Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

[Review sách] Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Có lẽ nhiều bạn đã nghe đến danh thiền sư Thích Nhất Hạnh, mình cũng vậy, nhưng mình chưa từng quan tâm nhiều đến thiền sư, bởi vì mình không theo Phật giáo và chưa từng tìm hiểu về tôn giáo này. Nhưng mà vì mình đã có duyên được cầm trong tay cuốn sách "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi" của thiền sư Thích Nhất Hạnh, và mình cũng là người thích tìm hiểu tri thức mới, nên mình đã đọc cuốn sách này và bắt đầu tìm hiểu thêm về thầy Nhất Hạnh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – còn được gọi là Sư Ông Làng Mai – là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, một nhà hoạt động cho hòa bình và được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm và về hòa bình. 

Một số tựa sách nổi tiếng của thầy Nhất Hạnh có thể bạn đã từng nghe qua: Bông hồng cài áo (1962), Đường xưa mây trắng (1988), An lạc từng bước chân, Không diệt không sinh đừng sợ hãi. 

Và hôm nay mình sẽ mang đến cho các bạn phần review cuốn sách "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi".

Nhìn chung, mình nhận xét cuốn "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi" là một cuốn sách hay. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết khá cô đọng, dễ hiểu, quan trọng là thầy đã đem đến cho người đọc những góc nhìn rất tường minh về chuyện sinh - tử, vốn là chuyện khiến nhiều người phải sợ hãi.

Cuốn sách "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi" phù hợp với những người thường hối hả vội vã trong cuộc sống, những người cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với cái chết, luôn lo lắng vì tương lai hoặc đau buồn vì quá khứ. Và cuốn này đặc biệt phù hợp với những ai đang phải trải qua đau khổ do mất đi người thân yêu. Khi đón nhận và thực hành những điều thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền tải qua cuốn sách này, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi nỗi sợ, và tìm được niềm an lạc trong từng giây phút sống.

Có một điểm mình rất thích trong cuốn sách này đó là thầy Nhất Hạnh luôn cố gắng liên kết kiến thức của Phật giáo đến nhiều tôn giáo khác, cho dù chúng ta là người theo tôn giáo nào thì cũng cảm thấy thân thuộc, dễ hiểu hơn.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân mình, để đọc được cuốn sách này, ít nhất bạn cũng có chút kiến thức về Phật giáo. Bởi vì bản thân mình là người không biết gì về Phật giáo nên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình đọc và hiểu cuốn "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi" này. 

Trước hết là khó khăn trong việc hiểu từ ngữ. Có nhiều từ ngữ thuần Phật giáo mà mình không hiểu được, ví dụ như: hành trì, tánh giác, tích môn, bản môn, vô ngã, vô thường, vô úy,...

Tiếp theo là khó khăn trong việc phân biệt đạo Bụt với đạo Phật. Thật sự rất lấn cấn vì mình luôn nghĩ là một nhà sư thì sẽ theo đạo Phật, trong sách thì thầy Nhất Hạnh lại nói là theo đạo Bụt. Mình còn chưa bao giờ nghe đến đạo Bụt nữa, nên không hiểu hai đạo này có là một không?

Đó là một vài câu mình đã thắc mắc khi đọc sách và tự tìm câu trả lời. Nếu bạn cũng là người chưa có nhiều hiểu biết về Phật giáo giống như mình, thì mình xin phép được chia sẻ cụ thể như sau:

1. Giải thích một số thuật ngữ:
  • hành trì: thực hành các phương pháp tu tập hàng ngày như ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật,...
  • tánh giác: tánh giác là tâm Phật, tâm chân thật có sẵn nơi mỗi chúng ta.
  • tích môn: tạm thời.
  • bản môn: chân thực.
  • vô ngã: vô ngã là pháp ấn chỉ có trong Phật giáo, cho rằng, không có một Ngã, một cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại mà không phụ thuộc vào cái khác. Nghĩa là sự vật có mặt là do duyên sinh (tùy thuộc điều kiện) khởi phát, chứ sự vật không có quyền gì với sự sinh ra và sự hoại diệt của chính nó.
  • vô úy: không sợ.
2. Đạo Bụt với đạo Phật có phải là một không?

Phật và Bụt đều là phiên âm của từ gốc Boudha/Buddha (Bụt Đà), tiếng Phạn có nghĩa là Đấng Giác Ngộ. Bụt là phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn sang tiếng Việt (tiếng thuần Việt). Phật là phiên âm từ chữ Boudha sang chữ Hán: Phật Đà, gọi tắt là Phật. Cho nên, đạo Bụt chính là đạo Phật, không khác nhau.

✶✶✶

Tiếp theo, mình sẽ chia sẻ những nội dung mình tâm đắc nhất trong cuốn sách "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi"

Thật sự thì mình chưa tự tin về kiến thức và trải nghiệm tôn giáo, nên tạm thời bây giờ mình chỉ nói về những thứ mà mình có thể hiểu và cảm được từ cuốn sách này thôi. Qua thời gian, khi đã trang bị thêm nhiều kiến thức và có thêm nhiều trải nghiệm thực hành những điều học được từ cuốn sách này, có thể mình sẽ quay lại review cuốn sách này theo một góc độ khác và sâu sắc hơn. 


7 THÔNG ĐIỆP Ý NGHĨA TỪ CUỐN SÁCH

1. Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi

Nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành Không. Nhưng Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. 

Không có gì sinh ra, không có gì mất đi

Khi nhân duyên đầy đủ thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước thì ta nói nó không hiện hữu. Nhưng Bụt dạy, trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu.

Ví dụ: Khi chúng ta đang ở trong một căn phòng không có máy truyền hình và không có máy phát thanh, ta cho rằng không có chương trình truyền hình hay truyền thanh tại đó. Nhưng thực ra không gian trong phòng chứa đầy các tín hiệu. Tín hiệu của các chương trình đó có mặt khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ cần một chiếc máy thu thanh hoặc máy truyền hình, là bao nhiêu hình thái, màu sắc và âm thanh sẽ biểu hiện ra. Vậy khi nói rằng các tín hiệu đó không hiện hữu là sai, chúng ta chỉ thiếu dụng cụ để thâu chúng vô và cho các tín hiệu đó cơ hội biểu hiện ra. Chúng ta không thấy được các tín hiệu chỉ vì nhân duyên không đầy đủ để các chương trình xuất hiện mà thôi, chứ không phải chúng không có mặt.

Khi mất một người mình thương thì hẳn là ta đau khổ. Nhưng nếu bạn biết nhìn sâu, bạn có thể nhận ra rằng bản thể của người đó là vô sinh, bất diệt. Chỉ có sự biểu hiện và sự ngừng lại để biểu hiện dưới hình thức khác mà thôi. Bạn phải rất tinh và tỉnh thức để có thể nhận ra sự biểu hiện mới của người thương đó.

Chuyển hóa khổ đau và sợ hãi

Khi bạn mất một người nào và bạn than khóc nhiều quá, thì xin hãy nghe lời gọi của Bụt. Nhìn cho sâu để nhận ra bản chất vô sinh bất diệt, không tới không đi của người bạn thương. 

Giả sử bạn rất yêu một đám mây dễ thương. Một ngày kia trời mưa và đám mây biến thành mưa, bạn than khóc và mong đám mây kia sẽ trở lại với mình. Bạn sẽ không than khóc khi bạn biết rằng nếu nhìn sâu vào các giọt mưa, bạn sẽ thấy đám mây.

Nếu bạn yêu đám mây, mà có cái hiểu sâu xa về nó, bạn biết rằng đám mây là vô thường. Khi bạn yêu một người nào, bạn cũng hiểu rằng người đó không thường hằng vĩnh viễn. Nếu bạn vướng mắc vào đám mây, bạn cần thận trọng lắm. Bạn biết theo luật vô thường, đám mây chẳng mấy chốc sẽ biến thành một thứ khác, chẳng hạn như mưa.

Nếu bạn quên về vô thường và bạn bị ràng buộc vào đám mây thì khi tới thời mây chuyển hóa thành ra mưa, bạn sẽ khóc. “Trời ơi, đám mây không còn đó nữa, làm sao tôi sống cho nổi đây? Nhưng khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn có thể nhìn ra đám mây trong những hình tướng mới như sương, như mưa. Bạn nhìn ra mây trong các biểu hiện mới mẻ đó. Mưa chính là sự tiếp nối của đám mây. Mưa chính là mây.

Khi bạn có một người thân vừa chết đi, bạn sẽ trải qua một thời gian khó khăn vô cùng để vượt qua mối đau khổ vì mất mát đó. Chỉ vì hiểu lầm mà ta cho rằng người ta thương kia không còn nữa, nghĩa là đã qua đời. Thực ra người ta thương vẫn còn đó. Người đó đang ở bên cạnh, đang ở trong ta và cười với ta. Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy. Đám mây biểu hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt đau khổ đi nhiều.

Khi chúng ta mất một người thương, chúng ta cần nhớ rằng người đó không thể biến thành hư vô được. Từ có không thể biến thành không. Từ không, không thể biến thành có. Người thương của ta không thể bị hoại diệt, họ chỉ hiện ra dưới một hình tướng khác mà thôi. Họ có thể thành một đám mây, một em bé hay một cơn gió thoảng. Ta có thể nhận ra người thương trong mọi thứ, và ta có thể mỉm cười: “Người thương ơi, tôi biết người đang ở kế bên tôi, tôi biết bản chất của người là vô sinh bất diệt, tôi biết tôi không mất người đâu mà người luôn luôn ở bên tôi.”

Chết không có nghĩa là từ có trở thành không. Sinh ra không có nghĩa là từ không trở thành một con người nào đó. Chỉ có sự biểu hiện khi nhân duyên đầy đủ và sự biểu hiện ngừng lại khi không còn đầy đủ các điều kiện. Tờ giấy bạn đang cầm trong tay đây được thành hình trong một thời điểm nào đó. Nhưng đó không phải là lúc nó ra đời. Nó đã có mặt trong tia sáng mặt trời, trong thân cây, trong đám mây và trong mặt đất. Khi nó được sản xuất ra trong nhà máy chỉ là lúc nó biểu hiện ra mà thôi. Khi bạn đốt một tờ giấy, nó không còn hình thái một tờ giấy nữa. Nếu nhìn nó với sự tỉnh thức, bạn sẽ thấy là tờ giấy tiếp tục ở những hình thái khác. Một hình thức là khói. Khói từ tờ giấy sẽ bốc lên cao, nhập vào với đám mây có sẵn ở trên đó. Tờ giấy nay trở thành mây, và ta có thể vẫy tay tạm biệt nó. Tạm biệt giấy, sẽ gặp lại gần đây. Ngày mai hoặc tháng sau sẽ có mưa và hạt mưa có thể sẽ rớt xuống đầu bạn. Giọt nước đó là tờ giấy của bạn.

Có không thể trở thành không và không cũng không thể trở thành có. Nếu sự vật đã có đó, nó không cần được sinh ra. Thời điểm nó ra đời chỉ là thời điểm nó tiếp tục. Bạn được coi là một em bé mới sinh và ai cũng nghĩ ngày bạn ra đời là bắt đầu hiện hữu. Nhưng bạn đã hiện hữu từ trước ngày đó rồi.

Chết theo quan niệm của chúng ta là từ có bỗng nhiên trở thành không. Đang là một con người bạn không còn là gì nữa. Đó là một ý tưởng kinh khủng và vô nghĩa lý. Nếu một thứ chưa từng sinh ra thì nó có thể nào chết đi chăng? Bản chất chân thật của bạn là vô sinh. Bạn đã có đó rồi, từ lâu, rất lâu. Nếu chúng ta có thể tiếp xúc được với bản chất của sinh tử, bạn sẽ không còn sợ hãi. Đó là bản chất của chân hạnh phúc. Sự giải thoát lớn nhất mà bạn có thể đạt tới là tiếp xúc được với bản chất chân thật của bạn, với tính vô sinh bất diệt.

Bạn không thể nói một sự vật là có đó chỉ vì nó biểu lộ ra. Bạn cũng không thể nói một sự vật là không khi nó chưa biểu lộ hay ngừng sự biểu lộ. Nếu người thân của bạn đã qua đời mà bạn nghĩ họ không còn hiện hữu, là một lầm lỗi. Hư không không thể trở thành một thứ gì. Hư không chẳng thể sinh ra một người nào đó. Đang từ có bạn không thể thành không. Đó là chân lý. Nếu người thương không còn biểu hiện ở hình tướng bạn thường thấy, đó không phải vì người kia không còn hiện hữu. Nếu nhìn cho kỹ, bạn có thể tiếp xúc được với người kia ở các biểu hiện khác.

2. Tam pháp ấn

Tất cả các giáo pháp chính thống của đạo Bụt đều có ba yếu tố căn bản gọi là Tam pháp ấn. Ba dấu ấn đó là vô thường, vô ngã và Niết bàn.

Vô thường

Thực tập và hiểu biết về vô thường là một dụng cụ giúp chúng ta chuyển hóa, buông xả và hàn gắn các vết thương. 

Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút giây, nên chúng ta không thể mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây. 

Triết gia Heraclitus đã nói: “chúng ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Ông ta nói đúng. Nước sông hôm nay hoàn toàn khác với nước sông mà chúng ta tắm hôm qua, dù đó vẫn là một con sông.

Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con gái bạn không thay đổi thì nó không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên chúng ta nên thực tập vô thường

Thứ nhất, bắt đầu bằng một điều đơn giản và gần gũi nhất đó là chúng ta hãy biết trân quý những giờ phút còn được sống cạnh những người mà chúng ta yêu thương. Bởi vì chúng ta thực sự không thể biết trong vài ngày, vài năm nữa, chúng ta và họ còn ở bên nhau được nữa hay không. 

Thứ hai, chúng ta hãy tập nhìn các cảm xúc với con mắt vô thường. Ví dụ như khi giận dữ, chúng ta thường tức điên là mong người kia chết cho khuất mắt. Nhưng chúng ta cần biết rằng, "cả hai sẽ có ngày chết đi, thật là điên rồ khi chúng ta giận nhau trong khi còn sống bên nhau". Ngày nào ta chết đi, ta sẽ mất tất cả: của cải, quyền lực, gia đình và tất cả mọi thứ khác. Khi thấy chúng ta có thể mất nhau bất cứ giờ phút nào, ta sẽ không còn giận dữ nữa. Bản thân mình là cung Bọ Cạp nên hay bị gán mác là "thù dai nhớ lâu", đúng thật là mình nhớ lâu, nhưng mình đã luyện tập được để không còn thù dai. Mỗi khi cãi nhau với những người thân, người thương, mình luôn tưởng tượng rằng, lỡ tối nay, ngày mai, mình hoặc người kia đột ngột qua đời, lẽ nào những lời cuối cùng mình nói với người mình thương lại là những lời cay độc, chỉ trích. Chỉ cần nghĩ đến đấy thôi là tự dưng mình sẽ cảm thấy sợ liền, và mình sẽ quay lại làm lành và chủ động nói lại những lời tốt đẹp hơn, để lỡ như tối nay, ngày mai, mình hoặc người kia đột ngột qua đời, thì mình vẫn an lòng vì những lời cuối cùng mình nói với người đó là những lời yêu thương và tốt đẹp.

Vô ngã

Vô thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian. Vô ngã là nhìn trong bình diện không gian. Khi nói về "ngã", ta muốn nói tới một thứ gì tự nó không thay đổi ngày này qua tháng khác. Nhưng không thể có cái gì như vậy. Tờ giấy không có một cái ngã riêng biệt. Nó chỉ có mặt được khi có đám mây, rừng cây, mặt trời, trái đất và máy móc cùng người làm giấy. Nếu những thứ đó không có mặt thì tờ giấy cũng không thể có mặt.

Bạn nghĩ về thân mình như nó thuộc về mình, nhưng nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân bạn cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn. Vậy nó không phải là bạn hay của bạn. 

Niết bàn

Vô thường và vô ngã là phương tiện để ta hiểu được thực tại, đó không phải là thực tại. Đó chỉ là các dụng cụ, không phải là chân lý tuyệt đối. Vô thường không phải là một chủ thuyết bạn phải sống chết với nó.

Vì vô thường chứa đựng trong nó bản chất Niết bàn, ta sẽ được an toàn khi không bị vướng vào một ý tưởng. Khi bạn học hỏi và hành trì giáo pháp này, bạn không còn bị kẹt, bạn được tự do không vướng vào các ý niệm kể cả ý niệm về thường hay vô thường. Theo  con đường đó, bạn đạt tới sự tự do không còn đau khổ sợ hãi nữa. Đó là Niết bàn, là vương quốc của Thượng đế.

3. Không để bị trói vào một ý niệm

Trong sách có một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về tư tưởng và ý niệm, mình tóm tắt ngắn gọn như sau:

Một thương gia trở về nhà sau chuyến đi buôn xa, thấy nhà đã bị cướp đốt thành tro. Ngay phía ngoài nền nhà là một cái xác nhỏ bé đã bị cháy thành than. Anh ta nghĩ đó là xác đứa con trai nhỏ của mình. Anh khóc thương và làm đám tang cho con. Anh thương xót con tới độ không thể rời hũ tro của nó. Anh may một cái túi gấm và bỏ tro vô đó, đeo trước ngực ngày đêm. Nhưng anh không biết rằng sau khi đốt nhà, bọn cướp đã bắt con trai anh đi theo, nên nó vẫn còn sống. Một đêm con anh trốn thoát khỏi tay bọn cướp. Nó trở về và gõ cửa một cách háo hức. Anh hỏi: "Ai đó?". Đứa bé trả lời: "Con đây cha ơi". Anh đáp: "Mày đâu phải con tao. Con tao đã chết ba tháng trước rồi, tao còn tro của nó ngay đây". Đứa bé tiếp tục đấm vào cửa và khóc lóc. Nó năn nỉ hoài để xin vào nhà nhưng người cha nhất định không cho. Người cha giữ chặt lấy ý niệm con đã chết và cho rằng đứa bé vô lương tâm này chỉ đến phá rầy anh ta mà thôi. Cuối cùng đứa bé đành bỏ đi và anh ta mất con vĩnh viễn.

Bụt dạy rằng khi ta bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta sẽ mất cơ hội để thấy được chân lý. Vậy nên khi bạn vướng vào một ý niệm về sự thật hay có ý niệm về các điều kiện của hạnh phúc thì hãy cẩn thận. Chúng ta cần thực tập để được tự do không bị thiên kiến, không bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo.

Chúng ta nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động. Thế giới chúng ta đã chịu khổ đau quá nhiều vì các chủ thuyết, giáo điều. Nếu ta bị kẹt vào các ý niệm, ta sẽ đau khổ và làm cho người thân đau khổ theo.

Nếu bạn có một ý niệm về Niết bàn, thì nên loại bỏ nó đi. Niết bàn không chứa đựng một ý niệm nào hết, kể cả ý niệm về Niết bàn. Nếu bạn kẹt vào ý niệm về Niết bàn là bạn chưa chạm được tới Niết bàn. Sự khám phá và hiểu biết sâu xa đó khiến cho Bụt vượt thoát được mọi sợ hãi, lo âu, mọi đau khổ và vượt được cả vấn đề sinh tử.

Mỗi chúng ta ai cũng có một quan niệm làm sao để được hạnh phúc. Chúng ta đặt quá nhiều điều kiện vào hạnh phúc của chúng ta, rằng chúng ta sẽ hạnh phúc khi lấy được tấm bằng đó, công việc đó hay mua được căn nhà đó. Nhưng, ngay cả khi chúng ta đạt được tất cả các điều kiện đó, chúng ta vẫn không có hạnh phúc. Chúng ta tiếp tục đặt thêm các điều kiện khác, chúng ta muốn có bằng cấp cao hơn, việc tốt hơn và nhà đẹp hơn nữa. Xin nhớ rằng quan niệm về hạnh phúc của chúng ta có thể rất nguy hiểm. Bụt dạy hạnh phúc chỉ có mặt bây giờ và ở đây. Vậy, ta nên nhìn lại và coi xét cho kỹ các quan niệm về hạnh phúc của mình. Chúng ta có thể nhận ra rằng các điều kiện của hạnh phúc chúng ta đang có trong đời là đầy đủ rồi. Vậy là chúng ta sẽ có hạnh phúc ngay lập tức.

4. Thực tập chánh niệm

Chúng ta không thể thưởng thức được đời sống nếu dùng nhiều thì giờ để lo âu về những gì đã xảy ra hôm qua hoặc sẽ xảy ra ngày mai. Chúng ta lo lắng về tương lai vì chúng ta sợ hãi. Nếu chúng ta sợ hãi hoài thì chúng ta không thể biết giá trị của sự sống và hạnh phúc của hiện tại. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có khuynh hướng cho rằng hạnh phúc chỉ có mặt trong tương lai. Chúng ta luôn luôn mong đợi những điều tốt đẹp hơn, những điều kiện tốt để làm cho ta hạnh phúc. Chúng ta bỏ qua những gì đang xảy ra trước mắt. Chúng ta cố gắng đi tìm những gì làm cho ta cảm thấy vững vàng hơn, an toàn hơn. Nhưng chúng ta cũng thường xuyên lo sợ về những gì tương lai sẽ đem tới.

Khi bạn trở về với lúc này và ở đây, bạn sẽ nhận diện được rằng nhiều điều kiện của hạnh phúc đã có mặt. Thực tập chánh niệm là thực tập trở về với hiện tại, lúc này và ở đây, để có thể tiếp xúc sâu sắc với chúng ta, với đời sống. Chúng ta phải luyện tập để thấy được rằng các điều kiện của hạnh phúc đã có mặt tại đây rồi. Cần biết thưởng thức từng bước chân trên mặt địa cầu quý giá, đẹp đẽ này, vui sống từng giây phút của cuộc đời.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ một Bài niệm giúp chúng ta có thể chánh niệm:
"Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi
Quay về nương tựa"

Chúng ta có thể tập thiền dù bạn là người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo hay Do thái giáo. Theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo đều không phải là vấn đề. Sống thực sự từng giờ từng phút, bạn tự đánh thức mình và sẽ đánh thức cả thế giới.

5. Chuyển hóa nỗi sợ trở thành hư vô sau khi chết

Nếu bạn thắp một cây nến và để cho nó cháy tới hết, thì khi đó cây nến còn hay không? Hãy cùng tập nhìn sâu. Thực ra ngọn lửa của nến đi theo nhiều hướng khác nhau. Nó tỏa ánh sáng ra khắp chung quanh: đông, tây, nam, bắc, đủ hướng hết. Nếu bạn có một dụng cụ khoa học tinh vi, bạn có thể đo được sức nóng và ánh sáng mà ngọn nến đã gửi vào vũ trụ. Ngọn nến cũng đi vào trong bạn bằng hình ảnh, ánh sáng và hơi nóng. Bạn cũng giống như ngọn nến. Bạn tưởng tượng mình cũng tỏa ánh sáng ra chung quanh. Tất cả các lời nói, tư tưởng và hành động của bạn đi theo đủ mọi hướng. Nếu bạn nói câu nào tử tế, những lời đó cũng đi theo nhiều hướng, và bạn cũng đi cùng với chúng. 

Chúng ta chuyển hóa và tiếp tục biểu hiện ở những hình thái khác vào mọi lúc. Sáng nay bạn nói điều gì không dễ thương với con bạn. Với những lời lẽ khó thương đó, bạn đi vào trong con. Nay bạn hối tiếc những lời đó. Vậy thì bạn vẫn có thể chuyển hóa những lời đó bằng cách nhận lỗi với con, nhưng nếu bạn không làm vậy thì những lời khó thương kia sẽ ở với con bạn một thời gian dài. 

Trong đạo Bụt chúng ta nói tới ba bình diện: thân, khẩu và ý, trong bất cứ giây phút nào của đời sống. Bạn đi vào trong con cái, bạn bè và tất cả thế giới. Con cái là sự tiếp nối của chúng ta. Chúng ta là con trẻ và trẻ con cũng là chúng ta. Nếu bạn có con, một hay nhiều đứa, là bạn đã tái sinh trong chúng rồi. Bạn có thể nhìn thấy sự tiếp nối của bạn nơi con cháu, nhưng bạn cũng nhìn thấy nhiều thân tiếp nối khác nữa. Sự tiếp nối xảy ra trong những người mà bạn tiếp cận. Và bạn không thể biết thân, khẩu và ý của bạn đã tiếp xúc được với bao nhiêu người. Chúng ta cần ngăn chặn không để cho thân, khẩu và ý đưa ta tới những hướng hành động, nói năng, và suy nghĩ bất thiện.

Với tư tưởng, lời nói và hành động, bạn có thể tỏa rạng vẻ đẹp ra ngoài. Vẻ đẹp và tính thiện đó sẽ đi vào bạn bè, con cháu bạn và đi vào thế giới. Nó không thể mất được, và bạn đi vào tương lai theo cách đó. Nếu bạn nhìn vào mình theo phương pháp đó, bạn có thể thấy được tiếp nối của bạn trong tương lai. Bạn sẽ không bị vướng vào ý niệm bạn sẽ trở thành hư vô. Bạn sẽ không còn nghĩ rằng bạn không còn hiện hữu sau khi chết.

6. Phép thực tập địa xúc

Phép thực tập địa xúc hay còn gọi là lạy xuống sát đất là một phương pháp dễ làm và có hiệu quả để giúp ta tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt, dứt hẳn được các mối lo sợ. Địa xúc là phép thực tập giúp ta chuyển hóa sợ hãi, nghi ngờ, thiên kiến và giận dữ. Hãy cho bạn thì giờ để thực tập lạy sát đất một hoặc hai lần mỗi ngày.

Cái lạy thứ nhất

Hãy tưởng tượng thời gian như một đường thẳng dọc. Đặt mình vào một chỗ, như đang đứng trên trục thời gian đó, quá khứ phía trên và tương lai phía dưới. Coi các thế hệ tổ tiên đã tới trước bạn, trong đó trẻ nhất là cha mẹ của bạn. Tất cả đều ở trên cái trục thời gian. Dưới bạn, nhìn về con, cháu, chắt v.v... và tất cả các thế hệ tương lai. Nếu không có con, bạn có thể coi con cháu là những người tiếp nối của các nhân vật bạn đã tiếp xúc đời này, và tất cả những ai mà bạn đã ảnh hưởng đến họ.

Trong bạn có tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Làm vậy bạn sẽ nhận thức được mình là tiếp nối của họ. Đối với các thế hệ con cháu cũng vậy. Bạn sẽ hiện diện trong từng tế bào của chúng. Và bạn cũng hiện diện trong tâm thức của những người mà bạn đã tiếp xúc. Đây là sự thật, không phải chuyện tưởng tượng. Đây là cái lạy, là địa xúc thứ nhất.

Khi bạn lạy xuống đất lần thứ nhất, hãy chấp nhận tất cả tổ tiên với bản chất của họ. Đây là điều quan trọng. Chấp nhận một cách vô điều kiện là bước đầu để mở được cánh cửa kỳ diệu của tha thứ. Muốn chấp nhận kẻ khác như bản chất của họ, chúng ta bắt đầu từ chính  mình. Nếu chúng ta không thể chấp nhận được chúng ta như ta đang là ta, ta sẽ không bao giờ chấp nhận được người khác. Thở vào thở ra, bạn quán tưởng hình ảnh của tổ tiên, bạn sẽ nhìn thấy các ưu điểm và nhược điểm của họ. Hãy quyết tâm chấp nhận tất cả đều là tổ tiên của mình, không ngần ngại gì hết. Sau đó, bạn lạy xuống, để hai đầu gối tiếp xúc với đất, rồi hai tay, và trán nữa. Giữ tư thế phủ phục đó trong khi quán tưởng hình ảnh họ.

Tổ tiên có những yếu kém cũng như có tài năng. Chấp nhận tổ tiên với cả hai mặt yếu và mạnh là điều rất quan trọng. Nó sẽ giúp cho bạn được bình an hơn và ít đi sự sợ hãi. Hòa giải với họ nghĩa là bạn hòa giải với chính mình. Chối bỏ họ là chối bỏ chính mình.

Bước thứ hai trong phép địa xúc là nhìn xuống các hậu sinh của bạn - con, cháu ruột và cháu họ. Bạn không phải là một thực thể cách biệt với con bạn, vì bạn được tiếp nối nơi con cháu bạn. Bạn cần sống làm sao để mỗi ngày bạn có thể truyền cho họ con người tốt đẹp nhất của bạn vì họ sẽ mang bạn vào tương lai.

Cái lạy thứ hai

Trong phép địa xúc thứ nhất, bạn hình dung bạn đứng trên trục dọc của thời gian. Bây giờ bạn hình dung trục ngang, tượng trưng cho không gian. Trong không gian chúng ta nhìn thấy các sinh vật khác trên trái đất: đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già, súc vật và tất cả các loài, cây cối, đất đá. Chúng ta đã luôn luôn là một phần tử của sự vật gì đó, và bất cứ sự vật gì cũng đã từng có trong ta.

Nhìn sâu vào không gian ta cũng sẽ nhìn thấy tất cả các vị đã giác ngộ. Các hiền nhân, các vị Bồ tát, Thượng đế. Khi lạy xuống sát đất, bạn tiếp xúc với nhữngvị hiền nhân vì họ là một phần của đất và một phần của bạn. Sống trong thế giới ngày nay, bạn rất dễ trở thành một nạn nhân của tuyệt vọng. Bạn cần phải tự bảo vệ. Cách hay nhất là bạn tiếp xúc với các vị Bồ tát có hành động từ bi và thương yêu.

Tiếp xúc với đất, chúng ta tiếp xúc được các vị Bồ tát và đồng thời cũng tiếp xúc được với tất cả những người đau khổ. Ta phải tiếp xúc với cả hai phía. Chúng ta cần nhớ rằng có những con người đang bị kẹt vào những khổ đau lớn như chiến tranh, đàn áp và bất công. Họ không có cách nào nói lên được những khổ đau và bất công mà họ phải gánh chịu. Khi lạy xuống lần thứ hai, ta thấy ta không chỉ là Bồ tát mà còn là nạn nhân của các áp bức, kỳ thị và bất công nữa. Với năng lượng của Bồ tát, ta ôm lấy các nạn nhân khắp nơi. Tất cả các khổ não của thế gian là của chúng ta. Chúng ta phải nhìn mình là họ và họ là mình. Khi ta nhìn thấy họ khổ đau, một mũi tên của hiểu biết và thương yêu xuyên vào tim ta.

Cái lạy thứ ba

Trong cái lạy thứ nhất, ta thoát được quan niệm mình phân cách với tổ tiên và con cháu. Ta được thoát khỏi ý niệm về thời gian. Trong cái lạy thứ hai, ta vượt qua được quan niệm mình khác với Bụt, Bồ tát và các bậc đại nhân, những chúng sinh đau khổ, súc vật, cây cỏ và đất đá. Ta vượt thoát được ý niệm về không gian. Lần thứ ba này ta lạy xuống và buông bỏ cái nhìn thân này là ta, ta là một chủ thể có sinh có diệt. Ta được giải phóng khỏi các quan niệm rằng ta là cái thân này, và ta sẽ chết. Ta nhìn sâu được vào bình diện tuyệt đối của bản môn không sinh không diệt. 

“Sinh - Tử” thật ra chỉ là những quan niệm, chúng ta chỉ cần vượt qua được hai quan niệm đó thôi. Nay ta thấy rằng ta phong phú hơn cái thân này. Ta thấy ta không chỉ có cuộc đời này mà chúng ta vô cùng vô tận.

Trong mỗi lần lạy thì chúng ta sẽ đọc một bài khấn, nội dung bài khấn bạn có thể đọc trong cuốn sách này hoặc tìm hiểu thêm trên mạng nhé. Trong phạm vi của bài review này mình không thể đọc luôn mấy bài khấn đó được, rất mong bạn thông cảm.

7. Sống cạnh người hấp hối

Trong phần cuối cuốn sách, thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng có một kinh gọi là kinh Độ Người Hấp Hối, hay còn được hiểu là "Kinh dành cho người hấp hối". Tức là nếu ở cạnh một người đang hấp hối, chúng ta hãy đọc kinh này cho họ. 

Sống hạnh phúc, chết bình an là chuyện có thể làm được. Ta sẽ được như thế khi ta nhìn thấy mình tiếp tục biểu hiện trong các hình thái khác. Ta cũng có thể giúp người khác chết bình an nếu ta có những yếu tố vững chãi và vô úy trong ta. Ta cần giúp người sắp chết hiểu được cái chân lý: “ta chỉ là sự tiếp nối trong nhiều biểu hiện.” Như vậy ta sẽ không bị chuyện sống chết làm cho ta hoảng sợ, vì ta hiểu đó chỉ là những khái niệm mà thôi. Đó là một cái nhìn rất quan trọng giúp cho ta hết sợ hãi.

Xin hãy đừng quá bận rộn trong đời sống hàng ngày. Xin  hãy dành thì giờ thực tập. Hãy học cách sống hạnh phúc, bình an và sung sướng ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. Đây là điều ai cũng có thể làm được. Nếu bạn thực tập như vậy, không còn sợ hãi, thì khi có người thân quen sắp chết, bạn có thể giúp họ được. Khi ngồi bên giường người hấp hối, nếu bạn bình tĩnh và thân tâm bạn hoàn toàn hiện diện tại đó, bạn có thể giúp được người đó chết một cách an nhiên. Nếu bạn ở cạnh người hấp hối, bạn nên dùng các hình ảnh và âm thanh có thể tưới tẩm những giờ phút hạnh phúc nhất của người đó. Trong tâm thức của ai cũng có những hạt giống của Tịnh độ hay Niết bàn, của vương quốc Thượng đế hay Thiên đàng.

Nếu chúng ta biết thực tập và thấm nhuần thực tại vô sinh bất diệt, nếu ta hiểu được rằng đến-đi, tới-lui chỉ là những ý niệm, và nếu ta hiện diện một cách vững chãi, bình an, thì ta có thể độ được người sắp chết. Ta có thể giúp họ bớt hẳn sợ hãi và đau khổ. Ta có thể giúp họ chết một cách bình an. Ta có thể giúp chính ta hiểu rằng không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.

Kết

Ta phải sống an vui ngay được chứ không đợi tới mai sau. Ta phải bắt đầu ngay lúc này, tại đây, sống an lạc vui vẻ ngay bây giờ. Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường mình đi.

Trên đây là những điều mình có thể hiểu được về cuốn sách "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi" của thiền sư Thích Nhất Hạnh và mình chia sẻ lại với các bạn. Nếu trong quá trình viết bài, có chỗ nào mình nói chưa chính xác, hoặc chưa đủ sâu sắc như kỳ vọng của bạn, rất mong bạn nhẹ nhàng góp ý để mình có thể hiểu thêm, vì như mình đã nói thì đây cũng là lần đầu mình đọc sách có chứa đựng tư tưởng Phật giáo nên mình chưa hiểu biết và trải nghiệm nhiều. 

Cảm ơn bạn đã đọc.

Bạn có thể mua sách "Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi" tại đây
-

Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét