Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Chuyện phỏng vấn và cái CV (Curriculum Vitae)

Tháng 7 năm 2017, mình tốt nghiệp ĐH và đi phỏng vấn ở công ty đầu tiên. Bốn năm sau, tháng 7 năm 2021 mình ngồi ở vị trí đối diện - là người phỏng vấn người khác. Mình không rõ thời gian như vậy có quá nhanh hay không, mình không đề cập đến vấn đề này ở đây hôm nay. Mình chỉ muốn nói là, mình đã nhận ra khi ngồi ở vị thế tuyển dụng thì có cảm giác áp lực và hồi hộp không kém gì ứng viên, áp lực phải tìm cho được người phù hợp với công việc, với công ty. 

Mình chưa có kinh nghiệm phỏng vấn ai và cũng chưa từng chủ động học hỏi kỹ năng này (vì không bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình phỏng vấn người khác đâu). Và sếp giao nhiệm vụ phỏng vấn rất đột ngột nên mình không kịp chuẩn bị gì nhiều. Ban đầu, mình thấy cái khái niệm "người phù hợp" thật mông lung, nhưng hiện tại mình đã xác định được rồi. 

"Người phù hợp" là phù hợp với cái gì


Một người phù hợp là người có kinh nghiệm hoặc nền tảng liên quan đến công việc họ ứng tuyển. Do đó, mình phải xem xét rất kĩ chỗ thông tin ứng viên: học trường nào, ngành gì, đã từng làm ở công ty gì, vị trí nào, cụ thể làm những công việc gì ở vị trí đó, để nhận định xem: với ứng viên này mình có cần mất quá nhiều thời gian và công sức để đào tạo hay không, những kinh nghiệm cũ của họ sẽ trở thành hạn chế hay lợi thế khi họ làm việc tại đây.

Thời gian làm việc tại các công ty cũ cũng là một thông tin rất quan trọng. Nếu thời gian dưới 1 năm, và liên tục 2-3 lần như vậy, đây có vẻ không phải là một người có thể gắn bó lâu dài với công ty, mình khá e ngại. Tuy nhiên, mình vẫn cởi mở thẳng thắn hỏi "Lý do em nghỉ việc ở các công ty cũ?", sau đó tùy câu trả lời mà mình quyết định có nên nhận hay không.

Việc một ứng viên đang ứng tuyển vào vị trí trái với ngành học cũng là một yếu tố quan trọng cần xem xét. Bởi vì, tâm lý của người đi làm trái ngành phần lớn là tâm lý bức bối, tạm thời. Họ xem công việc này chỉ là một công việc tạm thời trong khi họ chờ cơ hội hoặc phép màu nào đó dẫn họ tới công việc đúng ngành họ học. Và đa số người đi làm công việc trái ngành học sẽ có tâm trạng hoang mang, vô định về tương lai của mình nên không xác định rõ ràng sự nghiệp của mình sẽ như thế nào tại công ty này, với công việc này. Nói chung, khó có thể mong chờ ở đối tượng này nhiều nhiệt huyết, cống hiến và gắn bó. Do đó, mình sẽ thẳng thắn hỏi: "Tại sao bạn lại chọn công việc này khi nó không liên quan đến ngành học của bạn?" và "Quan điểm của bạn về việc làm trái ngành?". 

Ngoài ra, mình không ngần ngại chia sẻ về những điểm cộng và trừ trong văn hóa công ty để xem ứng viên có thể linh hoạt hòa nhập được vào văn hóa công ty hay không. Ví dụ, công ty mình có văn hóa không chấm công, nghĩa là không có quy định về giờ giấc đi làm. Điểm cộng của văn hóa này chính là sự thoải mái, tự do. Điểm trừ là sếp và đồng nghiệp có thể liên lạc với bạn bất cứ lúc nào vì có những nhiệm vụ đột xuất/khẩn cấp cần được giải quyết. Do đó câu hỏi mình đặt cho ứng viên là: "Bạn có sẵn sàng hỗ trợ sếp và đồng nghiệp ngoài giờ làm việc tại văn phòng hay không?".

Quan trọng nữa là, mình chia sẻ hết sức chi tiết về mô tả công việc, công việc này đòi hỏi những tố chất abc, khả năng xyz, liệu bạn có cảm thấy bản thân mình thật sự phù hợp hay không? Ví dụ, công việc team mình đang cần là nhập dữ liệu. Đây là công việc đòi hỏi tập trung cao độ để đảm bảo sự chính xác, tỉ mỉ, cần có một chút thẩm mỹ, và trách nhiệm cao. Do đó hoàn toàn có thể không phù hợp với những ứng viên hoạt bát, tư duy tổng quát, không thích dữ liệu hoặc không muốn ngồi một chỗ cắm mặt màn hình máy tính cả ngày.

Một điều tuy tế nhị nhưng cực kỳ quan trọng: Mức lương. Thâm niên (kinh nghiệm) và năng lực là hai yếu tố tác động lớn đến mức lương. Với vị trí team mình đang tuyển, mức lương HR đăng tuyển chỉ là 6 - 7 triệu/tháng. Nhìn vào là đủ biết, mức lương này chỉ được chấp nhận bởi sinh viên mới ra trường hoặc người có kinh nghiệm khoảng 1 năm. Với người có thâm niên dày hơn, 99% sẽ không muốn chấp nhận mức lương này. Do đó khi mình xem CV, thấy ứng viên đã 24, 25 tuổi và có kinh nghiệm làm việc khoảng 2, 3 năm, thì mình không tin họ sẽ nhận công việc này cho dù họ có được công ty nhận. Bạn có thể bảo mình quy chụp cũng được, nhưng mình vẫn nói, vì đó là thực tế. Do đó, mình sẽ thẳng thắn hỏi luôn ứng viên, đỡ mất thời gian đôi bên.  

Chuyện cái CV 

Mình có kha khá kinh nghiệm viết CV, vì từ thời sinh viên đã chịu khó tìm tòi và học hỏi trên mạng cách viết CV sao cho chuẩn mực cả về nội dung lẫn hình thức. Nhấn mạnh là, chuẩn mực, chứ không chỉ là viết cái CV cho có. Thế nên, khi mình scan CV của các bạn trẻ hơn hoặc của các bạn không tìm hiểu kĩ càng về CV, thật sự mình thấy rất là chán.

Điều tối quan trọng của loại giấy tờ kiểu CV là chính tả. Nhìn cái CV có lỗi chính tả là không muốn đọc tiếp rồi.

Thứ hai là, không nên dùng CV có cái logo/watermark của website cung cấp CV, nhìn kém duyên, do đó ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về bạn là bạn chẳng có đầu tư nghiêm túc gì cho vị trí mà bạn ứng tuyển, với người khó tính hơn, họ thậm chí còn có thể nghĩ rằng bạn không tôn trọng công ty. Ok, mình biết là các bạn sẽ phản bác rằng "sinh viên thì làm gì có tiền mà mua", hoặc "CV xài có một, hai lần, không đáng để bỏ tiền như vậy", bla bla. Thế, một công việc nghiêm túc với mức lương vài triệu đồng nuôi sống bạn không đáng để bạn trích ra hai trăm ngàn mua một cái CV xịn sò, đẹp mắt, thể hiện sự chuyên nghiệp và đầu tư của bạn trong mắt nhà tuyển dụng?

Thứ ba là, trên các CV có sẵn, thường sẽ có một dòng tên là "link". "Link" ở đây là đường liên kết đến website/blog/LinkedIn/trang mạng xã hội của cá nhân bạn. Đây là một ô hoàn toàn không bắt buộc. Nhưng một khi đã chọn điền vào, chỉ nên điền một đường link cho thấy sự nghiêm túc, chuyên nghiệp của bạn, ví dụ như những công việc bạn làm, các dự án cộng đồng bạn tham gia, các giải thưởng bạn đạt được,... Đừng có dẫn link Facebook hay Instagram nơi bạn đăng toàn hình tự sướng chu môi trợn mắt và chia sẻ những thông tin về thần tượng hay trend trên Tiktok. 

Chuyện đi phỏng vấn

Về kinh nghiệm đi phỏng vấn mình cũng có kha khá (vì nhảy việc nhiều quá mà). Mấy mẹo hay tips phỏng vấn thì ai cũng có thể search được nhan nhản trên google, nên mình hơi thất vọng với các bạn mà mình phỏng vấn. Vì mình chỉ toàn hỏi mấy câu kiểu có sẵn theo mô-típ, vậy mà qua cách trả lời của các bạn, mình vẫn có thể nhận ra được là các bạn không hề có sự tìm hiểu và chuẩn bị kĩ.

Chuyện luyên thuyên trên mạng

Lúc nãy mình đọc được bài viết trên một group Facebook, người đăng là một nhà tuyển dụng, anh ấy chia sẻ vài trải nghiệm khi phỏng vấn các ứng viên và đưa ra một số lời khuyên để giúp mọi người có thể phỏng vấn tốt hơn. Mình thấy bài viết súc tích, thân mật, hữu ích. Tự dưng kéo xuống xem thử bình luận, thì thấy có nhiều người bình luận với vẻ rất bất bình. Ví dụ:
  • Anh ấy khuyên là ứng viên nên đem theo một CV bản cứng, dù nhà tuyển dụng có thể đã có, nhưng việc ứng viên tự chuẩn bị vẫn là một điểm cộng rất lớn. Vậy mà cũng có người chửi, nói là bộ HR và người phỏng vấn không có CV ứng viên hay sao phải bắt đem đi? 
  • Anh ấy khuyên là ứng viên nên đặt ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng khi được hỏi: Em có câu hỏi nào không? Việc đặt câu hỏi thể hiện bạn đã từng bỏ công sức tìm hiểu về công ty, mong muốn được hiểu rõ hơn về công ty/công việc/môi trường, không nên bỏ qua câu hỏi này. Ấy vậy mà có nhiều người nhào vào chửi ảnh. Bảo là nhà tuyển dụng toàn hỏi ất ơ, phiến diện, lỗi thời,... 
Ủa đi làm ở năm 2021 rồi mà mình không hiểu các bạn đang tư duy kiểu gì á!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét