Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

[Review] Truyện ngắn CHIẾC LƯỢC NGÀ phiên bản TRUYỆN TRANH

Mình mạnh dạn cho rằng tất cả các bạn ở đây đều đã được đọc trích đoạn của tác phẩm "Chiếc lược ngà" khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Không biết cảm xúc của các bạn như thế nào khi đọc tác phẩm đó, còn mình thì, đọc bao nhiêu lần là khóc sưng mắt bấy nhiêu lần. Thật sự rất rất rất là cảm động về tình cảm cha con trong truyện, đặc biệt là qua cách tác giả Nguyễn Quang Sáng thuật lại câu chuyện này. Và đọc truyện sẽ phần nào cảm nhận được chiến tranh tàn khốc đến thế nào. 

Truyện ngắn này các bạn đã được học từ năm lớp 9 nên có thể không còn nhớ rõ lắm, mình sẽ nói sơ qua nội dung truyện để các bạn có thể hồi tưởng.
Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu sắc giữa anh Sáu và bé Thu. Anh Sáu xa nhà đi lính khi con gái chưa đầy một tuổi. Bé Thu chưa từng gặp ba mà chỉ biết về ba qua tấm ảnh ba chụp chung với má. Năm Thu 8 tuổi, anh Sáu trở về nhà thăm gia đình, vì anh Sáu có vết thẹo trên mặt nên bé Thu không nhận ba. Bé cư xử vô lễ và lạnh nhạt với anh Sáu vì nghĩ đây không phải ba của mình. Khi bé Thu qua nhà bà ngoại, được bà kể về nguyên nhân vết sẹo đó của ba, Thu day dứt, trằn trọc cả đêm. Ngày hôm sau, thu nhờ bà ngoại đưa về nhà. Trước lúc anh Sáu đi, bé Thu đã chạy đến ôm ba và bày tỏ tình cảm với ba. Hai cha con hàn gắn lại tình cảm sau nhiều năm xa cách. Thu dặn ba sau này về nhớ mua cho nó một cây lược. Trong những ngày ở chiến khu, anh Sáu đã làm chiếc lược ngà với hy vọng sau này khi trở về thăm con, anh sẽ trao cho bé. Nhưng không may, anh đã hi sinh khi chưa kịp làm điều ấy.
Nhưng, hôm nay mình không định review về truyện ngắn "Chiếc lược ngà" mà mình sẽ review về truyện tranh "Chiếc lược ngà" do nhóm B.R.O thực hiện.

B.R.O group là nhóm vẽ truyện tranh chuyên nghiệp, thành lập năm 2005 gồm có 3 thành viên đều thuộc thế hệ giữa 8X. Không biết bây giờ nhóm còn hoạt động không, vì khi mình tìm kiếm thông tin của nhóm trên Google thì không thấy thông tin mới, chủ yếu là những thông tin về thời gian mà nhóm hoạt động mạnh mẽ vào khoảng năm 2012 - 2013. Nên thôi, không có gì để nói về nhóm tác giả thì ... mình bỏ qua.

"Tuy thực sự chưa từng sống và trải qua những đau thương, mất mát trong chiến tranh, nhưng dù sao, chính tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người qua mọi không gian, thời gian và hoàn cảnh là không bao giờ thay đổi. Trong lúc viết kịch bản, phác thảo, dựng tranh, chúng tôi cũng đã không ít lần rơi nước mắt, nắm bắt được và hoà mình vào cảm xúc của nhân vật."
(Hoàng Anh Tuấn - trưởng nhóm B.R.O nói về cảm xúc của mình khi thực hiện truyện tranh "Chiếc lược ngà").

🌟🌟🌟

Đầu tiên, điều mình muốn nói đến là lợi ích của việc chuyển thể một tác phẩm truyện ngắn thành truyện tranh

Chắc các bạn cũng biết là mỗi người có cách tiếp thu thông tin khác nhau. Có người thích đọc chữ, có người thích nhìn hình ảnh, có người lại thích nghe, có người lại thích đụng - chạm - sờ - nắn - làm thí nghiệm thì mới học được. Có nhiều học sinh không thích đọc chữ thì khó học được mấy tác phẩm văn học nhiều chữ như thế này. Do đó, việc chuyển thể truyện ngắn thành truyện tranh sẽ cung cấp thêm một phương thức khác để người đọc tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm, giúp cho tác phẩm tiếp cận được với nhiều bạn đọc hơn.

Để thực hiện 2 tập truyện tranh "Chiếc lược ngà" này, nhóm họa sĩ để tìm tòi kỹ lưỡng, cẩn thận các tư liệu lịch sử để đảm bảo tính chính xác. Họ đã phải vẽ tương đối chính xác các loại vũ khí (súng, đạn, máy bay, lựu đạn), trang phục, bối cảnh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Thật tình thấy họ kì công như thế mà mình ngại quá, bởi vì khi đọc truyện mình chẳng hề quan tâm đến mấy thứ đó :)) Bởi vì mình là kiểu người học bằng chữ, mình không hứng thú với hình ảnh cho lắm, nên thường thì mình ít đọc truyện tranh mà chỉ đọc sách báo đầy chữ thôi. 

Cái điều mình lo lắng cho một tác phẩm chuyển thể là nó thường không giữ được mạch truyện, thoại và nhiều yếu tố khác của tác phẩm gốc. Nếu vừa phải và hợp lý, sự thay đổi sẽ vừa thể hiện được sự sáng tạo của người chuyển thể vừa giữ được hồn của tác phẩm gốc. Nhưng nếu phóng tác quá đà, cắt và thêm và biến tấu quá nhiều chi tiết chỉ để thỏa mãn cái tôi của người chuyển thể sẽ khiến tác phẩm gốc bị méo mó và làm người đọc có cái nhìn lệch lạc về tác phẩm. Nên việc chuyển thể phải thật khéo léo. Và đó là điều mà mình thấy B.R.O làm tốt. Chính tác giả Nguyễn Quang Sáng khi đọc 2 tập truyện tranh "Chiếc lược ngà" cũng đã thốt lên: "Tôi thích những đoạn sáng tạo, rất hợp lý".

Trong tác phẩm truyện tranh "Chiếc lược ngà", các sự kiện và mốc thời gian được sắp xếp giống với tác phẩm gốc, giúp người đọc nắm bắt được diễn biến truyện một cách chính xác. Nhưng có một số phân đoạn được phóng tác rất sáng tạo và thú vị. 

Ví dụ như đoạn anh Sáu và anh Ba ngồi trên xuồng trên đoạn đường về thăm nhà, anh Sáu lấy tấm ảnh chụp đứa con ra xem và khóc, nước mắt rớt xuống làm hư hại tấm ảnh khiến anh phát hoảng, rồi anh Ba nói anh Sáu dịp này về tranh thủ chụp thêm ảnh với con. Trong truyện gốc thì không có chi tiết ấy, chỉ có một câu thôi: 
"Ðến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh."
Có lẽ đoạn phóng tác trên để góp phần diễn tả sự nhớ mong, trông ngóng gặp con của anh Sáu. 

Một tình tiết khác được phóng tác nữa là cái chết của anh Sáu. Trong truyện gốc, tác giả Nguyễn Quang Sáng chỉ viết một câu đơn giản rằng: 
"Một ngày cuối năm năm mươi tám, năm đó ta chưa võ trang - trong một trận càn lớn của quân Mỹ - ngụy, anh Sáu bị hy sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực." 
Tuy nhiên, trong phiên bản truyện tranh, nhóm họa sĩ đã dành hẳn 1/3 của tập 2 để diễn tả lại cái chết của anh Sáu một cách hào hùng và vẻ vang. Truyện vẽ rất chi tiết, từ hoàn cảnh nổ ra trận càn của địch, quá trình nhóm anh Sáu lên kế hoạch phục kích và tấn công địch, anh Sáu đã hy sinh thân mình để đánh lạc hướng địch, giúp cho các thành viên còn lại trong nhóm thoát thân. Một cái chết vô cùng anh dũng và thể hiện tinh thần đồng đội cao đẹp, góp phần tô đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Vậy tóm lại có nên đọc truyện tranh "Chiếc lược ngà" nói riêng và truyện tranh chuyển thể nói chung? 

Câu trả lời của mình là "Có", với điều kiện là phải đọc qua tác phẩm gốc trước. Đối với mình, không gì giá trị bằng những câu văn của tác giả, đọc chính những câu tác giả viết thì mới giúp chúng ta cảm nhận đầy đủ và chính xác thông điệp, ý đồ, ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải. Đồng thời cảm nhận được sự tài hoa của tác giả trong việc sử dụng ngôn ngữ. Khi viết một tác phẩm, tác giả đã cố gắng chọn lọc và sắp xếp câu, chữ, thứ tự của các sự kiện theo dụng ý của mình để thể hiện một thông điệp nào đó rồi. Còn khi chuyển thể một tác phẩm, người chuyển thể cũng điều chỉnh, thêm bớt chi tiết để phù hợp với dụng ý của riêng mình. Vậy để hiểu và cảm được một tác phẩm, tốt nhất là chúng ta sử dụng chính tác phẩm gốc. Còn tác phẩm chuyển thể chỉ nên được dùng theo kiểu tham khảo hoặc giải trí. 

Ngoài ra, khi đọc chữ thì mình sẽ được chủ động tự mường tượng ra các nhân vật và bối cảnh dựa vào mô tả của tác giả, tưởng tượng thế nào tùy thích. Còn khi xem phim hoặc đọc truyện tranh thì mình sẽ thụ động tiếp nhận các hình ảnh nhân vật và bối cảnh từ hình ảnh mà đạo diễn hoặc họa sĩ cung cấp. Mình vẫn thích cảm giác được đọc từng câu từng chữ của tác giả để cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ, tự do suy nghĩ về những tầng lớp ý nghĩa của câu văn, hơn là nhìn hình ảnh.

Tóm lại, "Chiếc lược ngà" phiên bản truyện tranh được vẽ đẹp, chỉn chu cả về hình thức lẫn nội dung, truyền tải đầy đủ cảm xúc và thông điệp của tác phẩm gốc, đáng đọc. Nếu thích đọc truyện tranh, mình rất khuyến khích các bạn mua các tác phẩm được chuyển thể như thế này để có thêm sự lựa chọn trong việc tiếp thu một tác phẩm văn học. Nếu như gia đình có trẻ em, học sinh thì càng nên mua để cho các bé đọc. Ngoài "Chiếc lược ngà", B.R.O cũng đã cho ra đời các truyện tranh "Chí Phèo" (Nam Cao), "Giông Tố" (Vũ Trọng Phụng), "Tắt Đèn" (Ngô Tất Tố)... Nếu các bạn có hứng thú xem review các tác phẩm truyện tranh kiểu như thế này thì comment nhé, để mình đi mua sách đọc rồi review cho 😁

-

Xem video trên Youtube: https://youtu.be/seN1FC1t0V0

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét