Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Suýt rớt phỏng vấn vì chưa đọc 3 cuốn sách này

Vừa qua mình có ứng tuyển vào một công ty. Ngoài 3 vòng phỏng vấn thì họ còn yêu cầu mình phải làm một bài test IQ đầu vào, gồm 100 câu hỏi trong 60 phút, liên quan đến toán, logic, hình học không gian, kiến thức kinh tế chính trị xã hội, đặc biệt là có các câu hỏi liên quan sách. 

Chủ đề khác thì mình không tự tin chứ riêng chủ đề về sách thì mình rất tự tin, bởi vì mình đã đọc rất nhiều sách mà, mình là book reviewer mà. 

Đến ngày làm test, mình đếm được có 4 câu hỏi tương ứng với 4 cuốn sách, nhưng vấn đề ở đây là... trong 4 cuốn đó có tới 3 cuốn mình chưa hề đọc, mà vấn đề nữa là... 3 cuốn đó rất rất nổi tiếng. 

Kết quả công ty gửi cho mình thì phần test kiến thức về sách mình chỉ đạt 50%, nghĩa là chỉ đúng được 2 câu, trong đó có 1 câu thì mình nghĩ suy đoán thôi chứ mình đã đọc sách đâu mà biết. Túm lại là chỉ ăn may mà đúng được câu đó.

Sách là thế mạnh của mình nhưng lại không đạt được 100%, thật sự mình thấy rất bức bối 😠. Do đó, mình quyết tâm là mình phải mua và đọc ngay 3 cuốn đó. Và hôm nay hãy cùng xem đó là 3 cuốn sách nào và những câu hỏi gì nhé!

- - -

Quyển đầu tiên: Tư duy nhanh và chậm (Daniel Kahaneman)

Câu hỏi trong bài test liên quan đến cuốn sách này là: Hệ thống thứ 2 trong tư duy có những đặc điểm gì? Trời mẹ ơi, nếu chưa đọc thì làm sao biết tư duy được chia làm mấy hệ thống, làm sao biết được hệ thống thứ 2 có điểm gì.

Trong "Tư duy nhanh và chậm", Kahneman mô tả hai cách thức mà não chúng ta vận hành. Ông gọi đó là Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Nếu như Hệ thống 1, còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức; thì Hệ thống 2 với cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic, có tính toán và ý thức. 

Nếu bạn tìm review cuốn này trên mạng thì sẽ thấy ai cũng nói: "Đây thực sự là một cuốn sách rất đáng đọc". Cuốn này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tư duy con người, trong việc đánh giá và ra quyết định.

Tác giả Daniel Kahaneman là giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Princeton. Ông được coi là nhà tâm lí học vĩ đại nhất trên thế giới còn sống, đã từng được trao giải Nobel kinh tế năm 2002.

Quyển thứ 2: Sapiens: Lược sử loài người (Yuval Noah Harari)

Đây được mô tả là "Một tác phẩm đầy khoa học. Đọc để hiểu hơn về con người và lược sử loài người. Một quyển sách không dễ đọc nhưng nếu bạn muốn tìm kiếm tri thức thì là một quyển sách đầy thú vị."

Sapiens đưa chúng ta vào một chuyến đi kinh ngạc qua toàn bộ lịch sử loài người, từ những gốc rễ tiến hóa của nó đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, để khám phá tại sao chúng ta đang trong những điều kiện sinh sống hiện tại.

Câu hỏi mình nhận được trong bài test liên quan đến quyển sách này đó là: Ở đầu cuốn sách Sapiens có một đoạn trích, đó là đoạn trích được trích từ cái gì? (Một bài thơ? Kinh Thánh? tư tưởng?). Trời mẹ ơi, nếu mà chưa đọc cuốn này thì chỉ có chịu thua hoặc đoán mò thôi.

Quyển thứ 3: Atomic HabitsThay đổi thói quen, hiệu quả bất ngờ (James Clear)

Cuốn này nói về những nguyên tắc giúp chúng ta “tạo thói quen tốt, bỏ thói quen xấu bằng những phương pháp đơn giản mà hiệu quả”. Hãy dẹp đi việc đọc mấy cuốn hoặc mấy bài viết nói là "Các tỷ phú đều có thói quen này", "Thói quen của người thành công",... Cuốn sách Atomic Habits không nói đến việc bạn nên hình thành những thói quen nào, mà tập trung vào việc làm thế nào để hình thành một thói quen mà bạn muốn, dựa trên phương pháp khoa học.

Câu hỏi mình nhận được trong bài test liên quan đến quyển sách này đó là: Thứ tự để hình thành thói quen tốt được Atomic Habits đề cập tới? 

Trong sách liệt kê 4 nguyên tắc sau:

✤ Nguyên tắc số 1: Khiến nó rõ ràng.

✤ Nguyên tắc số 2: Khiến nó hấp dẫn.

✤ Nguyên tắc số 3: Khiến nó dễ dàng.

✤ Nguyên tắc số 4: Khiến nó tạo cảm giác thỏa mãn

Mình không nhớ là mình đã chọn đáp án nào và có đúng hay không nữa.

- - - 

Nhưng cuối cùng thì mình cũng pass được bài test đó rồi. 

Qua sự việc lần này, mình nhận ra là số lượng sách trên đời này thật bao la, cho dù mình có đọc thật nhiều, thật nhiều đi chăng nữa thì cũng không đáng là bao. Nhưng cũng chính vì thế mà mình càng phải cố gắng quản lý thời gian cho thật tốt để có thể đọc được nhiều sách hơn nữa, vì có rất nhiều sách hay trên đời này ^^

Xem nội dung bài viết này dưới dạng video trên YouTube: https://youtu.be/IrshifaKZWQ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét