Mọi người có tin vào Chúa, vào Thượng Đế, hay một Đấng Tối Cao nào đó, hay ít nhất là vào các quy luật tự nhiên thiêng liêng không? Bản thân mình càng lớn càng tin, càng đọc nhiều, biết nhiều thì càng tin.
Vào thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới vừa rồi, mình đã ngồi trầm ngâm suy tư. Và mình nghĩ, điều mà mình thật sự mong muốn trong năm tới, là được chữa lành. Nghe có vẻ nặng nề, to tát, nhưng thật sự mình biết bên trong tâm hồn mình luôn không ổn, lòng mình cứ thấy trống rỗng, bất an. Có lẽ nguyện ước của mình được lắng nghe, và Chúa đã dẫn dắt mình lục tìm một cuốn sách đã bị phủ bụi trên kệ sách của nhà mình.
Bên rặng Tuyết Sơn
Mình thích cái tựa tiếng Anh của sách hơn. "Spirit of Hymalaya: The Story of a Truth Seeker", mình tạm hiểu là "Linh hồn của Himalaya: Chuyện về một người đi tìm chân lý". Không biết mình dịch có sát nghĩa chưa và không biết ngụ ý của dịch giả là gì khi đặt tên "bên rặng Tuyết Sơn".
Sách được viết bởi Swami Amar Jyoti. Mình đã tìm muốn nát google cũng không thấy thêm thông tin gì về ông, có lẽ ông muốn ẩn dật. Đây là những thông tin về ông được in trong cuốn sách "bên rặng Tuyết Sơn":
Swami Amar Jyoti sinh trưởng tại Ấn Độ. Tuy xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng từ nhỏ ông đã thích sống giản dị và thường dành nhiều thời giờ trầm tư mặc tưởng hơn là vui chơi như các bạn đồng niên. Tốt nghiệp trung học, ông ghi tên vào Đại học Bombay và trở thành một sinh viên xuất sắc về Toán cũng như Khoa học. Trong thời gian học đại học, ông thường bị một cảm giác kỳ lạ thôi thúc, “một sự thiếu thốn lạ lùng” mà ông không tài nào lý giải nổi. Khoảng một tháng trước ngày tốt nghiệp, ông chợt nhận ra rằng cảm giác kỳ lạ ấy chính là nhu cầu về tâm linh. Ông bỏ học, lang thang khắp xứ Ấn, tìm thầy học đạo.Ông đã theo học với nhiều đạo sư đương thời nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những gì học được. Vì cảm giác kỳ lạ kia vẫn thôi thúc, nên sau một thời gian tu học trong các đạo viện, ông lên Tuyết Sơn tu nhập thất. Ông tu tập nội quán trong một hang đá suốt 12 năm ròng cho đến khi cảm giác kỳ lạ kia chấm dứt mới xuống núi dạy đạo và thu tập môn đệ. Ông đề cao việc thực hành và khuyên mọi người hãy cố gắng tìm sự hoàn hảo ngay trong chính con người mình thông qua công phu tu tập nội quán dù theo bất cứ một tôn giáo hay pháp môn nào, vì “chỉ có các nỗ lực thực hành mới đưa con người đến chân lý”.
Bối cảnh chính trong sách "bên rặng Tuyết Sơn" là dãy Himalaya, rặng núi tuyết dài nhất, vĩ đại nhất, cao nhất thế giới.
Theo quyển Nghệ thuật Mật Thừa, rặng Himalaya trải dài trên vùng biên giới Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Trong tiếng Phạn, “Hima” có nghĩa là Tuyết, và “alaya” là Nơi ở. Chính vì vậy, nơi đây bốn mùa tuyết phủ, ngay cả trong những mùa ánh nắng mặt trời chói chang nhất. Nơi đây cũng có đỉnh Everest “nóc nhà của thế giới”, một mục tiêu đầy quyến rũ đối với bất kỳ nhà thám hiểm leo núi nào trên thế giới. Nơi đây cũng chính là chốn linh thiêng thuộc vào loại bậc nhất đối với di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, nơi ra đời của 04 đạo phái lớn của thế giới, và là nơi mà nhiều tín đồ Phật Giáo, Ấn Độ Giáo… muốn hành hương về một lần trong đời. (Nguồn: https://ledoquynhhuong.com/)
Hành trình đi tìm đạo, tìm chân lý của Satyakam được kể trong 4 chương sách. Tuy nội dung chủ đạo là một đề tài khó nhằn - tôn giáo, nhưng bằng văn phong nhẹ nhàng, ngôn từ gần gũi, diễn đạt ngắn gọn súc tích, tác giả đã mang đến cho người đọc một lượng kiến thức tâm linh lớn mà cực kì dễ hiểu.
Điều mình thích nhất trong cuốn này là dù tác giả là người theo Ấn giáo và viết sách dựa trên hiểu biết về Ấn giáo, nhưng ông khái quát lên được thành các nguyên lý chung có thể áp dụng cho tất cả tôn giáo. Dù là người theo tôn giáo nào cũng có thể đọc - hiểu - cảm được.
Sau đây là những bài học hay mình đúc rút ra được từ quyển sách này.
Bài học đầu tiên: Sống trọn vẹn trong hiện tại.
Hãy chấm dứt việc tính toán, phân tích thời gian, giờ khắc, hay ngày tháng. Hãy để cho mọi việc tuần tự trôi đi. Sống trọn vẹn từng phút giây. Đừng để sự sống trôi dạt vào quá khứ hay tương lai, hãy ý thức nó từng giây từng phút trong sự tỉnh thức hoàn toàn. Cuộc sống thực không phải là một sự cố gắng, phấn đấu để đại được cái này hay cái khác, mà là sự thoải mái, giải thoát tuyệt đối.
Tập theo dõi những dòng tư tưởng đang nổi lên cuồn cuộn trong tâm mình. Chỉ theo dõi, không đè nén nó xuống, cũng không khơi động nó lên.
Hãy tự biết mình. Phải tự biết rõ về mình chứ đừng trông chờ ai đó sẽ nói cho mình biết về chính mình. Con người chỉ có thể tìm được câu trả lời khi họ biết hướng vào bên trong. Chỉ khi tự biết mình, mới có thể biết được người khác.
Bài học thứ hai: Lắng nghe.
Không chỉ là lắng nghe các âm thanh thường nghe, mà còn là những âm thanh hiện vẫn chưa nghe thấy được. Đó là âm thanh của sự sống. Trước hết, hãy lắng nghe những âm thanh phát xuất từ trong lòng, rồi sẽ nhận ra trong đó những âm thanh của đức tin, của hy vọng và tình thường. Những âm thanh này vẫn thường trỗi lên từ nơi sâu thẳm nhất trong lòng mọi người, nhưng phần lớn mọi người không biết nghe, không muốn nghe, hoặc không dám nghe. Họ sợ hãi đến nỗi không dám đối diện với bản tâm mình. Họ bịt mắt trước ánh sáng đầy minh triết của Thượng đế. Vì nghe theo tiếng gọi của dục vọng hay đuổi theo ảo ảnh của vô minh luôn là điều dễ dàng hơn.
Bài học thứ ba: Chú ý đến năng lượng của tư tưởng.
Sự chuyển biến năng lượng của tư tưởng:
Mỗi khi tư tưởng phát sinh, nó sẽ tạo ra các làn sóng rung động rất vi tế.
Vi tế (微細) là những điều nhỏ bé mầu nhiệm ẩn tàng sâu xa phía dưới một hình thức, một trạng thái hay một hoạt động gì đó.
Nếu một người có sự rung động đồng nhịp với sự rung động đó, họ sẽ đáp ứng nhanh chóng. Đối với một người bình thường, tư tưởng được phô diễn qua lời nói và hành động, nhưng ngôn ngữ vốn nghèo nàn và có giới hạn, không thể diễn đạt được sự phong phú của tư tưởng. Khi một người đạt đến trình độ cao, họ không cần sử dụng ngôn ngữ nữa mà sử dụng tâm thức để thu nhận hay chuyển giao tư tưởng qua những làn sóng rung động kia. Thay vì nói chuyện bằng lời, họ nói chuyện bằng tư tưởng.
= "Thần giao cách cảm", "tha tâm thông". Phải tập nghe trước khi tập nói. Căn bản chính của công phu này là sự thanh lọc tâm hồn để trở nên nhạy cảm với các rung động tinh tế và thanh cao kia.
Xã hội càng phức tạp, con người càng thiếu đi sự cảm thông với nhau. Càng ngày tâm trí con người càng mệt mỏi, xáo trộn, dễ bị kích thích bởi những cớ lặt vặt không đâu. Muốn tập cho tâm hồn mẫn cảm để có thể đón những tư tưởng thanh cao, con người phải biết làm chủ cơn nóng giận, đó chính là bước đầu.
Tình thương là năng lượng duy nhất dập tắt được tư tưởng nóng giận mà không gây nên phản ứng trên thể xác hay tâm hồn. Đây là năng lượng màu nhiệm và có quyền năng mạnh mẽ.
Càng nghĩ đến mình bao nhiêu, con người càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu.
Tư tưởng của thế giới chỉ là tổng số tư tưởng của các quốc gia, tư tưởng của các quốc gia vốn là tổng số tư tưởng của các cá nhân sống trong đó. Nếu mọi người có tư tưởng tiêu cực, thù ghét, sợ hãi, nghi ngờ, tham lam,... thì thế giới sẽ biến thành một nơi đầy hận thù, tham lam và bạo lực. Ngược lại, nếu con người có tư tưởng tích cực, thế giới sẽ là một nơi tràn ngập tình thương yêu, vị tha. Do đó, con người phải nhận thức rõ trách nhiệm về tư tưởng của mình.
Bài học thứ bốn: Hơi thở chính là đầu mối quan trọng của công phu tu tập
Khi vọng tưởng chấm dứt thì chân lý rõ bày. Khi ước muốn một cái gì đó, lập tức tư tưởng này sẽ dấy lên, làm xáo trộn niềm an lạc sẵn có. Sự nảy sinh của một tư tưởng sẽ kéo theo vô số các tư tưởng khác và sự xáo trộn này sẽ lôi kéo ta rời xa thực tại.
Đừng để cho tư tưởng lấn át sự sống màu nhiệm đang diễn ra xung quanh.
Bài học thứ năm: Không có sự khác biệt giữa đời và đạo.
Nếu người đời có những lúc thế này thế nọ, thì kẻ đi trên đường đạo cũng có những tâm trạng y hệt như thế, nhưng với họ, thử thách này lớn hơn nhiều. Nếu người đời buồn chán, thất vọng thì đã có những thú vui vật chất để tiêu sầu giải muộn, còn người đi trên đường đạo thì không. Họ sẽ không có được một sự an ủi nào hết cho đến khi họ thực sự chiến thắng bản ngã của mình.
Chớ nuôi ảo vọng rằng vì đi trên đường đạo mà mình vượt xa đồng loại.
Thường khi đạt được điều mình mong muốn rồi, phần lớn con người sẽ ý thức được rằng đó chưa phải là điều mình muốn nhất, và họ sẽ muốn một thứ khác nữa.
Càng lo vun vén cho mình bao nhiêu, sẽ càng thất vọng ê chề bấy nhiêu.
Mỗi khi vượt qua được một thử thách, cần dừng lại suy nghĩ thấu đáo và thành thật xem có phải vì mục đích cao cả mà ta bước chân vào con đường này hay không. Con đường chân tu là phải thành thật hướng vào nội tâm, thành thật phơi trải tất cả, cho đến khi có thể hiểu trọn vẹn chính mình.
Nếu ai cũng giữ được cái sơ tâm đầy nhiệt huyết của lúc đầu tu học, thì chắc chắn ngàn người tu, cả ngàn người đều chứng ngộ ngay trong kiếp hiện tại, chứ đâu trôi nổi mãi trong luân hồi như vậy.
Bài học thứ sáu: Đức tin và khiêm nhường
Niềm tin mãnh liệt là nguồn năng lượng rất lớn giúp đến gần Thượng Đế.
Khi một người muốn biết mọi sự thì trước hết cần phải mở rộng lòng để quan sát và học hỏi chứ không phải để phê phán hay chỉ trích.
Đức tin là căn bản của lòng can đảm, là điều cần thiết của kẻ đi trên đường đạo.
Bài học thứ bảy: Tâm và thân không phải là hai thực thể tách biệt.
Tình cảm là năng lượng rất mạnh, không thể đè nén được. Càng cố gắng đè nén bao nhiêu, nó càng trỗi dậy mạnh mẽ bấy nhiêu. Phải hiểu vai trò của các năng lượng này để chuyển hóa được chúng.
Theo giáo lý mật truyền, người nam có bốn yếu tố dương và ba yếu tố âm trong cơ thể, còn người nữ có bốn yếu tố âm và ba yếu tố dương. Sự chênh lệch âm dương này tạo ra sự khác biệt nam nữ. Nam nữ tìm nhau để bổ túc sự bất toàn, đạt đến trạng thái tròn vẹn, hợp nhất. Đó là việc hết sức tự nhiên.
Khi một người đã tường minh về các nguyên lý âm dương, đã vượt qua các ảo vọng của vô minh để chiến thắng bản ngã, con người có thể tìm được sự hoàn mãn nơi mình bằng công phu tu tập. Họ sử dụng năng lượng nội tại để chuyển hóa các nguyên lý âm dương bên trong để đạt đến sự hoàn hảo nơi mình. Khi đã hiểu biết sâu xa về thế giới nội tại, ngoại giới chẳng qua chỉ là sự phản chiếu của nó mà thôi.
#8: Học lý thuyết mà thiếu thực hành là sự học thiển cận, do đó, một người đi trên đường đạo cần trải nghiệm, va chạm với thực tế, khổ đau.
#9: Mục đích của cuộc đời là bước đi bằng nỗ lực của chính mình chứ không phải ngồi chờ đợi những gì xảy đến.
#10: Một người biết chấp nhận cái chết chính là biết sống một cách đúng đắn. Cuộc đời là một trường học mà trong đó phần lớn mọi người chỉ học được bài học qua yếu tố đau khổ.
#11: Tất cả mọi người đều có khuynh hướng đi tìm Thượng đế, nhưng vì không ý thức rằng Ngài hiện diện khắp nơi nên nhiều người đã đi tìm Ngài qua những con đường hay pháp môn khác nhau. Kẻ nào thấy được Thượng đế ngự trị trong vạn vật, kẻ đó mới thực sự thấy. Một người đi tìm đạo, dù theo bất cứ con đường nào hay pháp môn nào, cần phải biết tôn trọng những con đường khác, vì đường nào cũng đều dẫn đến Thượng đế.
Nếu tìm hiểu thật kỹ về các nguyên tắc căn bản thì tất cả mọi tôn giáo đều được xây dựng trên những quy tắc luân lý và đạo đức như nhau. Phải biết chấp nhận sự khác biệt của các tôn giáo. Nếu ta bắt người khác phải tuân theo đường lối cư xử hay hành động của ta thì đó là một sự xâm phạm đến tự do ý thức của người khác.
#12: Càng thu gom nhiều, càng đau khổ nhiều; càng thành công lớn, càng bất mãn lớn; càng có nhiều tài sản, càng lo âu thêm. Phải lo sao đoạt cho được mọi thứ nhưng khi được rồi phải lo giữ nó cho thật chắc vì sợ nó sẽ mất đi.
Đến lúc đó, con người mới bắt đầu ý thức được rằng họ vẫn ao ước cái mà họ không biết rõ hay không thể hiểu được. Một số người bắt đầu quay về với nhu cầu tinh thần như tôn giáo, tìm cách rời bỏ các tham vọng vật chất hoặc xa lánh chốn đô thị náo nhiệt, tìm nơi thanh vắng để tĩnh tu. Tuy nhiên, không phải xa lánh của cải vật chất là có thể tìm thấy sự an tĩnh nơi tâm hồn, bởi lẽ ham mê trong tâm vẫn còn.
➡ Thay vì từ bỏ của cải vật chất, trốn vào rừng sâu núi thẳm để tìm sự bình an, họ phải biết thay đổi nội tâm và biến nó thành một đạo tràng thanh tịnh để tu tập. Thay vì hành động để đạt được mục đích dù về tinh thần hay vật chất, họ đều cần phải thay đổi động cơ, chuyển hóa nó và ý thức rằng hành động mà không mong cầu bất cứ điều gì cho bản thân mới đem lại kết quả thực sự.
#13: Bài học về tình thương, tình yêu
Tình thương chân thật không bao giờ có thể đem đến cho người ban rải nó sự đau khổ được. Nó chỉ mang lại sự sung mãn tràn đầy, niềm hạnh phúc, sự bình an mà thôi. Nếu không được như thế thì chắc chắn đó không phải là tình thương mà chỉ là một cái gì được người ta tưởng là tình thương đó thôi. Khi nào anh có thể yêu vợ con, họ hàng thân thuộc, hay trọn vẹn thế giới, yêu mà không hề đau khổ, ghen tuông, ao ước một cái gì cho mình hay đòi hỏi được đáp lại, thì anh mới có thể nói rằng anh yêu thương thật sự.
Tình thương thật sự không thể nào có sự gắn bó, đòi hỏi hay mong cầu. Nơi nào có sự bám giữ, mong muốn hay đòi hỏi thì ở chỗ đó chỉ có sự đổi chác, mua bán trên phương diện vật chất. Nếu sự mua bán này không được như ý thì đau khổ phát sinh. Tình yêu thật sự không bao giờ căn cứ trên sự luyến ái vật chất vì những người thực sự yêu nhau, dù có xa cách chân trời góc biển, tình yêu đó cũng không bao giờ phai nhạt và không bao giờ gây đau khổ cho nhau."
"Tình thương chân thật là cái có thể giải thoát ra khỏi mọi đau khổ, luyến ái chứ không thể gây đau khổ cho ta được."
Kết
Nếu bạn là một người đang trong trạng thái chán nản, hoài nghi, cuốn "Bên rặng Tuyết Sơn" có lẽ phù hợp với bạn. Hãy đọc để cảm nhận sự kết nối tâm linh, và biết đâu sẽ tìm được lẽ sống, gặp được Thượng đế.
*Bài viết tham khảo về khái niệm Nội quán: http://chuaxaloi.vn/thong-tin/noi-quan-cua-phat-giao-nhan-thuc-luan-doc-dao/1468.html
-
chờ video lên sóng, hihi
Trả lờiXóa