Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Review mấy cuốn văn học kinh điển mình đã đọc

Trước khi đi vào liệt kê các tác phẩm kinh điển mà mình đã đọc, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm "tác phẩm kinh điển".

Tác phẩm kinh điển nghĩa là “tác phẩm mang tính tiêu biểu, được làm chuẩn mực, tạo ra sức ảnh hưởng cho các tác phẩm khác cùng thể loại”.

Một tác phẩm kinh điển sẽ hội tụ ba đặc điểm:
  • Thứ nhất, được công nhận từ giới chuyên môn.
  • Thứ hai, có tính vượt thời gian. Vượt thời gian có nghĩa là tác phẩm chịu được sự đào thải của thời gian để tồn tại trong nhiều đời sau, và trong bất kỳ thời điểm nào, người đọc cũng sẵn sàng tìm đọc lại và tác phẩm vẫn còn giá trị to lớn đến tận hôm nay.
  • Thứ ba, các tác phẩm kinh điển thường đặt nền móng cho các tác phẩm cùng thể loại, đi vào tiềm thức các độc giả, tác giả non trẻ. Các tác giả non trẻ khi muốn làm ra tác phẩm ở thể loại ấy thì sẽ kiếm tác phẩm kinh điển để tham khảo, và tác phẩm của họ ít nhiều sẽ bị chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm kinh điển.

Dưới đây là review của mình về 4 cuốn sách văn học kinh điển mình đã đọc (Điều thú vị là cả 4 cuốn đều là tiểu thuyết, nhưng đến từ 4 nền văn học khác nhau - Pháp, Nga, Mỹ, Anh) ^^

-----

1. Không gia đình - Hector Malot 


"Không gia đình" là cuốn tiểu thuyết về cuộc đời đầy trắc trở, éo le của cậu bé mồ côi Remi. 

Đây là một cuốn tiểu thuyết vô cùng tuyệt vời.

Cách kể chuyện của tác giả vô cùng lôi cuốn, nó khiến mình không muốn rời khỏi cuốn sách một khi đã bắt đầu đọc. Lối viết vừa phóng túng, vừa tả thực, đầy mê hoặc. Những trường đoạn tả cảnh không bao giờ bị tả qua loa, đơn điệu, trái lại luôn luôn chi tiết và sinh động.

Đối với mình, toàn bộ thiên truyện hấp dẫn nhất là nhờ các nút thắt, mở liên tục. Các tình tiết bất ngờ, diễn tiến câu chuyện ngày càng gay cấn, kích thích. Nhà văn liên tục tạo ra các sự việc và trạng thái đối lập nhau khiến người đọc đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, cảm xúc tuy phải thay đổi nhanh chóng theo câu chuyện nhưng vẫn rất hợp lý.

Tác giả trau chuốt từng ly từng tí cho nhân vật của mình. Ông mô tả khéo léo và tường tận về từng nhân vật, từ ngoại hình, giọng điệu đến tính cách, nhân cách, nội tâm đều được xây dựng đâu ra đấy.

Tóm lại, "Không gia đình" là cuốn sách hay, ngoài những thủ pháp nghệ thuật tinh tế, sách còn khiến cho mình cảm nhận được sâu sắc nhiều tư tưởng và giá trị sống ý nghĩa, cảm động vì tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình anh em. Sách còn ca ngợi tinh thần kiên cường vượt khó, hăng say lao động, ham học hỏi, luôn giữ vững đạo đức và tình nghĩa bất chấp hoàn cảnh khó khăn tới mức nào.

2. Thép đã tôi thế đấy - Nikolai A.Ostrovsky


"Thép đã tôi thế đấy" là một cuốn sách mang tính sử thi oai lệ, hào hùng về Liên Xô xưa. Trong tiểu thuyết, tác giả đã xây dựng hình ảnh nhân vật Pa-ven luôn cống hiến hết sức trẻ của mình để phục vụ cho những lý tưởng cách mạng, để góp phần vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước Liên Xô giàu mạnh hơn.

Tiểu thuyết được chia thành hai phần:

Phần I kể về thời niên thiếu và quá trình giác ngộ cách mạng của nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin. Đồng thời tường thuật lại cuộc đấu tranh của nhân dân Nga lật đổ chính quyền Sa hoàng, cuộc chiến tranh giữa Hồng Quân Liên Xô với quân Đức, Ba Lan, cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản.

Phần 2 của tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" tường thuật lại công cuộc khôi phục kinh tế của nước Xô-viết non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Bôn-sê-vích. Tuy không còn chiến tranh, nhưng đất nước Xô-viết vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc rét,.... Bên cạnh đó, phần 2 miêu tả những khó khăn của Pa-ven vì những thương tật do chiến tranh ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, tâm lý và công tác chính trị của anh. Qua đó xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng nhiều phẩm chất đáng quý: cương trực, trung thành, kiên cường, bất khuất, sống có lý tưởng, vì nước quên thân, vì dân phục vụ,...

Tuy chẳng có thủ pháp nghệ thuật gì cao siêu, chỉ được viết như một cuốn hồi ký chép lại cuộc đời của chính tác giả và cuộc đấu tranh oai hùng của tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, nhưng "Thép đã tôi thế đấy" vẫn luôn là một tác phẩm kinh điển mà bất cứ ai cũng nên đọc một lần trong đời. Tác phẩm tôn vinh những phẩm chất đáng quý như lòng yêu quê hương đất nước, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng cống hiến hết mình cho công cuộc bảo vệ quê hương, tổ quốc và đồng bào của mình, truyền động lực cho rất nhiều thế hệ thanh niên ở khắp mọi nơi, trong đó có cả thế hệ trẻ của người Việt Nam ta (Bạn nào đã từng đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" ắt hẳn sẽ biết các chiến sĩ Việt Nam rất yêu thích tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" và "Ruồi trâu").

3. Cuốn theo chiều gió - Margaret Mitchell


"Cuốn theo chiều gió" là thiên tiểu thuyết về miền Nam nước Mỹ trong thời Nội chiến (1861 - 1865) và Tái thiết (1865 - 1877) xoay quanh cuộc sống và các cuộc tình của Scarlett O'Hara - một tiểu thư hoa khôi con nhà giàu có, tính tình mạnh mẽ, ngang bướng. 

"Cuốn theo chiều gió" là cuốn sách dày nhất mà mình từng đọc (gần 1000 trang, cụ thể là 930 trang) nhưng thật sự tác giả viết rất hay và cuốn hút, nên mình không mệt mỏi tí nào khi đọc. Nếu bạn quan tâm đến Nội chiến Mỹ và chế độ nô lệ ở Mỹ, bạn không thể bỏ qua cuốn tiểu thuyết này. Cuốn tiểu thuyết sẽ cho bạn một cái nhìn vừa tổng quan vừa cụ thể về cuộc Nội chiến đẫm máu khốc liệt nhất trong lịch sử nước Mỹ, từ giai đoạn mới chớm có mầm mống chiến tranh đến khi cuộc chiến nổ ra và kết thúc, đặc biệt còn khắc họa cả giai đoạn tái thiết sau chiến tranh. Bên cạnh việc mô tả cuộc nội chiến, tiểu thuyết còn khắc họa vô cùng chi tiết, rõ nét cuộc sống và diễn biến tâm lý con người trước, trong và sau chiến tranh để chúng ta có thể cảm nhận được chiến tranh tàn khốc và biến đổi con người tiêu cực đến thế nào.

4. Đồi Gió Hú - Emily Bronte


Đồi Gió Hú là tiểu thuyết về một câu chuyện tình bất thành đầy ngang trái và dữ dội giữa Catherine và Heathcliff

Một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất tác giả muốn truyền tải thông qua tác phẩm Đồi Gió Hú là cái giá của sự hận thù. Xuyên suốt Đồi Gió Hú là những tình tiết xoay quanh mối thù mà Heathcliff dành cho những người đã ngăn cản ông đến với Catherine - người con gái ông yêu tha thiết trọn đời. Vì lòng thù hận, sau khi Catherine qua đời, Heathcliff đã dành cả phần đời còn lại của mình để lập và thực hiện những âm mưu thâm độc và tàn nhẫn nhất. "Nuôi dưỡng hận thù trong người không khác gì tự uống thuốc độc", chưa biết người khác có chết không nhưng đến cuối cùng chính ta sẽ chết bởi nó.

Bên cạnh lên án lòng thù hận, thông qua Đồi Gió Hú, nhà văn Emily Bronte cũng truyền đi một thông điệp về niềm tin, lòng hy vọng và cách ứng xử của con người khi đối diện với nghịch cảnh.

Đây không phải cuốn tiểu thuyết về tình yêu màu hồng, trái lại nó cực kỳ bi đát, tăm tối. Năm ngoái mình đọc Đồi Gió Hú xong phải mất cả tuần mới thoát ra được tâm trạng u uất mà cuốn tiểu thuyết đem lại, bạn cũng nên cân nhắc trước khi đọc.
---

Chia sẻ thêm một chút, cho dù từ khi còn nhỏ mình đã đọc rất nhiều sách, nhưng mãi cho đến năm 26 tuổi mình mới đọc được cuốn kinh điển đầu tiên, và đến nay thì mình mới chỉ đọc xong được 4 quyển. Không phải vì mình không đủ kiên nhẫn và tập trung (Đối với một đứa đã đọc được vài trăm cuốn sách thì không lý gì lại không thể đọc được một cuốn tiểu thuyết chỉ vì nó... dày). 

Mình không đọc được tiểu thuyết kinh điển có lẽ vì nó quá đồ sộ, nhiều thông tin, nhân vật và sự kiện, mình cảm giác rất rối và choáng ngợp khi đọc, mình không thể nhớ nổi ai với ai, đọc đến đâu rồi, mỗi lần đọc tiếp là gần như phải đọc lại từ đầu. 

Thêm nữa, thường thì dòng sách kinh điển toàn miêu tả cuộc sống bần cùng, đớn đau của các tầng lớp thấp nhất đáy xã hội, hoặc là viết về chiến tranh, tôn giáo, tình yêu, còn mình thì từ nhỏ đến lớn chỉ sống trong yên bình, quanh quẩn bên lũy tre làng, với trí óc và kinh nghiệm sống non nớt mình không hiểu được hết những gì diễn ra trong tác phẩm, không thấm được các thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn cao cả trong mấy cuốn sách kinh điển này. Bây giờ khi đã trưởng thành, nhiều kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm hơn, mình mới có thể bắt đầu đọc được tác phẩm kinh điển, mình đã có khả năng cảm nhận đúng những gì diễn ra trong cái thế giới mà các tác giả thời xưa khắc họa, đồng thời mình cũng có phương pháp để ghi nhớ các hệ thống nhân vật và sự kiện tốt hơn.

Còn bạn thì sao, bạn đã đến với tác phẩm kinh điển như thế nào và cuốn sách kinh điển đầu tiên mà bạn đọc là gì, bạn cảm nhận như thế nào về các tác phẩm kinh điển? Hãy chia sẻ với mình ở phần bình luận nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét