"Giãn cách xã hội", "cách ly", "phong tỏa",... là các từ và cụm từ được nhắc đến nhiều nhất và gây chán nản nhất trong vài tháng gần đây. Bản thân mình cũng chịu ảnh hưởng xấu đáng kể do hoàn cảnh này, tưởng chết luôn rồi, nhưng mà, hiện tại mình đã cảm thấy khá hơn, bắt đầu khôi phục lại được 80% cuộc sống như trước đây.
Thế, mình đã sống sót qua giai đoạn giãn cách xã hội như nào?
1. Chấp nhận
Kể từ khi bắt đầu giãn cách xã hội, trong một thời gian dài, phải nói là rất dài, mình chìm đắm trong bế tắc, hoảng loạn, hoang mang, mệt mỏi, suy sụp, ... Nói chung, có bất cứ từ ngữ nào để diễn tả sự tiêu cực đều có thể dùng để miêu tả mình thời điểm ấy được.
Mình gần như bị tê liệt, không làm được gì có lợi cho bản thân chứ đừng nói đến là làm điều có ích cho người khác hay cho đời, thậm chí là không muốn làm cả những thứ gọi là giải trí, xả stress, hưởng thụ. Mọi thứ lúc đó là vô vị, vô tri, vô giác, vô vọng. Mình nhớ nhà, nhớ bạn bè, muốn ra đường chơi, đi uống cafe đọc sách, thèm ăn những thứ mình thích, khó chịu thời tiết nóng bức, cô độc, chán ngán cảnh làm việc từ xa (work from home) vì mình cảm thấy khó quản lý team và không điều phối công việc được tốt.
Khi đối diện với những trạng thái đó, cảm giác luôn hiện hữu trong mình là cảm giác bất lực và thất vọng về bản thân. Mình đã đọc rất nhiều sách cơ mà? Tham gia rất nhiều khóa học kỹ năng sống cơ mà? Rồi lập trình ngôn ngữ tư duy? Đủ thứ! Thậm chí mình còn hoạt động như một influencer có cả ngàn người theo dõi trên YouTube channel - nơi mình nói ra rả về cách sắp xếp cuộc sống, xây dựng thói quen tốt, thái độ sống, sống cân bằng,... Hóa ra mình chỉ là tên chém gió, nói được không làm được, thế thì hèn quá, bất xứng quá. Vừa cảm thấy tệ vì hoàn cảnh, vừa cảm thấy tệ về bản thân, thật sự lúc đó, tệ toàn tập và tưởng chừng không thể thoát ra được.
Rồi cuối cùng khi không thể làm được gì khác, không thể nghĩ được gì tích cực, mình chọn cách ... ngồi im, bất động, chấp nhận thực tại, chấp nhận sự bất lực của bản thân. Mình không cố vùng vẫy nữa, vì như trong vũng lầy, nếu càng giãy giụa mình sẽ càng mau chết. Chỉ có cách là đứng yên, hít thở sâu, bình tĩnh thì họa may nghĩ ra được cách thoát chết hoặc là sẽ có người đến cứu.
Với lại, cũng do mình đã từng nghe từ một diễn giả, đại khái rằng: khi bạn rơi xuống, bạn có thể cứ để cho rơi, đến khi rơi chạm đáy rồi thì bạn chẳng thể nào tệ hơn được nữa, lúc đó bạn chỉ còn có một lựa chọn duy nhất là đi lên. Thế là mình quyết định, ok, đã ngã mà không dậy nổi thì tao nằm luôn, khi nào nằm chán thì tao dậy và đi tiếp.
2. Thích nghi
Sau khi chấp nhận được hoàn cảnh thực tế và "nằm liệt" chán chê mê mỏi rồi, mình bắt đầu học cách thích nghi.
Lúc này mới thật sự thấm thía thế nào là sinh tồn. Cho dù chúng ta có thông minh, học giỏi, giàu có, chăm chỉ, đáng yêu tới mức nào, nhưng nếu không giỏi thích ứng và biết thích nghi thì rất khó tồn tại trong cuộc sống.
Để thích nghi thì chúng ta phải thay đổi. Đầu tiên là phải thay đổi suy nghĩ, bằng cách nhìn nhận sự việc một cách bao quát. Việc mình cảm thấy quá tồi tệ phần lớn là do mình chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, cho rằng hoàn cảnh của mình là bi đát nhất, mình là hooman đáng thương tội nghiệp nhất trên đời. Mình bắt đầu tìm đến những nguồn thông tin tổng hợp, cho mình một cái nhìn tổng quan nhất về tình hình đại dịch lần này, chẳng hạn: thực trạng số ca nhiễm, kế hoạch tiêm vắc-xin, lập bệnh viện dã chiến, khu vực nào bị phong tỏa, chỉ thị 16 là gì, những cơ quan nào đang phụ trách phòng chống dịch, các công việc thiện nguyện được tổ chức ra sao,... Nhờ đó, mình mới hiểu thấu:
- Sự thèm ăn của bản thân chẳng là gì so với nỗi thống khổ của những người lao động nghèo, những người mà ăn bữa nay lo bữa mai, những người làm công việc như bán vé số, hát dạo, bán hàng rong,... chỉ cần một ngày không được phép làm việc là đã đói. Họ đã khổ, nay càng khổ.
- Mình cằn nhằn khi phải làm việc từ xa và bị cắt giảm lương, trong khi có không ít người mất việc vì đại dịch, hoặc buộc phải nghỉ không lương, hay phải ôm đồ đạc đến cư trú luôn tại công ty vì tính chất công việc không thể làm tại nhà mà nhà thì đang bị phong tỏa.
- Mình kêu gào khó chịu khi phải chôn chân trong nhà, nhưng ít ra nhà là một nơi an toàn và tiện nghi, còn ngoài kia là bao bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, chiến sĩ đang phải ngày đêm chiến đấu với mọi thứ để giành lại sự sống cho bệnh nhân, đảm bảo an toàn cho nhân dân, với những chiếc áo bảo hộ nóng bức chật chội, khẩu trang đeo hằn cả mặt mũi, vất vả cả ngày lẫn đêm, gió lẫn mưa.
- Trong khi ở đây mình đang tàn phá sức khỏe thể chất và tinh thần bản thân bằng việc sinh hoạt vô điều độ, suy nghĩ tiêu cực, thì ngoài kia có bao nhiêu người nhiễm vi-rút covid-19 chỉ mong giữ được mạng sống, được hồi phục. Mình có một cơ thể đang bình thường, khỏe mạnh tại sao không trân trọng, giữ gìn nó, mà lại mặc sức phá hủy như vậy?
Nhiều lắm, mình còn nhận ra được nhiều điều lắm. Thấy những khó khăn khổ sở của bản thân rõ ràng chẳng đáng là bao so với những vất vả và công lao của người khác. Từ đó mình không dám kêu gào và than thở nữa.
Bước tiếp theo để thích nghi là thay đổi hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, thậm chí còn có thể tranh thủ quãng thời gian này để làm được thêm việc gì đó có lợi.
- Do không phải mất thời gian di chuyển tới công ty (khoảng 1 tiếng cả đi và về), mình tranh thủ khoảng thời gian đó để nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Vì lượng công việc ít đi, mình có thể hoàn thành những nhiệm vụ và ý tưởng bị treo, mà khi còn đi làm bình thường mình cứ bị cuốn theo guồng quay nên không thể hoàn thành được.
- Khi không về nhà thăm gia đình được, mình có nguyên một ngày chủ nhật chỉ-ở-trong-phòng, nên mình sẽ có cơ hội để làm được nhiều video hơn (Ya, và mình nhận ra mình đã lãng phí hẳn 8 cái chủ nhật vừa rồi, damn it 😭)
Đến thời điểm viết bài này, mình đã lấy lại được thói quen đọc sách, viết blog, tập thể dục, nấu ăn đàng hoàng tử tế. Mình kiểm soát lại được cân nặng rồi 😷
What doesn't kill you makes you stronger.
3. Cho đi
Sự cho đi không bao giờ là mất mát. Cho đi một cách vô vị lợi là cách tốt nhất để chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân. Của ít lòng chẳng bao nhiêu, mình quyên góp cho 2 quỹ uy tín (chẳng có lý do gì cụ thể khi lựa chọn, chỉ đơn giản là ... thích vậy, nên bạn muốn chọn tổ chức/quỹ nào để đóng góp cũng được).
- Chuyển tiền cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19.
Đây là quỹ của Chính phủ để phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Có nhiều cách để chuyển tiền lắm: nhắn tin, chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, mình thì là dân chơi hệ Momo nên chọn Momo cho nhanh.
Thông tin chi tiết tại website.
- Chuyển tiền cho quỹ H.A.T - Help A Teacher.
H.A.T là một sáng kiến phi lợi nhuận để gây quỹ và cấp các suất hỗ trợ tài chính nhỏ cho giáo viên mầm non bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Vượt lên ý nghĩa của một chương trình cộng đồng, H.A.T mong muốn san sẻ gánh nặng với các Giáo viên, giúp các cô giáo/ thầy giáo mầm non "vượt bão" và trụ lại với nghề.
Thông tin chi tiết tại fanpage.
Ngoài tiền, còn rất nhiều thứ bạn có thể cho đi. Chẳng hạn như cho ai đó thêm thời gian của bạn, một ai đó cô đơn và cần được lắng nghe; cho ai đó thêm chút sự quan tâm của bạn, vì giãn cách chứ đừng để cách xa.
4. Thực ra, quan trọng: Cần (ít nhất) một người yêu thương.
Những điều trên mình nói, thật ra là nó vô nghĩa (đối với mình), nếu như đã không có một người ở bên.
Tất cả chúng ta là những sinh vật xã hội, không thể tồn tại một mình, chúng ta luôn cần được ở bên (ít nhất) một ai đó yêu thương chúng ta.
Mình không nói điêu đâu. Nhất là đàn ông đấy, một nghiên cứu khoa học đã chứng mình 50% đàn ông sẽ sống thọ hơn khi được người phụ nữ của mình yêu thương.
Thích thì tin không thích thì tin.
Kết
Tình trạng giãn cách xã hội vẫn còn đang tiếp diễn và chẳng biết ngày nào kết thúc. Chúng ta cũng không thể biết chừng nào mới được trở lại sống cuộc sống bình thường như xưa. Mình hy vọng bài viết này của mình sẽ có ích cho ai đó. Nếu bạn có đang cảm thấy, đang trải qua những cảm giác tồi tệ như mình đã từng, thì cũng đừng quá tuyệt vọng, không chỉ có một mình bạn cảm thấy như vậy đâu. Và thực ra mình chẳng đưa ra lời khuyên hay bắt bạn phải suy nghĩ tích cực, tập thể dục thể thao hay đọc sách, mình hiểu rõ nếu cơ thể và tâm lý chúng ta không ổn thì không thể nào bắt ép làm như vậy được. Cứ để mọi thứ tự nhiên cũng được, chưa chết được đâu, hãy cho bản thân thời gian để có thể chấp nhận và thích ứng với hoàn cảnh, không cần phải quá gò ép đâu.
Mọi chuyện rồi sẽ (phải) ổn thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét