Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

[Review sách] Bí Mật Tư Duy Triệu Phú - T. Harv Eker

Trong thời gian qua, mình nhận được một số bình luận đề xuất mình review cuốn sách "Bí Mật Tư Duy Triệu Phú", bây giờ cũng là nhân dịp Tết đến xuân về, mình cũng muốn đem đến khán giả nội dung gì đó liên quan đến tiền bạc, sự giàu có và thịnh vượng, nên hôm nay mình sẽ giới thiệu đến mọi người cuốn sách "Bí Mật Tư Duy Triệu Phú".

"Bí Mật Tư Duy Triệu Phú" là cuốn sách dành cho những ai mong muốn trở nên giàu có nhưng mãi chưa thể giàu được. Bởi vì trong phần 1 của cuốn sách này chúng ta sẽ được khám phá và nhận ra chúng ta đang tư duy về tiền bạc và sự giàu có một cách sai lầm như thế nào, tại sao chúng ta lại có những suy nghĩ đó và cách để gỡ bỏ chúng. Trong phần 2, tác giả chia sẻ 17 cách tư duy của triệu phú, nếu chúng ta có thể thay đổi tư duy của mình trở nên giống như vậy và quyết tâm hành động, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu tài chính mà mình mong đợi.

Mình đánh giá "Bí Mật Tư Duy Triệu Phú" dễ đọc, tác giả trình bày gãy gọn, dễ hiểu, nội dung mới mẻ, có tác động rất lớn đến nhận thức và tư duy của người đọc - nếu người đọc có tư duy phát triển, cởi mở đón nhận. 

Về tác giả: T. Harv Eker là một doanh nhân, diễn giả truyền cảm hứng, là người sáng lập và là giám đốc Công ty Peak Potential Trainning, một trong những công ty đào tạo - nghiên cứu phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới. Các khóa học của ông đã giúp hơn 5 triệu người tiến gần hơn đến mục tiêu tài chính của họ.

一一

Sau đây mình sẽ tóm tắt cho mọi người những nội dung cốt lõi nhất của cuốn sách "Bí Mật Tư Duy Triệu Phú".

Phần I: Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn

Trong phần này, tác giả sẽ chỉ cho chúng ta cách để nhận ra chúng ta đang tư duy về tiền bạc như thế nào, tại sao chúng ta lại có những suy nghĩ đó và cách để gỡ bỏ những tư duy sai lệch về tiền bạc và sự giàu có.

"Kế hoạch tài chính trong tâm thức" là chương trình được cài đặt trước về cách sống liên quan đến tiền bạc của bạn. Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn trong lĩnh vực tiền bạc.

Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn được hình thành từ những thông tin và lập trình bạn nhận được trong quá khứ, đặc biệt là thời thơ ấu. Nguồn gốc của sự lập trình này đến từ cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, những nhân vật có quyền lực trong xã hội, các lãnh đạo tôn giáo, những phương tiện thông tin đại chúng và nền văn hóa.

Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cách suy nghĩ và hành động đối với những vấn đề liên quan đến tiền. Những lời chỉ dạy đó dần trở thành phản xạ vô điều kiện và điều khiển bạn suốt cả cuộc đời. 

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu cách tư duy về tiền bạc của chúng ta đã được hình thành như thế nào. 

Yếu tố định hình thứ nhất: Lời nói

Từ nhỏ có phải bạn đã nghe những câu như:

  • Tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi
  • Hãy dành dụm phòng khi túng thiếu
  • Người giàu rất tham lam. Giàu là tội lỗi. 
  • Điều đó không dành cho chúng ta.
  • Không phải ai cũng giàu được.

Trong một khóa học của tác giả, có một anh kia dù có mức thu nhập rất cao nhưng anh cứ phung phí, cho mượn hoặc mất, hoặc đầu tư sai lầm hết, tài sản của anh lúc nào cũng gần như bằng không. Khi tìm hiểu quá khứ của anh thì được biết rằng từ nhỏ lúc nào cũng nghe bố mẹ nói: "Những người giàu rất tham lam. Người giàu luôn kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người nghèo. Con chỉ nên kiếm đủ tiền thôi, chứ nếu nhiều tiền hơn thì con cũng sẽ trở thành đồ lợn như họ thôi". Dần dần, trong trí óc anh kết nối người giàu với sự tham lam, tức là với cái xấu. Vì không muốn là người xấu, tiềm thức của anh đã không muốn mình là người giàu. 

Tiềm thức chi phối suy nghĩ của bạn. Suy nghĩ của bạn chi phối quyết định. Quyết định chi phối hành động. Và hành động chi phối thành quả của bạn.

Để thay đổi những suy nghĩ đã được định hình bằng lời nói này, hãy làm như sau:

  • Bạn hãy viết ra tất cả các câu nói có liên quan đến tiền bạc hay sự sung túc, giàu có và người giàu mà bạn từng nghe được khi còn nhỏ. 
  • Viết ra mức độ tin tưởng của bạn vào những câu nói này và đánh giá xem chúng đã tác động như thế nào đến đời sống tài chính của bạn hiện nay. 
  • Hãy tách biệt những suy nghĩ đó, chúng không phải là quan điểm của bạn, không phải là chính con người bạn. Hãy tự nhủ: "Những điều người khác nói với tôi về vấn đề tiền bạc không nhất thiết là đúng. Tôi sẽ chọn cho mình những cách suy nghĩ mới có thể giúp tôi có được hạnh phúc và thành công."

Yếu tố định hình thứ hai: Làm theo khuôn mẫu

Trong thời niên thiếu của bạn, cha mẹ có thái độ như thế nào đối với tiền bạc? Họ quản lý tiền bạc có tốt không? Họ tiết kiệm hay phung phí? Họ là nhà đầu tư khôn ngoan hay không hề quan tâm đến lĩnh vực này? Họ chấp nhận mạo hiểm hay là người bảo thủ? Tiền bạc luôn dồi dào hay thất thường trong gia đình bạn? Gia đình bạn làm ra tiền một cách dễ dàng, hay việc kiếm tiền luôn là một cuộc đấu tranh? Tiền bạc có là nguồn vui trong nhà bạn hay là nguyên nhân của những tranh cãi cay đắng?

Chúng ta có xu hướng trở nên giống hệt cha mẹ mình trong lĩnh vực tiền bạc.

Có một người đàn ông đã 63 tuổi, cho dù thường xuyên đọc sách, tham gia nhiều hội thảo, lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, đầu tư cổ phiếu và bất động sản, tham gia hàng tá lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhưng kết quả tài chính vẫn không tốt đẹp gì. Khi nghe tác giả phân tích, ông mới hiểu ra rằng kế hoạch tài chính trong tâm thức của cha ông đã ăn sâu vào đầu ông và trở thành trở ngại của ông. Cha ông đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất của cuộc Đại suy thoái. Mỗi ngày cha ông đều phải cố tìm việc làm hoặc bán hàng gì đó, nhưng vẫn thường trở về tay không. Cho dù bạn có mọi kiến thức và kỹ năng nhưng nếu "kế hoạch trong tâm thức" của bạn không được cài đặt để thành công, thì chắc chắn bạn sẽ thất bại.

    Để thay đổi những khuôn mẫu này, hãy làm như sau:

    • Quan sát cách cư xử, thói quen của cha mẹ về vấn đề tiền bạc và sự giàu có. Hãy viết ra mức độ tương đồng hay đối lập giữa bạn và họ. 
    • Liệt kê những ảnh hưởng của hành động làm theo khuôn mẫu đó đối với đời sống tài chính của bạn.
    • Hãy nhận ra rằng cách cư xử đó là do bạn bị ảnh hưởng từ những yếu tố, khuôn mẫu bên ngoài, chứ nó không thuộc về bản chất của bạn. Bạn có thể lựa chọn để trở nên khác biệt.

    Yếu tố định hình thứ ba: Những sự kiện đặc biệt

    Chúng ta bị tác động rất mạnh từ những sự kiện cá nhân đặc biệt mà ta đã trải qua, góp phần định hình suy nghĩ của mỗi người. Khi còn nhỏ, bạn đã có những trải nghiệm gì liên quan đến tiền bạc, sự giàu có và những người giàu có?

    Một học viên của tác giả là y tá phòng mổ có mức lương rất khá, nhưng cô luôn tiêu hết số tiền kiếm được. Năm lên 11 tuổi, cô đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ cô lớn tiếng cãi nhau về vấn đề tiền bạc, sau đó bố cô lên cơn đau tim và qua đời. Kể từ ngày ấy, trong tâm trí của cô, tiền luôn gắn liền với nỗi đau. Đến tuổi trưởng thành, cô luôn vô thức rũ bỏ hết tiền bạc của mình để thoát khỏi nỗi đau. 

    Để thay đổi những suy nghĩ đã được định hình từ các sự kiện trong quá khứ, bạn hãy làm các bước sau:

    • Phân tích một sự việc cụ thể gây nhiều cảm xúc mà bạn đã trải qua xoay quanh vấn đề tiền bạc khi bạn còn nhỏ.
    • Viết ra những tác động mà sự việc này có thể đã gây ra đối với đời sống tài chính hiện nay của bạn.
    • Nhận ra rằng cách xử sự này chỉ là kết quả của việc tiếp thu một cách thụ động chứ không phải là bản chất của bạn. Hãy loại bỏ những ảnh hưởng không tích cực từ trải nghiệm quá khứ liên quan đến tiền. Kể từ bây giờ, bạn sẽ tạo ra tương lai mới của mình, giàu có và thành công. 

    Trên đây là 3 cách đã định hình kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn. 

    Sau khi đã biết cách tư duy của mình về tiền, giờ là lúc bạn cần trả lời những câu hỏi:

    • Bạn được lập trình để có thu nhập ổn định hay không ổn định?
    • Bạn được lập trình để có thu nhập cao, trung bình hay thấp?
    • Bạn được lập trình để tiết kiệm hay tiêu tiền? 
    • Bạn được lập trình để quản lý tốt tiền bạc hay không quản lý được tiền bạc?

    Nói chung, kế hoạch tài chính trong tâm thức sẽ quyết định vận mệnh tài chính của bạn, thậm chí là cả cuộc sống cá nhân của bạn. Nếu bạn là một phụ nữ có kế hoạch tài chính được thiết lập ở mức thấp, nhiều khả năng bạn sẽ hấp dẫn một người đàn ông cũng có kế hoạch tài chính ở mức thấp tương đương. Nếu bạn là người đàn ông có kế hoạch tài chính được cài đặt thấp, rất có khả năng bạn sẽ thu hút một người phụ nữ hay tiêu xài và trước sau gì cũng tiêu tán hết tiền của bạn để bạn có thể ở trong "vùng thoải mái" tài chính và xác nhận tính hợp lý của kế hoạch tài chính của mình.

    Để xác định được kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn đang được cài đặt ở mức nào, bạn hãy xem các thành quả mà bạn đạt được. Hãy xem tài khoản ngân hàng, thu nhập, tổng giá trị tài sản bạn đang có. Xem xét hiệu quả kinh doanh của bạn. Tự đánh giá xem bạn là người tiết kiệm hay thích tiêu pha, bạn có biết quản lý tiền không. Hãy xem bạn có phải làm việc nặng nhọc vì tiền không. Hãy xem xét những mối quan hệ có liên quan đến tiền bạc của bạn.

    一一一

    Vừa rồi chúng ta đã đi qua phần 1, xem xét lại những cách tư duy của chúng ta về tiền bạc là gì, được hình thành như thế nào và cách để gỡ bỏ những tư duy sai lệch về tiền bạc và sự giàu có. Tiếp theo chúng ta sẽ đến phần 2 của cuốn sách để khám phá cách người giàu suy nghĩ và hành động. Tư duy sinh ra cảm xúc, cảm xúc đưa đến hành động, hành động đem lại kết quả. Chúng ta hãy tập nghĩ và hành động như người giàu để trở nên giàu có hơn. 

    Phần II: Suy nghĩ thịnh vượng

    17 khác biệt trong suy nghĩ và hành động của người giàu so với người nghèo và trung lưu.

    Tư duy triệu phú số 1: Người giàu tin "Tôi tạo ra cuộc đời tôi". Người nghèo tin "Cuộc sống toàn những điều bất ngờ xảy đến với tôi".

    Bạn phải tin rằng bạn là người cầm lái của cuộc đời mình. Nếu bạn không tin điều đó, bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít cuộc sống của mình. 

    Bạn phải tin rằng bạn là người tạo ra thành công của mình, hoặc tạo ra sự khốn quẫn của mình. 

    Thay vì chịu trách nhiệm trước những gì diễn ra trong cuộc sống của mình, người nghèo thường chọn cách chơi trò đóng vai nạn nhân. Họ thường than thở "khốn khổ thân tôi". Theo Luật hấp dẫn thì họ sẽ nhận được sự khốn khổ. Sau đây là 3 dấu hiện nhận biết một người đang đóng vai nạn nhân cuộc đời mình:

    Dấu hiệu 1: Đổ lỗi

    Đổ lỗi cho nền kinh tế, chính phủ, thị trường chứng khoán, người môi giới, đổ lỗi cho chủ, cho người làm thuê, cho quản lý, trưởng phòng, đổ lỗi cho đối tác, bạn đời, Chúa và cha mẹ mình.

    Dấu hiệu 2: Bao biện

    Những nạn nhân thường bao biện bằng những lời như: "Với tôi, tiền không phải là thực sự quan trọng".

    Người giàu luôn hiểu được tầm quan trọng của tiền bạc và vị trí của nó trong xã hội. Người nghèo lý giải cho sự bất lực trong tài chính của mình bằng những phép so sánh khập khiễng như "Tiền bạc không quan trọng bằng tình yêu".

    Dấu hiệu 3: Oán trách

    Những người hay than vãn, kể lể thường có một cuộc sống khó khăn, dường như mọi thứ rắc rối ở trên đời này đều xảy đến với họ. Luật hấp dẫn phát biểu rằng: "Những thứ giống nhau thì hấp dẫn nhau", nghĩa là khi bạn ca thán, thực ra bạn đang hấp dẫn những phiền toái đến với mình". 

    Tư duy triệu phú số 2: Người giàu tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng. Người nghèo tham gia cuộc chơi chỉ để không bị thua.

    Mục đích của người giàu là thực sự tích lũy một sự thịnh vượng lớn, thực sự sung túc. Còn mục đích của người nghèo là có đủ tiền thanh toán các hóa đơn đúng hạn. 

    Khi mục đích của bạn là có đủ tiền thanh toán các hóa đơn thì chính xác bạn sẽ kiếm được đúng số tiền ấy, không hơn một xu.

    Nếu mục đích của bạn là sống thoải mái, nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có được. Nhưng nếu mục đích của bạn là giàu có, nhiều khả năng là bạn sẽ có cuộc sống vô cùng thoải mái.

    Tư duy triệu phú số 3: Người giàu quyết tâm làm giàu. Người nghèo muốn trở nên giàu có.

    Ai cũng nói là muốn được giàu, nhưng thật ra đa số mọi người không thật sự muốn giàu, bởi vì trong tiềm thức họ cho rằng có gì đó không ổn trong việc trở thành người giàu có. 

    "Nếu như tôi kiếm ra tiền nhưng rồi lại làm mất hết thì sao? Tôi sẽ bị xem là một kẻ thất bại".

    "Tôi sẽ không bao giờ biết được liệu mọi người thích tôi vì chính con người tôi, hay chỉ vì tiền của tôi".

    "Tôi sẽ lọt vào nhóm những người đóng thuế cao nhất và phải nộp một nửa tiền của mình cho chính phủ".

    "Tôi phải làm việc quá nhiều".

    "Mọi người sẽ muốn xin xỏ, dựa dẫm, nhờ vả tôi".

    "Tôi có thể bị cướp".

    "Con cái tôi có thể bị bắt cóc".

    Vũ trụ liên tục đem đến cho bạn những con người, sự vật, cơ hội, sự kiện. Bạn gửi thông điệp vào vũ trụ thì vũ trụ sẽ làm tất cả để chấp nhận và ủng hộ bạn. Nhưng nếu bạn gửi những thông điệp bị pha trộn trong cuộc sống của bạn, vũ trụ không thể hiểu bạn muốn gì.

    Ngay khi nghe thấy bạn muốn trở nên giàu có, vũ trụ bắt đầu gửi cho bạn những cơ hội làm giàu. Nhưng rồi bạn lại bắt đầu nói "người giàu rất tham lam", nên vũ trụ bắt đầu hỗ trợ bạn trong việc không cần có nhiều tiền. Rồi bạn lại nghĩ "có thật nhiều tiền làm cho cuộc sống vui vẻ hơn", vũ trụ lại bắt đầu gửi bạn những cơ hội kiếm nhiều tiền hơn. Ngày hôm sau bạn đang trong trạng thái không phấn chấn nên bạn nghĩ "tiền bạc chả quan trọng gì". Vũ trụ bị rối loạn và không biết phải đưa cho bạn cái gì.

    Lý do hàng đầu khiến mọi người không có những thứ mình muốn là vì họ không biết thực sự mình muốn gì. Người giàu biết rất rõ cái họ muốn là sự giàu có. Họ luôn kiên định với mong muốn của mình. Họ quyết tâm, toàn tâm toàn lực cam kết với việc làm giàu. Người giàu không gửi những thông điệp mâu  thuẫn vào vũ trụ. Người nghèo không dám chắc trăm phần trăm họ có thật sự muốn giàu lên hay không. Thông điệp họ gửi vào vũ trụ không nhất quán và không rõ ràng. 

    Nếu bạn không đạt được sự giàu có như bạn nói là mình mong muốn thì nhiều khả năng là vì trong tiềm thức bạn thực sự không muốn giàu có, hoặc bạn không sẵn sàng làm những gì cần thiết để trở nên thật sự giàu có.

    Để trở nên giàu có, bạn phải toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết tạo ra thịnh vượng. Bạn có sẵn sàng làm việc 16 giờ một ngày? Chấp nhận làm 7 ngày một tuần. Bạn có sẵn sàng hy sinh việc gặp gỡ gia đình, bạn bè, từ bỏ các sở thích và các kỳ nghỉ của mình? Bạn có chấp nhận rủi ro với toàn bộ thời gian, sức lực và cả vốn liếng khởi đầu của mình mà không có bảo đảm sẽ thu về được gì?

    Tư duy triệu phú số 4: Người giàu suy nghĩ lớn. Người nghèo suy nghĩ nhỏ

    Thu nhập của bạn tỷ lệ thuận với giá trị mà bạn bỏ ra, tùy theo tình trạng thị trường.

    Bốn nhân tố quyết định giá trị của bạn trên thị trường là: cung, cầu, chất lượng và số lượng. Yếu tố chứa đựng thử thách lớn nhất đối với hầu hết mọi người là số lượng. Bạn đã thực sự đem lại cho thị trường bao nhiêu giá trị của bạn? Nói cách khác là bạn đã phục vụ được hay có ảnh hưởng đến bao nhiêu người?

    Đa số mọi người đều lựa chọn lối chơi nhỏ. Vì sợ, sợ thất bại, thậm chí còn sợ thành công hơn. Mọi người cảm thấy mình nhỏ bé, cảm thấy mình không xứng đáng. Cảm thấy mình không đủ giỏi, đủ quan trọng để tạo ra sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của mọi người. 

    Nhưng cuộc sống của bạn không chỉ vì cá nhân bạn. Nó còn là sự đóng góp của bạn cho những người khác. Nó bao hàm việc sống thực với sứ mệnh của mình và lý do mà bạn hiện diện trên trái đất này. Phần lớn chúng ta bị sa lầy vào "cái tôi" của mình, đòi hỏi mọi thứ phải xoay quanh cái tôi, tôi và chỉ tôi thôi. Nhưng nếu bạn muốn trở nên giàu có theo nghĩa tích cực của từ này, thì cuộc sống của bạn không thể chỉ vì bạn. Nó phải vì cả việc bổ sung giá trị của bạn vào cuộc sống của những người khác. Những người hạnh phúc nhất là những người có thể phát huy khả năng bẩm sinh của mình một cách tối đa. Một phần sứ mệnh cuộc sống của bạn là chia sẻ khả năng và các giá trị của bạn với càng nhiều người càng tốt. 

    Bạn muốn giải quyết vấn đề cho nhiều người hay ít người? Nếu câu trả lời của bạn là nhiều người, bạn cần bắt đầu tập trung suy nghĩ lớn hơn và quyết định giúp đỡ thật nhiều người. Bạn càng muốn giúp nhiều người, bạn sẽ càng trở nên giàu có hơn, cả về trí tuệ, tình cảm, tinh thần và tài chính. Hãy sống đúng với khả năng tiềm ẩn của mình. Thế giới không cần những người suy nghĩ hạn hẹp. Đã đến lúc thôi trốn tránh và bước ra ánh sáng. Đã đến lúc ngừng đòi hỏi và bắt đầu dẫn dắt. Suy cho cùng, tư duy hạn hẹp và kiểu hành động nhỏ nhen chỉ dẫn đến sự túng thiếu và không toại nguyện. Suy nghĩ lớn và hành động lớn sẽ mang lại cho bạn cả tiền tài lẫn ý nghĩa cuộc sống. Quyền lựa chọn là của bạn.

    Tư duy triệu phú số 5: Người giàu tập trung vào các cơ hội. Người nghèo tập trung vào những khó khăn.

    Người giàu luôn sẵn sàng để hành động, họ tự tin vào khả năng và sức sáng tạo của họ, lúc nào cũng nhìn thấy cơ hội nên người giàu thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Người nghèo luôn tiên đoán thất bại, thiếu tự tin về bản thân và năng lực của mình, thường không sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.

    Sẽ không có may mắn nào xuất hiện trên con đường của bạn trừ khi bạn có một hành động nào đó. Để đạt được thành công về tài chính, bạn phải làm một điều gì đó, mua một thứ gì đó, hay thành lập một công ty nào đó. 

    Người giàu chú trọng vào những gì họ muốn, trong khi người nghèo lại tập trung vào những gì họ không muốn. Vì người giàu chú tâm vào cơ hội nên cơ hội xuất hiện quanh họ. Ngược lại, người nghèo chú tâm vào những khó khăn trong mọi thứ, họ nhìn đâu cũng thấy trở ngại. 

    Tư duy triệu phú số 6: Người giàu ngưỡng mộ những người thành công và giàu có khác. Người nghèo bực tức với những ai thành công và giàu có

    Người nghèo thường nhìn thành công của người khác bằng cặp mắt oán giận, khinh khi pha lẫn đố kỵ và ganh ghét.

    Chúng ta thường được nghe cha mẹ, bạn bè, thầy cô, báo đài, tivi nói rằng người giàu là xấu và tham lam. Nếu bạn nhìn nhận người giàu là xấu xa, trong khi bạn muốn trở thành người tốt, thì bạn sẽ không bao giờ giàu có. Làm sao bạn có thể trở thành người mà bạn luôn xem thường hay khinh ghét được?

    Thực tế, việc oán ghét người giàu là một trong những cách chắc chắn nhất đẩy bạn đến chỗ bần cùng. Thay vì bực bội với người giàu, bạn nên tập ngưỡng mộ họ, học cách chúc phúc cho người giàu và yêu quý họ. Như thế, từ sâu trong tiềm thức bạn biết rằng khi bạn trở nên giàu có, những người khác sẽ ngưỡng mộ bạn, chúc phúc cho bạn và yêu quý bạn. 

    Tư duy triệu phú số 7: Người giàu kết giao với những người thành công và tích cực. Người nghèo giao du với những người thất bại và tiêu cực.

    Khi nghe câu chuyện thành công của người khác, người nghèo thường phán xét, phê bình, chỉ trích, nhạo báng họ, tìm mọi cớ để kéo họ xuống ngang mức với mình. Làm sao bạn có thể học hỏi, hay được khích lệ từ những người mà bạn đánh giá thấp?

    Năng lượng là thứ có tính lây lan: hoặc bạn tác động đến người khác, hoặc bạn bị tiêm nhiễm từ họ. Bạn chỉ nên kết giao với những người lạc quan, thành đạt, tách mình ra khỏi những người có tư tưởng và hành vi tiêu cực. Bạn cũng phải tránh xa các tình huống có thể đầu độc bạn, như cãi cọ, buôn chuyện, nói xấu sau lưng, xem tivi một cách thụ động.

    Thay vì chế nhạo người giàu, hãy bắt chước họ. Thay vì ngượng ngùng né tránh người giàu, hãy tìm hiểu họ.

    Tư duy triệu phú số 8: Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ. Người nghèo suy nghĩ tiêu cực về bán hàng và quảng bá.

    Nhiều người trong chúng ta được dạy rằng việc "tự nói về mình" là thiếu khiêm tốn, không lịch sự. Nhưng khi nói đến tiền bạc và kinh doanh, nếu bạn không "tự nói về mình", sẽ không ai làm việc đó cả. Người giàu có thể và sẵn sàng quảng bá sản phẩm hay dịch vụ của mình, những ý tưởng mới mẻ với niềm đam mê và hăng say kỳ lạ. Họ biết giới thiệu giá trị của mình một cách khéo léo và thu hút. Là nhà lãnh đạo, bạn phải có người nghe theo và ủng hộ, có nghĩa là bạn phải lão luyện trong việc bán hàng, khích lệ và động viên mọi người hưởng ứng theo tầm nhìn của bạn.

    Tư duy triệu phú số 9: Người giàu đứng cao hơn những vấn đề của họ. Người nghèo đứng thấp hơn những vấn đề của họ.

    Con đường dẫn đến sự giàu sang luôn giăng sẵn nhiều cạm bẫy và những biến cố khó lường. Đó là lý do khiến đa số mọi người không dám bước vào. Họ ngại những rắc rối, phức tạp, vấn đề hóc búa và trách nhiệm. Tóm lại, họ không muốn đối mặt với khó khăn.

    Người nghèo sẽ tìm mọi cách để né tránh vấn đề. Bí quyết thành công không phải là lẩn trốn, chùn bước hay rúm ró vì sợ hãi trước những vấn đề. Bí quyết thành công là phải phát triển bản thân để bạn có thể đứng cao hơn bất kỳ vấn đề nào.

    Chừng nào bạn còn thở, bạn sẽ còn gặp cái gọi là vấn đề và trở ngại. Kích cỡ của vấn đề không quan trọng, mà quan trọng là tầm vóc của chính bạn.

    Hoặc bạn rên rỉ về những vấn đề của mình, hoặc bạn tìm cách giải quyết vấn đề đó. Người giàu có và thành đạt là người có thiên hướng tìm giải pháp, họ dành thời gian và năng lượng để vạch chiến lược và lên kế hoạch xử trí những thách thức nảy sinh. Người nghèo khó và thất bại có thiên hướng tập trung vào chính vấn đề, dành thời gian và sinh lực để chê bai, trách móc, than phiền. 

    Bạn có khả năng giải quyết vấn đề càng lớn thì doanh nghiệp bạn có thể điều hành càng lớn. Trách nhiệm bạn có thể nhận càng lớn thì số nhân viên bạn có thể quản lý càng đông. Lượng khách hàng bạn có thể chăm sóc càng nhiều thì số tiền bạn có thể kiếm được càng dồi dào, và cuối cùng, tài sản bạn có thể sở hữu sẽ càng lớn. Của cải chỉ có thể tăng tương ứng với mức độ cố gắng của bạn.

    Tư duy triệu phú số 10: Người giàu biết đón nhận. Người nghèo không biết đón nhận.

    Phần lớn mọi người không phát huy hết tiềm năng tài chính của mình, lý do là họ không biết đón nhận.

    Người giàu làm việc cật lực và tin rằng họ hoàn toàn xứng đáng được tưởng thưởng vì sự nỗ lực đó và vì những giá trị mà họ đem lại cho người khác. Người nghèo làm việc vất vả, nhưng cảm giác không xứng đáng luôn khiến họ tin rằng họ không phải là người thích hợp để nhận phần thưởng, bất kể công sức đã bỏ ra và cả giá trị mà họ đem lại.

    Nếu bạn đã hội đủ điều kiện để có thật nhiều tiền, hãy đón nhận đi. Nếu bạn là một trong số những người may mắn có khả năng làm giàu, bạn phải khai thác hết tiềm lực của mình. Hãy trở nên giàu có rồi sau đó giúp đỡ những người không có cơ hội này. 

    Tiền bạc không khiến bạn thay đổi, việc giàu lên không biến bạn thành kẻ hợm hĩnh, tham lam. Tiền sẽ chỉ khẳng định thêm những tính cách mà bạn vốn có. Nếu bạn bủn xỉn, tiền sẽ khiến bạn trở nên bủn xỉn hơn. Nếu bạn tốt bụng, tiền sẽ cho bạn cơ hội để trở nên tốt bụng hơn. Nếu bạn xuẩn ngốc, tiền sẽ làm cho bạn trở nên ngốc nghếch hơn.

    Làm thế nào để trở thành người biết đón nhận? Bạn sẽ phải tập thói quen đón nhận những điều tốt đẹp nhất mà cuộc đời đã ban tặng. 

    Đầu tiên, bạn cần tạo ra một Tài khoản Vui chơi, trong đó có số tiền mà bạn tự cho phép mình có cảm giác của một triệu phú, chiều chuộng bản thân một chút như đi làm đẹp, xông hơi thư giãn, thưởng thức bữa tối sang trọng,...

    Thứ hai, hãy luyện tập để trở nên thích thú, hưng phấn bất cứ khi nào bạn tìm thấy hay nhận được tiền bạc.

    Nếu bạn là người không biết đón nhận, bạn sẽ không hiểu vì sao một số tiền lớn như vậy lại thuộc về bạn, vậy thì khả năng số tiền đó sẽ biến mất một cách nhanh chóng.

    Tư duy triệu phú số 11: Người giàu muốn được trả công theo kết quả. Người nghèo muốn được trả công theo thời gian.

    Người nghèo muốn nhận được mức lương ổn định hoặc tính tiền công theo giờ. Họ không nhận ra cái giá của sự đảm bảo này là sự giàu có, thịnh vượng của chính mình.

    Người giàu thích được trả lương căn cứ trên toàn bộ hoặc một phần những kết quả mà họ tạo ra. Người giàu thường điều hành hoạt động kinh doanh của riêng họ dưới một hình thức nào đó. Họ tạo ra thu nhập từ lợi nhuận của mình.

    Người giàu tin tưởng vào bản thân, vào giá trị và năng lực của mình. Người nghèo thì không, đó là lý do họ cần sự bảo đảm. Người nghèo bán thời gian của họ để kiếm tiền, trong khi thời gian lại chỉ có giới hạn.

    Những người được trả lương theo tháng hay than phiền rằng họ không được trả công xứng đáng. Không xứng đáng theo quan điểm của ai? Sếp của bạn nghĩ rằng bạn đã được trả lương khá rồi đấy. Tại sao bạn không yêu cầu được thanh toán tiền công dựa trên hiệu quả công việc của bạn? Nếu không được thế thì sao bạn không tự mở công ty rồi làm việc cho chính bạn? Khi đó, bạn sẽ biết chính xác giá trị bản thân thông qua những con số lợi nhuận mà bạn tạo ra. Có lẽ họ sợ phải kiểm tra giá trị thực của mình trên thương trường.

    Tư duy triệu phú số 12: Người giàu suy nghĩ "cả hai". Người nghèo nghĩ "một trong hai".

    Người nghèo thường tin rằng: "Của cải trên thế gian này chỉ có bấy nhiêu thôi, không bao giờ đủ để chia cho tất cả mọi người, và bạn không thể có được mọi thứ bạn muốn".

    Bạn muốn một sự nghiệp thành công hay một gia đình hòa thuận ấm êm? 

    Bạn muốn tập trung vào công việc hay được vui chơi thỏa thích?

    Bạn muốn có nhiều tiền hay muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống? 

    Bạn muốn tạo dựng cả gia tài lớn hay được làm công việc bạn thích? 

    Người nghèo luôn chỉ chọn một trong hai, trong khi người giàu chọn cả hai. Người giàu hiểu rằng chỉ cần một chút sáng tạo đã có thể tìm ra giải pháp để đạt được kết quả hoàn hảo nhất của cả hai khái niệm tưởng như mâu thuẫn đó. 

    Khi phải đối diện với khả năng lựa chọn "Một trong hai", bạn nên tự hỏi: "Tôi có thể làm gì để đạt được cả hai?". Câu hỏi này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn, đưa bạn từ thế giới chật hẹp của các giới hạn sang vũ trụ rộng lớn của những khả năng bất tận và sự giàu có, sung túc.

    Rất nhiều người tin rằng tiền bạc và hạnh phúc là hai phạm trù loại trừ lẫn nhau, rằng bạn chỉ có thể hoặc giàu, hoặc hạnh phúc. Người giàu hiểu rằng họ phải có cả hai. Bạn có thể vừa là một người tốt bụng, biết yêu thương, quan tâm mọi người, hào phóng, có tâm hồn trong sáng, vừa là một người giàu thật sự. 

    Tư duy triệu phú số 13: Người giàu chú trọng vào tổng tài sản. Người nghèo chú trọng vào thu nhập từ việc làm.

    Thước đo của sự giàu có là tổng tài sản, chứ không phải là thu nhập từ việc làm của bạn.

    Để xác định tổng tài sản, bạn hãy cộng giá trị tất cả những tài sản mà bạn có bao gồm tiền mặt và các khoản đầu tư như cổ phần, trái phiếu, bất động sản, giá trị hiện tại của doanh nghiệp của bạn (nếu có), giá trị ngôi nhà bạn đang ở (nếu bạn là chủ sở hữu), trừ đi toàn bộ các khoản nợ.

    Người giàu hiểu rõ sự khác biệt giữa thu nhập từ việc làm và tổng tài sản. Thu nhập từ việc làm là yếu tố quan trọng, nhưng chỉ là một trong bốn yếu tố làm nên tổng tài sản của bạn, đó là:

    1. Thu nhập: gồm thu nhập từ việc làm và thu nhập thụ động.

    Thu nhập từ việc làm là số tiền bạn kiếm được từ lao động thực tế, bao gồm lương (nếu bạn là người làm thuê) hoặc các khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (nếu bạn là chủ doanh nghiệp). Thu nhập từ việc làm đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian và công sức. Khi thu nhập từ việc làm càng nhiều, bạn sẽ càng có điều kiện thuận lợi để tiết kiệm và đầu tư.

    Thu nhập thụ động là số tiền bạn kiếm được mà không phải thật sự bỏ sức lao động. Thu nhập thụ động sẽ được tác giả nói kỹ hơn ở "Tư duy triệu phú số 15".

    2. Tiết kiệm

    3. Đầu tư:

    Người giàu luôn dành thời gian và công sức để tìm hiểu về các hoạt động đầu tư, nghiên cứu, phân tích các vụ đầu tư. Người nghèo nghĩ đầu tư là lĩnh vực chỉ dành cho người giàu. Họ không bao giờ để tâm tìm hiểu về hoạt động đầu tư.

    4. Sự "đơn giản hóa":

    Cắt giảm hợp lý các khoản phí sinh hoạt, bạn sẽ làm cho số tiền kiết kiệm và đầu tư của mình tăng lên.

    Nếu mục tiêu của bạn là trở thành triệu phú, bạn phải chú tâm vào việc xây dựng tổng tài sản của mình dựa trên nhiều yếu tố, chứ không chỉ thu nhập từ việc làm. Hãy lên kế hoạch kiểm soát từng đồng trong tổng tài sản của bạn.

    Hãy làm một bài tập có thể thay đổi cuộc sống tài chính của bạn mãi mãi:

    • Lấy ra một tờ giấy trắng và ghi tiêu đề "Tổng tài sản".
    • Lập một biểu đồ đơn giản bắt đầu từ số 0 và kết thúc bằng con số mà bạn xem là tổng tài sản mục tiêu của mình.
    • Ghi tổng tài sản hiện có.
    • Cứ mỗi 3 tháng bạn lại điền vào đây con số về tổng tài sản mới của bạn.

    Nếu làm được như thế, bạn sẽ phát hiện ra mình đang ngày càng giàu lên, bởi vì bạn sẽ theo dõi được tổng tài sản của mình.

    Theo luật hấp dẫn, những gì bạn chú tâm và theo dõi ắt sẽ gia tăng. Khi bạn theo dõi tổng tài sản của mình, nghĩa là bạn đang chú tâm vào đó, nên tổng tài sản của bạn sẽ tăng lên.

    Tư duy triệu phú số 14: Người giàu quản lý tiền của họ rất giỏi. Người nghèo không biết quản lý tiền của họ.

    Người nghèo thường tỏ ra vụng về, lúng túng trong việc quản lý tiền bạc, e ngại hoặc trốn tránh mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc nói chung. Họ không thích quản lý tiền bạc vì cho rằng việc đó hạn chế tự do của họ, và họ nói họ không có nhiều tiền đến mức phải quản lý. Họ hay nói rằng: Khi nào có nhiều tiền, tôi sẽ bắt đầu quản lý chúng.

    Thực tế là, bạn phải quản lý tiền của bạn cho hiệu quả, thì bạn mới có nhiều tiền hơn để quản lý. Chỉ khi bạn chứng tỏ mình có thể quản lý những gì đang có, vũ trụ mới gửi thêm cho bạn. Bạn phải tập thói quen và kỹ năng quản lý số tiền nhỏ trước khi bạn có thể nhận được số tiền lớn. 

    Sau đây là phương pháp quản lý tiền rất đơn giản và hiệu quả mà tác giả đã chia sẻ trong cuốn sách này. Đó là chia tiền của bạn thành những tài khoản nhỏ khác nhau:

    1. Tài khoản Tự do Tài chính (10% thu nhập): Đây là tài khoản chỉ được sử dụng cho đầu tư, không bao giờ được dùng để chi tiêu (cho đến khi bạn về hưu).

    2. Tài khoản Hưởng thụ (10% thu nhập): đây là số tiền dùng để nuông chiều chính bạn, như đi ăn nhà hàng hoặc thuê khách sạn sang trọng.

    3. Tài khoản Tiết kiệm dài hạn (10% thu nhập)

    4. Tài khoản Giáo dục, học hành (10% thu nhập)

    5. Tài khoản Nhu yếu phẩm (50% thu nhập)

    6. Tài khoản phụ (10% thu nhập)

    Nếu bạn không biết quản lý tiền, bạn sẽ không bao giờ được tự do về tài chính, kể cả khi bạn có thu nhập cao ngất.

    Khi bạn quản lý được tiền bạc một cách hiệu quả, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong vấn đề tiền bạc, rồi bạn tự tin vào bản thân, khiến cho bạn hạnh phúc hơn, thậm chí sức khỏe cũng được cải thiện.

    Tư duy triệu phú số 15: Người giàu bắt tiền phải phục vụ mình. Người nghèo làm việc vất vả để kiếm tiền.

    Nếu làm việc chăm chỉ không thôi thì bạn sẽ không bao giờ làm giàu được. Trên thế giới có hàng tỷ người đang làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không giàu. Người giàu không chỉ làm việc chăm chỉ, họ làm việc một cách thông minh. Họ biết sử dụng đòn bẩy kinh doanh. Họ thuê người khác làm việc cho họ và bắt cả tiền phải làm việc cho họ.

    Trước hết bạn vẫn phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, rồi sau đó hãy để tiền bạc làm việc để phục vụ bạn. 

    Để có thể thật sự tự do, bạn cần phải kiếm ra tiền mà không phải làm việc, thu nhập của bạn phải lớn hơn các khoản chi tiêu của bạn.

    hai nguồn thu nhập thụ động chính:

    1. Các khoản lãi đầu tư từ cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, các quỹ hỗ tương, sở hữu các vật thế chấp hay những tài sản có giá trị gia tăng và có thể chuyển đổi thành tiền mặt.

    2. Các hoạt động kinh doanh mà bạn không cần phải trực tiếp tham gia một cách liên tục và thường xuyên, bao gồm tiền cho thuê bất động sản, tiền nhuận bút từ sách, âm nhạc, phần mềm, bản quyền các ý tưởng, nhượng quyền kinh doanh,... 

    Đa số mọi người đều gặp khó khăn trong việc tạo ra thu nhập thụ động. Thứ nhất, do khái niệm "tạo ra thu nhập thu động" hoàn toàn xa lạ với đa số chúng ta. Thứ hai, đa số chúng ta không được dạy cách tạo ra thu nhập thụ động. 

    Tác giả thường khuyên mọi người hãy mạnh dạn lựa chọn, thậm chí thay đổi hoạt động kinh doanh hay lĩnh vực nghề nghiệp (nếu cần) để tìm một hướng đi mới sao cho việc tạo ra thu nhập thụ động là tự nhiên và tương đối dễ dàng, không cần phải đích thân có mặt và trực tiếp bỏ sức lực ra để kiếm tiền.

    Hãy cố gắng tìm hiểu và có kiến thức về lĩnh vực đầu tư. Tìm kiếm các chiến lược nhằm tạo ra nguồn thu nhập thụ động.

    Tư duy triệu phú số 16: Người giàu hành động bất chấp nỗi sợ hãi. Người nghèo để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.

    Suy nghĩ dẫn tới cảm xúc, cảm xúc chi phối hành động, hành động tạo ra kết quả.

    Điều ngăn cản chúng ta thực hiện những hành động cần làm là nỗi sợ hãi, sự hoài nghi và cảm giác lo lắng. 

    Điểm khác biệt lớn giữa người giàu và người nghèo là người giàu sẵn sàng hành động bất chấp nỗi sợ hãi, trong khi người nghèo luôn để nỗi sợ hãi ngăn cản họ. 

    Chúng ta cần luyện tập để có thể hành động bất chấp nỗi sợ hãi, sự hoài nghi, cảm giác lo lắng, thiếu chắc chắn, không thoải mái, kém tiện nghi. Nếu bạn chỉ sẵn sàng làm những việc đơn giản, thì cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy khó khăn. Nhưng nếu bạn quyết tâm làm những việc khó khăn, thì cuộc sống của bạn sẽ đơn giản. Bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn và làm những việc không thoải mái. Thời điểm duy nhất bạn thật sự phát triển là khi bạn ra ngoài vùng thoải mái của mình.

    Lần đầu tiên bạn thử một điều gì mới mẻ, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái. Nhưng càng làm thì bạn lại càng thấy công việc đó không quá khó khăn hay đáng sợ như bạn tưởng, bạn dần dần lấy lại cảm giác thoải mái. Mọi việc đều diễn ra như thế. Nếu bạn kiên trì và tiếp tục những việc bạn nên làm, bạn sẽ từng bước mở rộng vùng thoải mái của mình, để trở thành một người "lớn hơn". Thời điểm duy nhất mà bạn đang thật sự lớn lên là lúc bạn không cảm thấy thoải mái.

    Việc mở rộng vùng thoải mái sẽ giúp bạn gia tăng thu nhập và mở rộng vùng giàu có. Bạn càng thoải mái thì bạn càng ít gặp rủi ro hơn, nhưng bạn lại càng ít cơ hội để thử thách hơn, ít người để gặp gỡ. Để phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, bạn phải luôn sẵn sàng bước qua cảm giác thoải mái và ra khỏi chiếc hộp an toàn của mình.

    Tư duy triệu phú số 17: Người giàu luôn học hỏi và phát triển. Người nghèo nghĩ họ đã biết tất cả.

    Ba từ nguy hiểm nhất là: "tôi biết rồi". Người nghèo thường cố chứng tỏ với thế giới rằng họ đúng. Họ luôn ra vẻ như là họ đã tính toán hết mọi điều, và chỉ có do xúi quẩy nên họ phải khánh kiệt hay rơi vào cảnh long đong. 

    Bạn phải liên tục học hỏi và phát triển bản thân. Mọi sinh vật đều biến đổi không ngừng. Nếu bạn không phát triển nghĩa là bạn đang chết. Nếu không học hỏi bạn sẽ bị tụt hậu.

    Một điểm khác biệt lớn giữa người giàu và người nghèo đó là người giàu thường là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Để có thu nhập ở mức cao nhất, bạn phải là người giỏi nhất. Bạn càng xuất sắc trong lĩnh vực của mình bao nhiêu, bạn càng kiếm được nhiều tiền bấy nhiêu. Bạn cần không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng trong bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn đang tham gia. 

    ---

    Trên đây là tất cả những nội dung cốt lõi của cuốn sách "Bí Mật Tư Duy Triệu Phú" được mình tóm tắt lại một cách cô đọng nhất có thể. 

    Tóm lại, để trở nên giàu có, trước hết bạn cần thay đổi những suy nghĩ và niềm tin tiêu cực của bản thân về tiền bạc và sự giàu có. Tiếp theo, bạn cần học cách tư duy và hành động như những triệu phú, chẳng hạn như kết giao với những người thành công và tích cực, học cách quản lý tiền bạc, gia tăng thu nhập thụ động, luôn nỗ lực phát triển bản thân và bước ra khỏi vùng an toàn của mình,...

    Tính cách, cách tư duy và những niềm tin là một trong những yếu tố cơ bản quyết định mức độ thành công của bạn.

    Thu nhập của bạn chỉ có thể tăng lên theo mức độ mà bạn mong đợi.

    Tiền bạc, của cải, sức khỏe, bệnh tật, cân nặng là kết quả của chế độ dinh dưỡng và lối sống của bạn. Chúng ta sống trong một thế giới nhân quả. Thế giới bên ngoài chỉ là hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong. Nếu cuộc sống bên ngoài của bạn không suôn sẻ thì đó chính là do cuộc sống nội tâm của bạn chưa được suôn sẻ. Ví dụ, thiếu tiền chỉ là biểu hiện bên ngoài, một dấu hiệu của những gì đang diễn ra bên trong. 

    Nếu bạn muốn tiến lên một nấc cao hơn trong cuộc sống, bạn phải sẵn sàng từ bỏ một số cách nghĩ và cách sống cũ để chấp nhận cái mới. Kết quả tự nó sẽ là câu trả lời.

    Thực sự mà nói thì "Bí Mật Tư Duy Triệu Phú" đã khiến cho mình khá bất ngờ. Lúc đầu mình đọc cuốn này một cách khá miễn cưỡng, đơn giản là mình chỉ đọc để review sách theo đề xuất của khán giả thôi. Nhưng khi đọc thì mình bị quyển sách này cuốn hút lúc nào không hay. Tác giả viết đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu; nội dung mới lạ, nhiều điều hay ho bổ ích, khai sáng cho mình rất rất nhiều.

    Trong bài viết này mình chỉ tóm tắt một số ý chính, bạn nên đọc trọn vẹn sách để nắm được phần diễn giải cụ thể và những ví dụ của tác giả. Link mua sách: https://shope.ee/7AF74CnnYD

    Xem video review: https://youtu.be/pZYa0MGMLv8

    👉 Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Luật hấp dẫn được tác giả T. Harv Eker đề cập đến khá nhiều trong cuốn sách "Bí Mật Tư Duy Triệu Phú" này, bạn có thể tham khảo thêm chuỗi bài viết/video của mình về bộ sách "Bí Mật" của tác giả Rhoda Byrne:


    » Mua bộ sách 4 cuốn The Secret + The Magic + The Power + Hero:
    ▪️ HCM: https://shope.ee/fzYs4PW3E
    ▪️ Hà Nội: https://shope.ee/5KlOR2fz4y

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét