chơi bóng hoặc xem bóng cùng cha, cha anh lúc nào cũng nói "Bố không có thời gian" nhưng rồi ông lại có thời gian để ngồi say xỉn. Mẹ thì nói "Đừng làm phiền mẹ vì mấy chuyện vặt vãnh của con. Sao không đi chơi với bạn?". Nhưng Glenn chẳng có người bạn nào. Anh sợ phải đưa ai đó về nhà.

Glenn nhận được thông điệp vào những năm đầu đời rằng sự tồn tại của anh giống như đang chọc tức cha mẹ chứ không phải một phước lành. 

Cha lúc nào cũng lấn át khi anh nói lên ý kiến của mình. Nếu dám lên giọng với ông, ông sẽ đánh. Nếu cãi lại mẹ, bà sẽ bắt đầu khóc như trẻ con. Vì vậy, Glenn tìm cách không ở nhà càng nhiều càng tốt. 

Giống như nhiều đứa trẻ là con của người nghiện rượu, Glenn cảm thấy có trách nhiệm với cảm xúc của người khác. Anh không thể bày tỏ cảm xúc của mình như một đứa trẻ bình thường vẫn làm. Anh lớn lên với suy nghĩ vai trò của anh trên đời này là chăm sóc cho người khác và không mong đợi điều gì cho bản thân mình. 

Nhiều đứa trẻ trong gia đình có người nghiện rượu phát triển lòng vị tha bao la để chấp nhận những điều không thể chấp nhận được. 

Ít nhất một phần tư con cái của cha mẹ nghiện rượu trở thành người nghiện rượu, nhiều đứa trẻ trong số đó uống những ly rượu đầu tiên từ khi còn rất nhỏ do cha mẹ nghiện rượu đưa cho. 

Cho dù đứa trẻ không bị cha mẹ lôi kéo, thì chúng lúc nào cũng trong trạng thái đặc biệt dễ tổn thương và cuối cùng lại trở thành người nghiện rượu.

Bởi vì mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất đã dạy những đứa trẻ rằng những người mà chúng yêu thương sẽ làm chúng đau và trở nên khó đoán một cách đáng sợ, nên hầu hết những đứa trẻ trong gia đình có người nghiện rượu đều sợ thân thiết với người khác. Những mối quan hệ trưởng thành đều yêu cầu một mức độ nhất định của tính dễ tổn thương, sự tin tưởng và mở lòng. Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng này đã bị gia đình nghiện rượu phá hủy. Điều này khiến đa số con cái của người nghiện rượu bị thu hút bởi những người lạnh lùng, xa cách về mặt cảm xúc do những mâu thuẫn sâu bên trong họ. 

6. Cha mẹ bạo hành bằng lời nói


Cha mẹ sẽ có lúc nói những lời xúc phạm đến con trẻ. Hành động này không phải lúc nào cũng là bạo hành lời nói. Tuy nhiên, thường xuyên miệt thị những khiếm khuyết về ngoại hình, trí thông minh, năng lực, hay giá trị của một đứa trẻ, đó là bạo hành. 

Có hai loại cha mẹ bạo hành bằng lời nói:

6.1. Trực tiếp

Cha mẹ công kích trẻ một cách trực tiếp, miệt thị công khai, đầy ác ý. Mắng chửi trẻ là ngu xuẩn, vô tích sự, hoặc xấu xí. Những người này thường nói giá như họ không sinh đứa trẻ ra trên đời. Họ chẳng đoái hoài gì đến cảm xúc của trẻ. 

6.2. Gián tiếp

Cha mẹ công kích trẻ bằng cách chế giễu, mỉa mai, những biệt danh xúc phạm, sỉ nhục rất tinh vi. Những người này che giấu hành vi bạo hành của họ đằng sau tính hài hước. Họ nói đùa kiểu: 

- "Chắc cái ngày Thượng Đế ban phát não cho loài người mày nghỉ ốm phải không?"
- "Thằng này không thể nào là con mình, nhìn mặt mũi nó kìa. Tao cá là lúc ở bệnh viện người ta đã tráo con rồi. Sao mình không trả nó về cho cha mẹ thật của nó?"

Trẻ con không có khả năng phân biệt được đâu là nói đùa, đâu là sự thật. Chúng chỉ hiểu sự mỉa mai và phóng đại hài hước trên bề mặt ngôn từ. Con trẻ sẽ tin và nội tâm hóa những gì cha mẹ chúng nói. Liên tục lặp lại những lời nói đùa gây tổn thương con trẻ là hành vi tàn bạo và hủy hoại một con người.

Trẻ con có thể bị hủy hoại vì những lời nhục mạ của bạn bè, thầy cô, anh chị em và các thành viên khác trong gia đình. Thế nhưng, trẻ con yếu đuối nhất khi đứng trước cha mẹ chúng, bởi cha mẹ là trung tâm vũ trụ của đứa trẻ. Nếu mẹ lúc nào cũng nói "Mày là đồ ngu ngốc", thì trẻ sẽ tin mình là đồ ngu ngốc. Nếu cha lúc nào cũng nói "Mày là đứa ăn hại", trẻ sẽ nghĩ mình chính là đồ ăn hại. Đứa trẻ không có cơ sở để phủ định những đánh giá này. 

Khi trẻ đưa những nhận xét tiêu cực từ miệng người khác vào tiềm thức của bản thân, sẽ ảnh hưởng đến giá trị của bản thân trẻ, làm giảm lòng tự trọng.

7. Cha mẹ bạo hành thân thể


Nhiều người tin rằng "Thương cho roi cho vọt", các bậc cha mẹ không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm sử dụng hình thức xử phạt về thể xác đối với con mình. Dưới danh nghĩa rèn kỷ luật, các bậc cha mẹ có thể làm bất cứ điều gì đối với con cái mình, ngoại trừ việc giết chúng. Trẻ em được nhìn nhận như là vật sở hữu, những phần tài sản "được sở hữu" bởi cha mẹ chúng. 

Luật pháp nào cũng có luật chống bạo hành trẻ em, tuy nhiên vẫn có phần mơ hồ trong định nghĩa một hành vi nào được coi là bạo hành. Một đứa trẻ bị đánh gãy xương thì rõ ràng là bị ngược đãi, nhưng hiếm khi nào các công tố viên lại áp dụng án phạt lên một vị phụ huynh đã tét đít con họ và gây ra những vết bầm tím trên cơ thể.

Đối với tác giả Susan, bà cho rằng "sự ngược đãi thân thể bao gồm bất kỳ một hành vi nào gây ra đau đớn đáng kể về mặt thể xác cho một đứa trẻ, dù nó có để lại dấu vết hay không".

Hầu hết những người có con đều cảm thấy muốn đánh chúng vào lúc này hay lúc khác. Cảm giác này trỗi dậy khi một đứa trẻ không ngừng khóc lóc, hờn dỗi, hay tỏ thái độ thách thức. Đôi khi sự việc không liên quan nhiều tới hành vi của trẻ mà bởi sự mệt mỏi, mức độ căng thẳng, lo âu hay sự bất hạnh của chính cha mẹ.

Những cha mẹ ngược đãi con cái có những điểm chung sau:
  • Không đủ khả năng kiểm soát cơn nóng giận. Họ sẽ hành hung con cái bất cứ khi nào họ có những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ cần phải xả ra. 
  • Họ đến từ những gia đình ngược đãi. Bạo lực là thứ công cụ duy nhất họ biết dùng để đối mặt với các vấn đề về cảm xúc, nhất là sự giận dữ.
  • Họ trưởng thành với những thiếu thốn tình cảm to lớn và những nhu cầu không được đáp ứng. Họ thường nhìn nhận con cái mình như đối tượng để thay thế cho cha mẹ, để lấp đầy những nhu cầu cảm xúc mà cha mẹ của họ không bao giờ thỏa mãn. Vì tức giận cha mẹ mà họ đánh đập con cái mình.
  • Sự lạm dụng chất kích thích như bia rượu và ma túy cũng là nhân tố góp phần vào việc không kiểm soát được cơn nóng giận.
Bạo hành trẻ em thường là một phản ứng trước sự căng thẳng trong công việc, mẫu thuẫn với một thành viên trong gia đình hay bạn bè,... Trẻ con là những mục tiêu dễ dàng: chúng không thể phản kháng, và chúng có thể bị đe dọa để giữ yên lặng.

Joe, 27 tuổi, từng là nạn nhân của người cha bạo lực. Anh kể rằng:
"Tôi luôn bị đánh đập, thậm chí còn không nhớ nổi vì nguyên nhân gì. Dù tôi làm gì, cha vẫn sẽ mắng mỏ, quát tháo, đấm tôi. Ông đánh đập đến khi tôi trở nên mơ hồ và không biết chuyện gì đang xảy ra nữa."
Joe dành phần lớn thời thơ ấu của mình để chờ đợi những cơn giận dữ của người cha và biết rằng chẳng có cách nào để thoát được khỏi nó. Trải nghiệm ấy đã tạo nên một nỗi sợ mạnh mẽ, ám ảnh suốt đời về việc bị tổn thương và phản bội. Hai cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn bởi anh không thể học được cách để tin tưởng.

Joe nói: 
"Tôi luôn thấy lo sợ về một điều gì đó. Nếu người đáng lý phải yêu thương và chăm sóc tôi, như cha, lại cư xử như thế, vậy thì chuyện quái quỷ gì nữa sẽ còn xảy ra với tôi trong cái thể giới này đây? Tôi đã phá hỏng rất nhiều mối quan hệ chỉ vì không thể để người khác đến gần mình".
Dù khó tin, nhưng những đứa trẻ bị đánh đập chấp nhận lời cáo buộc vì các tội lỗi được áp đặt lên chúng. Joe nhớ lại:
"Cha luôn nói tôi là đồ vô dụng. Trong khi đánh tôi, ông ấy chửi rủa tôi là "Đồ vô tích sự". Tôi thật sự tin rằng mình là thứ tồi tệ và tôi bị đánh vì tôi xứng đáng bị như vậy.
Như tất cả những đứa trẻ bị ngược đãi khác, Joe tin rằng anh thật tệ, và anh bị đánh bởi vì anh là một kẻ tồi tệ. Những lời nói này tồn tại mãi trong lòng những con người trưởng thành đã từng là những đứa trẻ bị đánh đập.

8. Sự phản bội tột bậc - Cha mẹ lạm dụng tình dục


Loạn luân có lẽ là trải nghiệm tàn nhẫn, kinh khủng nhất đối với con người. Đó là sự phản bội niềm tin cơ bản nhất giữa một đứa trẻ với cha mẹ nó. Đó là sự hủy hoại cảm xúc. Những nạn nhân nhỏ tuổi hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ xâm hại mình. Loạn luân phản bội điều đẹp nhất của tuổi thơ: Sự ngây thơ.

Loạn luân là gì?

Trong pháp lý, loạn luân thường được định nghĩa là hành vi giao cấu giữa những người có quan hệ huyết thống với nhau. Tuy nhiên định nghĩa này khiến hàng triệu người không nhận ra họ là nạn nhân của tội loạn luân, bởi họ chưa bị xâm phạm vào bộ phận sinh dục. 

Trong tâm lý học, loạn luân bao hàm một phạm vi rộng hơn nhiều. Bao gồm cả sự tiếp xúc cơ thể với miệng, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn hay bất kỳ bộ phận cơ thể nào của đứa trẻ, nhằm tạo nên sự hưng phấn tình dục ở kẻ xâm hại. Kẻ xâm hại không nhất thiết phải có quan hệ huyết thống. Hắn có thể là bất cứ ai mà đứa trẻ xem như một thành viên của gia đình, chẳng hạn như cha kế, mẹ kế hoặc bên thông gia trong nhà. 

Một số hành vi loạn luân vô cùng có hại dù chúng không liên quan đến sự tiếp xúc cơ thể với đứa trẻ. Ví dụ như kẻ xâm hại tự mình khỏa thân hoặc thủ dâm trước mặt đứa trẻ, hoặc thuyết phục đứa trẻ chụp những bức ảnh gợi tình.

Còn nhiều hành vi tinh vi hơn. Các nạn nhân có thể không thực sự bị chạm vào hay tấn công tình dục, nhưng họ phải trải qua một sự xâm phạm về cảm xúc riêng tư hay an toàn. Ví dụ như rình mò một đứa trẻ thay quần áo, tắm, liên tục nhắc đi nhắc lại những lời tán tỉnh hoặc mang tính nhục dục với một đứa trẻ.

Câu chuyện của Tracy, 38 tuổi:
Cha tôi là chuyên gia tư vấn bảo hiểm và mẹ tôi là thư ký giám đốc. Chúng tôi đi lễ nhà thờ mỗi Chủ nhật và đi nghỉ mát vào mỗi mùa hè. Khi tôi 10 tuổi, cha tôi bắt đầu áp cơ thể ông ấy lên người tôi, nhìn trộm tôi thay quần áo. Khi tôi bắt đầu dậy thì, ông ấy thường tiến tới từ phía sau và sờ ngực tôi. Rồi có một ngày ông cầm lấy tay tôi và đặt nó lên dương vật của ông ấy. Tôi đã rất sợ. Khi ông ấy bắt đầu vuốt ve chỗ đó của tôi, tôi không biết mình nên làm gì, vì thế mà tôi làm theo những gì ông ấy muốn.

Tại sao những chuyện loạn luân lại xảy ra?

Loạn luân diễn ra ở những gia đình bị đè nén bởi những điều sau: cảm giác bị cô lập, sự thiếu thốn tình cảm, căng thẳng và sự thiếu tôn trọng. 

Trẻ con là những sinh vật chỉ biết yêu thương và tin tưởng, là mục tiêu dễ dàng của một người lớn thiếu thốn tình cảm và vô trách nhiệm. Sự yếu đuối về mặt cảm xúc của một đứa trẻ thường là đòn bẩy duy nhất mà một số kẻ lạm dụng cần đến. 

Những kẻ lạm dụng thường đe dọa trẻ rằng họ sẽ gây tổn hại cho cơ thể trẻ, làm nhục trẻ trước công chúng hoặc bỏ rơi.

Những kẻ xâm phạm cũng sử dụng những lời đe dọa để đảm bảo các nạn nhân của mình giữ im lặng. Ví dụ như:
- Nếu như mày nói ra, tao sẽ giết mày/đánh mày.
- Nếu như mày nói ra, mọi người sẽ nghĩ mày bị điên/chẳng có ai tin mày đâu.
- Nếu con nói ra, cha sẽ ghét con suốt đời/mẹ sẽ bệnh mất.
- Nếu con nói ra, người ta sẽ cho ba vào tù và chẳng còn ai chăm lo cho gia đình này nữa.

Những lời đe dọa này thao túng về mặt cảm xúc, lợi dụng nỗi sợ hãi và yếu đuối của nạn nhân ngây thơ.

Ngoài việc ép buộc tâm lý, nhiều kẻ xâm hại sử dụng bạo lực để buộc con mình thực hiện hành vi loạn luân.


Tại sao nạn nhân bị lạm dụng tình dục không kể ra những điều này?

Nạn nhân của tội loạn luân không kể cho ai nghe về điều đã xảy ra. Họ giữ yên lặng bởi sợ bị tổn thương, sợ rằng mình sẽ làm cho gia đình tan vỡ khi đẩy cha mẹ vào rắc rối. Loạn luân có thể đáng sợ, nhưng cái ý nghĩ của việc phải chịu trách nhiệm trước sự tan vỡ của gia đình còn kinh khủng hơn đối với trẻ em.

Trong những trường hợp tội loạn luân bị phát hiện, thông thường một gia đình sẽ tan vỡ. Dù là bởi việc li dị, hay các hoạt động pháp lý khác, đứa trẻ vẫn sẽ bị tách ra khỏi gia đình, hoặc sức ép lớn đến từ dư luận. Trẻ sẽ không tránh khỏi cảm giác phải chịu trách nhiệm trước sự đổ vỡ của gia đình. Điều này càng làm tăng lên nỗi đau tinh thần của trẻ.

Lý do thứ hai khiến trẻ không kể ra mình bị lạm dụng tình dục là vì chúng nhận ra rằng lời nói của chúng hầu như chẳng là gì so với kẻ lạm dụng. Giữa một đứa trẻ và một người lớn, thì trong mắt xã hội, người lớn vẫn luôn đáng tin hơn. Nhất là khi người lớn ấy đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, có uy tín, địa vị, quyền lực.

Một lý do khác khiến nạn nhân không nói ra tình trạng của mình là vì cảm giác tủi hổ. Kể cả khi họ không bị bắt phải giữ im lặng, họ vẫn cảm nhận được sự cấm kị và nhục nhã trước hành vi của kẻ xâm hại. Họ cảm thấy bản thân thật nhơ nhuốc. Các nạn nhân luôn tự đổ lỗi cho chính mình. Ở các nạn nhân loạn luân, niềm tin "tất cả đều là lỗi của tôi" thường mạnh mẽ hơn. Niềm tin này tạo ra sự căm ghét bản thân và cảm giác tủi hổ. Bên cạnh đó, đứa trẻ không sẵn sàng nhìn nhận người mình luôn tin tưởng bỗng trở thành một kẻ xấu xa.


Di chứng của nạn loạn luân

Những người từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ đều bị đeo bám bởi cảm giác vô vọng, vô giá trị và tồi tệ suốt từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành. Họ có chung những cảm giác bi thương, dơ bẩn, đau đớn và đơn độc.

Connie là một trong những nạn nhân của lạm dụng tình dục. Cảm giác chán ghét bản thân dẫn cô tới hàng loạt mối quan hệ tự hạ thấp mình với đàn ông. Bởi vì mối quan hệ đầu tiên của cô với một người đàn ông (cha cô) liên quan tới sự phản bội và lạm dụng, tình yêu và sự ngược đãi đã gắn chặt vào nhau trong tâm trí cô. Khi trưởng thành, cô bị hấp dẫn bởi những người đàn ông cho phép cô tái hiện kịch bản quen thuộc này. Một mối quan hệ lành mạnh, có sự quan tâm chăm sóc và tôn trọng thì cô lại thấy bất thường và không phù hợp với mình.

Nhiều nạn nhân nói rằng họ không thể quan hệ tình dục mà không bị ám ảnh bởi quá khứ. Họ cố gắng thân mật với người mình yêu thương, nhưng trong tâm trí họ đang sống lại những chấn thương loạn luân thuở đầu đời. 

-----

Các hình thức phòng vệ tâm lý:


Phủ nhận:

Phủ nhận nghĩa là sử dụng thực tế giả tạo để giảm thiểu hoặc phủ nhận hoàn toàn ảnh hưởng của những trải nghiệm đau khổ hiển hiện trong cuộc sống, quên đi những gì cha mẹ đã làm và tiếp tục tôn thờ họ.

Ví dụ câu chuyện của Sandy 28 tuổi. 

Năm 15 tuổi, Sandy có thai ngoài ý muốn và phá thai. Cha mẹ cô đã phát điên lên, họ la mắng cô hàng nghìn lần. Suốt thời gian sau, cha mẹ cô luôn đào bới lại chuyện đó, lặp đi lặp lại chuyện cô đã bôi tro trát trấu vào mặt họ.

Hiện tại, Sandy đã cố gắng có con trong hơn 2 năm nhưng không thành công. Cô tâm sự với mẹ về chuyện khó mang thai và hy vọng nhận được sự đồng cảm an ủi từ mẹ nhưng mẹ cô nói rằng: "Chắc chắn là do lần phá thai trước đây. Chúa sẽ không tha thứ cho bất cứ tội lỗi nào". Cha mẹ không bao giờ để cô quên đi lỗi lầm của quá khứ và sống tiếp.

Theo tác giả Susan, cha mẹ Sandy đã tấn công vào phẩm giá và lòng tự trọng của con mình một cách liên tục. Họ tàn nhẫn, làm cô tổn thương và sợ hãi. Tuy vậy, phía Sandy vẫn cố chấp tin tưởng vào hình tượng cha mẹ hoàn hảo, phủ nhận trách nhiệm của cha mẹ đối với nỗi đau của mình, cô cho rằng mọi điều xảy đến với cô đều là lỗi do cô.

Với nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ độc hại, phủ nhận là một quá trình vô thức vờ như những sự kiện đó chưa bao giờ xảy ra.

Hợp lý hóa

Hợp lý hóa nghĩa là ta dùng "những lý do tốt" để xua đi những cảm giác đau đớn và không thoải mái.

Ví dụ:
  • Một đứa trẻ có mẹ nghiện rượu, thay vì chấp nhận sự thật rằng mẹ mình nghiện rượu và làm tổn hại đến gia đình, thì đứa trẻ hợp lý hóa rằng: "Mẹ tôi chỉ uống rượu vì bà cảm thấy cô đơn. Lẽ ra tôi nên ở với bà nhiều hơn"
  • Cha tôi có đánh tôi, nhưng ông không cố ý làm tôi đau, ông ấy chỉ muốn giúp tôi tiến bộ (Sự hợp lý hóa của một đứa trẻ bị cha bạo hành thể chất)
  • Mẹ tôi không bao giờ để ý đến tôi vì bà đã quá bất hạnh (Sự hợp lý hóa của một đứa trẻ bị mẹ bỏ mặc, thờ ơ)
  • Tôi chẳng thể nào đổ lỗi cho cha vì đã quấy rối tôi, bởi đàn ông cần tình dục, nhưng mẹ tôi chẳng bao giờ ngủ với ông ấy cả (Sự hợp lý hóa của một đứa trẻ bị cha lạm dụng tình dục)
Những lời biện hộ trên có một điểm chung: chúng biến những điều không thể chấp nhận được thành có thể.

-----

Trên đây là những biểu hiện của các kiểu cha mẹ độc hại và hệ quả nặng nề mà họ gây ra cho những đứa con của họ. Những đứa trẻ bị đánh đập, bị bỏ mặc, bị coi thường, thậm chí bị lạm dụng tình dục đều bị tổn thương lòng tự trọng dẫn đến những hành vi tự hủy hoại. Hầu hết họ đều cảm thấy mình vô dụng, không được yêu thương và không đủ giỏi giang. Họ luôn mang gánh nặng tội lỗi và tự ti, khiến họ khó khăn trong việc tạo dựng hình ảnh tích cực cho bản thân. Hậu quả của việc thiếu tự tin và thiếu nhận thức về giá trị bản thân có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc đời họ.

Ở phần thứ hai của cuốn sách, tác giả chia sẻ những kỹ thuật và chiến lược hành vi cụ thể để giúp tăng cường hiệu quả khi trị liệu. Một số người có thể tự thực hiện các chiến lược này, nhưng nếu là nạn nhân của việc lạm dụng tình dục hoặc bạo hành thể chất, bạn cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia chứ không chỉ một vài lời khuyên từ quyển sách này hay những quyển sách khác.

Trong phạm vi bài viết này, chủ yếu mình tóm tắt phần 1 của sách để mọi người biết được các kiểu cha mẹ độc hại. Phần 2 thiên về trị liệu tâm lý. Nếu bạn thật sự có nhu cầu tìm hiểu cách trị liệu thì bạn nên mua sách để đọc những hướng dẫn thật chi tiết và rõ ràng từ tác giả.

-----

Tóm lại, cuốn sách "Cha mẹ độc hại" của tác giả Susan Forward là một cuốn sách đáng đọc và dễ đọc. Cuốn sách giúp chúng ta có thể nhận diện được bản thân mình hoặc ai đó có phải là một nạn nhân của các bậc cha mẹ độc hại hay không. Họ độc hại như thế nào, gây ra những hậu quả gì và làm sao để chúng ta khắc phục được những hậu quả đó để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Bạn đừng tin một số sách self-help nói rằng bạn không được đổ lỗi cho bất cứ ai về vấn đề của mình. Nếu bạn là nạn nhân của cha mẹ độc hại, lỗi lầm là của họ, họ phải có trách nhiệm với những gì họ đã gây ra. Dĩ nhiên, bạn chịu trách nhiệm cho cuộc sống trưởng thành của mình, song cuộc đời phần lớn được định hình bởi những trải nghiệm khi bạn còn chưa có quyền kiểm soát. Nói chung là: bạn không phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra với bạn khi bạn vẫn còn là một đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Bạn chịu trách nhiệm trong việc làm những điều tích cực để cải thiện tình hình từ bây giờ.

-----

Nếu muốn tìm hiểu thêm về các rối loạn và tổn thương tâm lý, bạn có thể xem thêm các cuốn sách liên quan mình từng review:

1. Đại dương đen (Đặng Hoàng Giang)
- Link mua sách: https://shope.ee/7f4qVWWynL

2. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (Đặng Hoàng Giang)
3. Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong (Robert Jackman)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét