Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

[Review sách] 5 Ngôn Ngữ Yêu Thương - Gary Chapman

Nếu bạn từng ở trong hoàn cảnh: bạn biết đối phương rất yêu thương mình, nhưng bạn lại không cảm nhận được tình yêu ấy một cách rõ ràng, hoặc ngược lại, bạn rất yêu thương nửa kia, luôn dành cho họ những gì tốt nhất theo quan điểm của bạn, nhưng họ luôn lên án rằng bạn không yêu họ, họ không cảm nhận được tình yêu ở bạn, thì cuốn sách "5 ngôn ngữ yêu thương" là dành cho bạn. Cuốn sách sẽ lý giải được tình trạng bạn gặp phải và có thể cứu vãn được mối quan hệ của bạn.

"5 ngôn ngữ yêu thương" là một cuốn sách mà mình chỉ muốn review ngắn gọn bằng hai từ: Mới lạ và Rất hay. Cuốn sách này viết về cách để duy trì được mối quan hệ yêu đương, đặc biệt là hôn nhân. Sách được viết đơn giản, gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu.

Theo tác giả Gary Chapman, mỗi người có một cách riêng để thể hiện và cảm nhận tình yêu, được gọi là "ngôn ngữ yêu thương". Ngôn ngữ yêu thương cũng giống như tiếng Anh, tiếng Ấn, tiếng Thái, nếu chúng ta không nói chung một ngôn ngữ thì dễ bất đồng. Có khi hai người vô cùng yêu nhau, nhưng không cảm nhận được tình yêu của nhau. 

Ví dụ: Bạn là con gái và bạn thích được nghe lời ngọt ngào, còn bạn trai lại thuộc tuýp đàn ông hơi khô khan, chỉ thầm lặng hành động. Anh ấy thường xuyên đưa đón, mua đồ ăn cho bạn, dẫn bạn đi xem phim, nhưng thứ bạn cần nhất là được nghe anh ấy nói yêu bạn, cần bạn, hay những lời ngọt ngào khác, thì anh ấy lại không bao giờ nói ra. 

Hoặc, bạn là con trai và bạn thích ở gần người yêu để được âu yếm, vuốt ve, còn bạn gái chỉ thích nói chuyện qua tin nhắn, và gửi quà tặng đến bạn. Mặc dù lúc nhắn tin và tặng quà thì cô ấy cũng luôn gửi thông điệp rằng bạn rất tuyệt vời, cô ấy yêu bạn, nhưng bạn vẫn thấy thiếu, bạn chẳng cảm nhận được tình yêu của bạn gái.

Trong cả hai trường hợp trên, không ai cảm thấy được yêu thương bởi vì họ nói những ngôn ngữ tình yêu khác nhau, mà đối phương thì không hồi đáp bằng đúng loại ngôn ngữ ấy.

Để biết được có bao nhiêu loại ngôn ngữ trong tình yêu và làm cách nào để nói đúng loại ngôn ngữ của bạn đời mình, chúng ta sẽ cùng khám phá nội dung chi tiết của cuốn sách "5 ngôn ngữ yêu thương".

*Note: Vì mình đọc bản tiếng Anh nên toàn bộ bài viết này là do mình lược dịch theo ý thích của mình, nếu có chỗ nào diễn đạt chưa hay, chưa đúng thì mong các bạn thông cảm hoặc để lại góp ý 😄

----

Cuốn sách được mở đầu bằng một vấn đề: Điều gì xảy ra với tình yêu sau khi cưới? 

Cho dù tình yêu có đẹp cỡ nào, sau khi cưới, nhiều cặp đôi lại rơi vào tình trạng cãi vã, bất đồng, tình yêu dần nguội lạnh và biến mất, đặc biệt là sau khi có con. Và đối với những người không ly hôn, họ sẽ học cách sống với sự trống rỗng, hay thực sự tình yêu còn tồn tại trong một số cuộc hôn nhân? Nếu có, thì bằng cách nào?

Khoa học đã chỉ ra rằng giai đoạn tình yêu cháy bỏng thường kéo dài trung bình 2 năm, sau đó chúng ta sẽ mất dần sự hưng phấn, trở lại với thực tại và đối diện với những khó khăn trong hôn nhân, gọi thông thường là "vỡ mộng", chúng ta thấy đối phương ở dơ, vô tâm, hay quên, hay cằn nhằn. Chúng ta cũng giảm bớt sự hy sinh quên mình và bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn ở đối phương. Chồng muốn tình dục, vợ thì quá mệt mỏi. Vợ muốn hai vợ chồng về thăm ba mẹ vợ, chồng nói không có nhiều thời gian. Chồng muốn mua một chiếc xe hơi mới, vợ nói không đủ tiền để mua.  Dần dần, những ảo mộng biến mất, thay vì "fall in love" - ngã vào yêu, chúng ta "fall out of love" - rơi ra khỏi tình yêu. Và ngay tại điểm này, nhiều người đã chọn ly thân, ly dị và bắt đầu tìm kiếm cảm xúc yêu đương cháy bỏng như trước, ngược lại, có những người chọn cố gắng học cách yêu thương trong khi không còn những cảm xúc hưng phấn thuở ban đầu. 

Hôn nhân là một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong sách, chương trình truyền hình, phát thanh, internet; cha mẹ, bạn bè, các lãnh đạo tôn giáo, các chuyên gia cũng có rất nhiều lời khuyên trong việc duy trì hôn nhân. Vậy thì tại sao rất nhiều người vẫn cảm thấy quá khó khăn trong việc duy trì tình yêu sau khi cưới? Đó là vì mọi người đã phớt lờ một sự thật căn bản: Chúng ta nói những ngôn ngữ tình yêu khác nhau. Về mặt ngôn ngữ, chúng ta có hàng trăm thứ ngôn ngữ, từ tiếng Anh, tiếng Ấn, đến tiếng Thái, tiếng Hàn. Tình yêu cũng có ngôn ngữ của nó, và trong cuốn sách này sẽ đề cập đến 5 ngôn ngữ yêu thương phổ biến. Khi nắm bắt được thông tin cơ bản về 5 loại ngôn ngữ yêu thương này, biết được ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bản thân mình và của đối phương, chúng ta sẽ nắm được chiếc chìa khóa dẫn tới một cuộc hôn nhân lâu bền. 

----

Các nhà tâm lý học tin rằng nhu cầu cảm thấy được yêu thương là một nhu cầu cảm xúc chính của con người. Mỗi đứa trẻ đều có những nhu cầu cảm xúc cơ bản cần được đáp ứng để đứa trẻ đó có được sự cân bằng cảm xúc. Một trong những nhu cầu cơ bản đó là nhu cầu được yêu thương, cảm thấy mình được thuộc về, được mong muốn. Nếu được thỏa mãn nhu cầu tình cảm này, đứa trẻ sẽ phát triển thành một người lớn có trách nhiệm. Nếu không được yêu thương, đứa trẻ sau này sẽ gặp thách thức về mặt cảm xúc và xã hội. 

Nhu cầu cảm xúc cơ bản nhất của chúng ta không phải là "rơi vào yêu" mà là được yêu chân thành bởi một ai đó, để biết một tình yêu sẽ phát triển từ những lý do và sự lựa chọn, không phải là bản năng. Chúng ta muốn được yêu bởi một người chọn yêu chúng ta, người nhìn thấy ở chúng ta điều gì đó đáng để yêu. Kiểu tình yêu này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và kỷ luật. 

----

Ngôn ngữ yêu thương #1: Lời yêu thương (Words of Affirmation)

Một cách để thể hiện cảm xúc yêu thương là sử dụng những từ ngữ mang tính xây dựng: những lời khen, những lời nói thể hiện sự trân trọng. 

Ví dụ:

  • Em trông thật đẹp trong bộ đồ này.
  • Em rất thích việc anh luôn đến đón em đúng giờ.
  • Anh luôn có thể khiến em cười.

Trong sách, tác giả đã kể một câu chuyện như sau:

Một người phụ nữ rất muốn chồng mình sơn lại phòng ngủ, cho dù cô ấy đã hối thúc chồng suốt 9 tháng nhưng chồng vẫn không làm. Cô ấy tìm đến tác giả để xin lời khuyên. 

Tác giả đã khuyên cô ấy hai điều: Một, đừng bao giờ đề cập đến chuyện sơn phòng ngủ nữa, bởi vì anh ấy đã biết chứ không phải không biết. Hai, mỗi khi chồng làm một việc gì tốt, hãy dành cho anh ấy một lời khen. Nếu anh ấy đổ rác, hãy nói: "Em muốn anh biết rằng em rất trân trọng việc anh đã đổ rác". Nếu anh ấy trả hóa đơn điện, hãy đặt tay lên vai anh ấy và nói: "Em thật sự trân trọng việc anh thanh toán hóa đơn điện. Em nghe nói rằng có một số ông chồng không hề làm việc này". 

Người phụ nữ rất nghi ngờ về hai lời khuyên này của tác giả, cô không nghĩ những lời khuyên này giúp ích gì cho việc bảo ông chồng sơn phòng. 

Nhưng 3 tuần sau, cô ấy quay lại và cho biết đã làm theo hướng dẫn của tác giả, và chồng đã tự giác sơn phòng ngủ. Cô ấy học được bài học rằng những lời khen ngợi là nguồn động lực lớn hơn nhiều so với những lời than phiền, chỉ trích.

Những lời khích lệ

Một cách khác để bày tỏ tình cảm với đối phương là sử dụng những từ ngữ mang tính khích lệ. Tất cả chúng ta đều có những lĩnh vực mà chúng ta cảm thấy không an toàn, thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin đó cản trở chúng ta đạt được những điều tích cực mà chúng ta mong muốn. Có thể vợ/chồng bạn có những năng lực chưa được khai phá trong một hoặc nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Năng lực tiềm ẩn ấy có lẽ đang chờ những lời khích lệ từ bạn. Có thể vợ bạn cần tham gia một khóa học để phát triển năng lực đó. Có lẽ chồng bạn cần gặp một số người đã thành công trong lĩnh vực đó để hướng dẫn cho anh ấy những bước tiếp theo. Những lời nói của bạn có thể sẽ cho vợ/chồng bạn sự can đảm cần thiết để đi bước đi đầu tiên.

Ví dụ: 

Nếu chồng bạn nói muốn kinh doanh, đây là cơ hội để bạn nói ra những lời động viên anh ấy: "Nếu anh quyết định làm điều đó, em sẽ nói với anh rằng anh sẽ thành công. Khi anh quyết chí làm điều gì, anh sẽ làm được. Đó là một trong những điểm mà em thích ở anh. Nếu đó là điều anh muốn làm, em sẽ làm mọi thứ có thể để giúp anh". 

Những lời tử tế

Một câu nói có thể mang hai ý nghĩa khác nhau, tùy vào cách bạn nói. Đôi khi ngôn từ của chúng ta nói một đằng, còn giọng điệu của chúng ta nói một nẻo. Đối phương sẽ diễn giải thông điệp của chúng ta dựa trên giọng điệu chứ không phải từ ngữ. Câu "anh rất sẵn lòng rửa chén vào tối nay" được nói bằng cách nghiến răng sẽ không được xem như một cách thể hiện tình yêu.

Khi đối phương cáu giận, bực tức và đả kích bằng những lời lẽ nóng nảy, bạn không nên đáp lại bằng sự nóng giận tương đương, mà nên phản hồi bằng giọng điệu mềm mỏng. Hãy đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu người đó đang cảm thấy như thế nào. Đó chính là tình yêu.

Không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Đôi khi chúng ta nói và làm những điều tổn thương người khác. Chúng ta không thể xóa bỏ quá khứ, chỉ có thể thừa nhận nó và chấp nhận rằng mình đã sai. Chúng ta có thể xin sự tha thứ và cố gắng hành động khác đi trong tương lai. Khi đối phương làm sai điều gì với bạn và họ đã nhận lỗi và xin sự tha thứ từ bạn, bạn có hai lựa chọn, một là công bằng, hai là tha thứ. Nếu bạn chọn công bằng và muốn đối phương phải trả giá cho điều họ đã làm sai, bạn đã biến mình trở thành một quan tòa và đối phương trở thành tội nhân, sự thân mật và gắn kết sẽ không còn. Tuy nhiên, nếu bạn chọn tha thứ, sự thân mật và gắn kết có thể được khôi phục. Tha thứ cũng là một cách yêu.

"Em yêu anh. Em quan tâm anh, và em chọn tha thứ cho anh. Cho dù cảm xúc của em vẫn còn bị tổn thương, nhưng em sẽ không cho phép những gì đã qua được ở lại giữa chúng ta. Em hy vọng chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ trải nghiệm này. Anh là chồng em, cùng nhau chúng ta sẽ làm lại từ đầu".

Những lời khiêm nhường

Hãy học cách diễn đạt những nhu cầu và mong muốn của mình một cách nhẹ nhàng. 

Ví dụ 1: Hai người chồng đều có một mong muốn được ăn một bữa ăn ngon:

Người chồng thứ nhất nói "Em có thể nấu món mì ống thật ngon vào buổi tối nào đó không?", anh ấy đang hướng dẫn vợ mình cách để thể hiện tình yêu với chồng, và điều này giúp xây dựng sự gắn kết. 

Ngược lại, người chồng thứ hai than vãn "Chúng ta không thể có một bữa ăn tươm tất à?", đó được xem là một sự đòi hỏi, và người vợ sẽ bực tức đáp trả "Ừ, anh đi mà nấu!".

Ví dụ 2: Hai người vợ đều có một mong muốn là chồng sẽ vệ sinh máng xối

Người vợ thứ nhất nói "Anh coi có thể dọn mấy cái máng xối vào cuối tuần này không nha?", đó là một đề nghị. 

Nhưng người vợ thứ hai nói "Nếu anh không chịu dọn mấy cái máng xối sớm, nó sẽ rớt khỏi nhà đấy. Cây cỏ mọc đầy trong đấy rồi!", đây là một câu nói đầy độc đoán gây khó chịu.

Khi bạn đưa ra một đề xuất với đối phương, bạn đang khẳng định giá trị và khả năng của họ. Bạn đang chỉ ra rằng anh/cô ấy có điều gì đó có ý nghĩa và giá trị với bạn. Ngược lại, khi bạn đòi hỏi, bạn trở thành một tên bạo chúa chứ không phải người yêu. Đối phương sẽ không cảm thấy được công nhận, mà cảm thấy bị mất giá trị. 

-

Nếu vợ/chồng bạn là người có ngôn ngữ yêu thương là lời yêu thương, mà bạn thì không phải là người có loại ngôn ngữ yêu thương này, mẹo dành cho bạn là: Khi bạn nghe hoặc đọc được ở đâu đó những lời yêu thương hay ho (sến sến), hãy chép nó lại vào một cuốn sổ để có thể sử dụng với vợ/chồng mình khi cần. 

Bên cạnh đó, bạn có thể thử nói lời yêu thương một cách gián tiếp. Cụ thể, hãy khen vợ/chồng bạn với người khác khi vợ/chồng bạn không có mặt, ví dụ như nói với mẹ vợ rằng vợ bạn rất tuyệt vời. Khi mẹ vợ nói lại với cô ấy những gì bạn nói, cô ấy sẽ cảm thấy rất vui. Đừng quên khen vợ trước mặt người khác. Nếu bạn được vinh danh vì một thành tựu nào đó, cũng hãy chia sẻ thành công này với vợ bạn. Ngoài những lời nói, bạn cũng có thể viết ra những lời yêu thương, vì nó có thể được đọc đi đọc lại nhiều lần.

Ngôn ngữ yêu thương #2: Thời gian chất lượng bên nhau (Quality time)

Thời gian chất lượng bên nhau nghĩa là khi ở cạnh ai đó thì bạn dành toàn bộ sự chú ý cho họ. "Dành thời gian cho ai đó" không phải là cùng họ ngồi trên sofa xem tivi, mà là hai người nhìn nhau và nói chuyện, hoàn toàn tập trung vào nhau.

Thời gian là một điều vô cùng quý giá. Hãy dành thời gian cho bạn đời của mình, cùng họ làm điều gì đó mà họ thích, hết sức tập trung vào họ và làm bằng cả trái tim bạn.

Ví dụ:

  • Dành cuối tuần để cùng đi leo núi.
  • Tranh thủ giờ nghỉ trưa ở công ty để đi ăn trưa cùng nhau.
  • Khi đi làm về, ngồi xuống và kể cho nhau nghe về một ngày vừa trải qua.
  • Dành thời gian để trò chuyện với những đứa con về chuyện học hành của chúng, chơi đùa với con.
  • Đi nghỉ dưỡng cùng nhau ít nhất một lần mỗi năm.
  • Cùng đi bộ và chuyện trò.

Đối thoại chất lượng

Với người có ngôn ngữ yêu thương là "Thời gian chất lượng", họ có thể rất cần những cuộc đối thoại chất lượng. Đối thoại chất lượng nghĩa là đối thoại đồng cảm, hai người sử dụng sự đồng cảm để chia sẻ với nhau về những trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc và khao khát của bản thân một cách thân mật.

Đối thoại chất lượng có sự khác biệt so với ngôn ngữ yêu thương đầu tiên (lời yêu thương). Lời yêu thương tập trung vào những gì chúng ta nói ra, trong khi đối thoại chất lượng lại tập trung vào những gì chúng ta lắng nghe, lắng nghe đồng cảm với những gì đối phương nói, đặt câu hỏi với một mong muốn chân thành là có thể thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và khao khát của họ. 

Chuyện nhà Pattrick

Vợ Pattrick đi làm về và kể với anh những vấn đề của cô ấy ở văn phòng. Anh lắng nghe vợ mình rồi đưa ra lời khuyên cô nên làm thế này thế kia để giải quyết vấn đề. Anh bảo cô phải đương đầu với vấn đề. Hôm sau đi làm về, vợ anh vẫn kể với anh về những vấn đề tương tự. Anh hỏi vợ rằng cô đã làm những gì anh khuyên hôm qua chưa, vợ anh trả lời là chưa. 

Sau 3, 4 đêm như vậy, Pattrick nổi nóng. Anh nói với vợ rằng cô đừng trông mong anh sẽ thông cảm với cô nếu như cô không làm theo lời khuyên của anh. Cô không cần phải sống trong căng thẳng và áp lực như thế, cô có thể giải quyết vấn đề, chỉ cần cô cứ làm theo những gì anh hướng dẫn cho. Pattrick cũng rất đau lòng khi phải thấy vợ mình sống căng thẳng vì anh biết cô có thể tránh được nó. Lần tiếp theo khi vợ Pattrick kể với anh về những khó khăn cũ, anh nói rằng: "Anh không muốn nghe nữa, anh đã bảo em những gì em cần làm. Nếu em không nghe những lời khuyên của anh thì anh không muốn nghe những vấn đề của em nữa!"

Bây giờ sau khi ly hôn, Pattrick mới hiểu rằng khi vợ anh tâm sự với anh về những khó khăn trong công việc thì cô ấy không cần những lời khuyên của anh. Cái mà cô ấy muốn là sự thấu hiểu từ anh. Cô cần được anh lắng nghe, chú ý đến cô, để cô biết rằng anh có thể hiểu được những nỗi đau, sự căng thẳng và áp lực mà mình đang phải chịu đựng. Cô muốn biết anh yêu cô và ở bên cô. Vợ anh không hề muốn được khuyên, cô chỉ cần chồng hiểu cho mình. Nhưng anh không bao giờ cố gắng hiểu cho cô, anh quá bận rộn với việc đưa ra lời khuyên và giải pháp.

Vợ Pattrick đã nài xin những cuộc đối thoại chất lượng, mong chờ anh chú tâm vào cô ấy bằng việc lắng nghe nỗi đau và sự khó chịu của cô. Nhưng Pattrick chỉ lắng nghe vấn đề và đưa ra giải pháp. Anh không lắng nghe được tiếng gào khóc mong được nâng đỡ và thấu hiểu của vợ mình.

Nhiều người trong chúng ta cũng giống như Pattrick. Chúng ta quên rằng hôn nhân là một mối quan hệ, không phải một dự án cần hoàn thành hay một vấn đề cần giải quyết. Một mối quan hệ đòi hỏi sự lắng nghe đồng cảm để thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của đối phương. Chúng ta vẫn cần đưa ra lời khuyên, nhưng chỉ đưa khi được yêu cầu.

Dưới đây là một số mẹo để thực hành lắng nghe:

  • Duy trì việc nhìn vào mắt bạn đời của mình trong lúc nói. 
  • Đừng vừa nghe bạn đời nói vừa làm việc riêng.
  • Lắng nghe cảm xúc của đối phương, tự hỏi bản thân: "Vợ/chồng mình đang phải trải qua cảm xúc gì?"
  • Quan sát ngôn ngữ cơ thể. Bàn tay nắm chặt và run lên, những giọt nước mắt, những cái nhăn trán, chuyển động mắt,... là những dấu hiệu có thể giúp bạn hiểu cảm xúc của vợ/chồng mình. 
  • Không ngắt lời. 

Học cách nói chuyện

Đối thoại chất lượng không chỉ đòi hỏi lắng nghe đồng cảm mà còn yêu cầu chúng ta phải biết bộc lộ bản thân. Chúng ta khó cảm thấy được yêu thương nếu như đối phương là người khép kín, chẳng cho ta biết gì về những suy nghĩ và cảm xúc của họ.

Việc bộc bạch bản thân có thể không dễ dàng đối với một số người. Chúng ta có thể đã lớn lên trong những gia đình không chấp nhận việc cho đứa trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, nó không được phép nói ra mong muốn của mình, bày tỏ sự giận dữ hoặc thất vọng, lâu dần đứa trẻ phải học cách chối bỏ cảm xúc của mình.

Nếu bạn bị rơi vào trường hợp này, bạn có thể bắt đầu bằng cách chú ý đến cảm xúc của mình, gọi tên những cảm xúc ấy. Ví dụ như cảm xúc tức giận lúc ai đó cứ bấm còi xe liên tục phía sau bạn, cảm xúc lo âu khi gần đến deadline mà chưa hoàn thành dự án,... Sau đó về nhà thuật lại với người bạn đời về sự việc và cảm xúc của bạn về sự việc ấy. Hãy thực hành việc này trong vài tuần, bạn sẽ dần thoải mái hơn trong việc bày tỏ cảm xúc với vợ/chồng mình. 

Những hoạt động chất lượng

Hoạt động chất lượng có thể bao gồm bất cứ việc gì mà một trong hai hoặc cả hai bạn có hứng thú. Mục đích của những hoạt động này là để cả hai cùng trải nghiệm điều gì đó với nhau, qua đó bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau, sẵn sàng làm điều mà đối phương yêu thích, với một thái độ tích cực. 

Ví dụ: một trong những hoạt động yêu thích của Emily là khám phá những tiệm sách cũ. Jeff, chồng cô, không phải người thích đọc sách, nhưng anh vẫn cùng đi khám phá những tiệm sách cũ với Emily, thậm chí trong lúc lang thang ở những tiệm sách này, thỉnh thoảng anh còn chỉ ra cho Emily một vài cuốn sách mà anh nghĩ cô sẽ thích. Có lẽ Jeff không bao giờ trở thành một mọt sách, nhưng anh ấy đã trở thành người biết cách yêu Emily.

Hoạt động chất lượng có thể bao gồm làm vườn, tham quan di tích lịch sử, ngắm chim, đi xem hòa nhạc, tập thể dục, nấu ăn,... 

Yếu tố cốt lõi của một hoạt động chất lượng gồm: 

  • (1) ít nhất một trong hai bạn muốn làm điều đó, 
  • (2) người kia sẵn sàng làm điều đó, 
  • (3) cả hai bạn biết tại sao mình lại làm điều đó - để bày tỏ tình yêu thông qua việc ở bên cạnh nhau. 

Có thể bạn sẽ nói rằng bạn không có thời gian để dành cho mấy việc này. Nhưng nếu muốn thì bạn luôn có thể sắp xếp được thời gian, như cách bạn sắp xếp thời gian để ăn trưa và ăn tối. Tại sao bạn cần phải làm điều này? Bởi vì nó quan trọng đối với hôn nhân của bạn, như thức ăn đối với sức khỏe. Nó có khó không? Chắc chắn là có, bạn sẽ phải tận tâm lên kế hoạch, thậm chí đôi khi bạn sẽ phải hy sinh chút thời gian dành cho các hoạt động cá nhân, hoặc bạn phải làm một số việc mà bản thân không có hứng thú cho lắm. Nhưng nó thật sự xứng đáng, bởi vì khi chúng ta làm cho người bạn đời cảm thấy đong đầy yêu thương thì chính chúng ta cũng sẽ cảm thấy mãn nguyện vô cùng. 

Ngôn ngữ yêu thương #3: Nhận quà tặng (Receiving gifts)

Một món quà là thứ bạn có thể cầm trong tay và nói: "Nhìn này, anh ấy đã nghĩ về mình", hoặc "Cô ấy đã nhớ đến tôi". Bạn phải nghĩ về một ai đó khi tặng cho người đó một món quà. Món quà chính là biểu tượng của việc bạn nghĩ về người ấy. Không quan trọng là món quà trị giá bao nhiêu. Điều quan trọng ở đây là bạn đã nghĩ về người ấy. 

Quà tặng là biểu tượng hữu hình của tình yêu. Hầu hết đám cưới đều có việc trao và nhận nhẫn cưới. Đối với một số người, biểu tượng hữu hình của tình yêu rất quan trọng, số khác thì không quan tâm lắm. Đó là lý do vì sao chúng ta có thái độ khác nhau đối với nhẫn cưới. Một vài người không bao giờ tháo nhẫn cưới kể từ khi cưới. Số khác thì chả bao giờ chịu đeo nhẫn. Nếu nhận quà tặng là ngôn ngữ yêu thương chủ đạo, tôi sẽ cực kỳ đề cao giá trị của chiếc nhẫn mà anh đã trao cho tôi và đeo nó với niềm tự hào vô bờ. Nếu không có những món quà tặng như biểu tượng hữu hình, tôi có thể sẽ nghi ngờ về tình yêu của anh.

Quà tặng có thể có nhiều kích cỡ, màu sắc, hình dạng. Một số món quà thì đắt đỏ, và một số món thì chẳng mất tiền mua. Đối với những người có ngôn ngữ yêu thương chủ đạo là nhận quà tặng, giá trị của món quà thường không quan trọng. 

Quà tặng có thể được mua, được tìm thấy, hoặc được làm ra. Một người chồng phát hiện ra một chiếc lông chim hay ho trong lúc đi dạo và đem về nhà tặng vợ cũng được xem là một cách thể hiện tình yêu của anh ấy (trừ khi vợ anh dị ứng với lông vũ). 

Sẽ có nhiều người nói rằng mình không phải là một người tặng quà, họ không thường xuyên được tặng quà trong quá trình trưởng thành, không biết cách chọn quà. Nhưng nếu bạn đời của bạn là một người có ngôn ngữ yêu thương là "nhận quà", bạn nên trở thành một người tặng quà. 

Hãy lập danh sách những món quà mà bạn đời của bạn từng tỏ ra hào hứng mỗi khi nhận được trong suốt những năm qua. Những món quà này có thể đến từ bạn, các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè. Danh sách này sẽ cho bạn ý tưởng về loại quà mà bạn đời sẽ thích thú khi được nhận. Nếu bạn không biết chọn quà nào trong danh sách này, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ những người thân thiết với bạn đời của bạn. Hãy chọn những món quà mà bạn cảm thấy thoải mái khi mua, làm, hoặc tìm kiếm, và tặng nó cho người bạn đời. Không cần chờ đến một dịp đặc biệt nào. Nếu nhận quà là ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của người bạn đời, hầu như bất cứ thứ gì bạn tặng cho họ đều được xem như dấu chỉ tình yêu của bạn.

Để trở thành một người tặng quà giỏi, có thể bạn sẽ cần phải thay đổi thái độ của mình về tiền bạc. Mỗi chúng ta đều có những quan điểm riêng về mục đích của tiền và cách tiêu tiền. Một số người có xu hướng tiêu xài, họ cảm thấy tốt về bản thân khi họ xài tiền. Một số khác thì có xu hướng tiết kiệm và đầu tư, họ cảm thấy tốt về bản thân khi họ biết tiết kiệm và đầu tư thông thái.

Nếu bạn là người thích tiêu xài, có lẽ bạn sẽ không cảm thấy khó khăn khi mua quà tặng bạn đời, nhưng nếu bạn thuộc tuýp người tiết kiệm, có thể bạn sẽ phải trải qua cảm xúc kháng cự với việc phải bỏ tiền ra để thể hiện tình cảm. Bạn không mua đồ cho bản thân, tại sao bạn lại phải mua đồ cho bạn đời? Bằng việc tiết kiệm và đầu tư, bạn đang mua sự an toàn về cảm xúc và giá trị bản thân. Bạn đang quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của chính mình bằng việc quán xuyến tiền bạc, nhưng bạn lại không đáp ứng nhu cầu cảm xúc của bạn đời. Nếu bạn phát hiện ra ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của vợ mình là nhận quà, bạn cần hiểu rằng mua quà cho cô ấy cũng là một khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể làm. Bạn đang đầu tư vào mối quan hệ của mình, nếu cô ấy cảm thấy được yêu thương, cô ấy cũng sẽ đáp lại nhu cầu cảm xúc của bạn theo ngôn ngữ yêu thương của bạn. Đừng quá lo lắng về khoản tiết kiệm của mình. Bạn vẫn sẽ luôn là một người tiết kiệm, nhưng đầu tư vào tình yêu cho bạn đời là một khoản đầu tư cổ phiếu blue-chip, bạn sẽ không bị lỗ đâu!

Món quà của sự hiện diện

Có một món quà vô hình đôi khi còn giá trị hơn nhiều so với một món quà có thể cầm nắm được, đó là món quà của sự hiện diện. Đó là sự có mặt của bạn khi đối phương cần, đặc biệt là trong những giai đoạn khủng hoảng.

Nếu bạn cảm thấy sự hiện diện của bạn đời là điều rất quan trọng đối với bạn, bạn nên nói điều đó thành lời, đừng mong đợi anh ấy sẽ đọc được tâm trí bạn. Ngược lại, nếu bạn đời nói với bạn rằng "Em muốn anh cùng em có mặt ở đó tối nay/ngày mai/chiều nay", hãy nghiêm túc cân nhắc lời đề nghị đó. Từ góc độ của bạn, việc đó có thể không quan trọng, nhưng nếu bạn không hồi đáp lời đề nghị đó, bạn có thể đang gửi đi thông điệp rằng bạn chẳng quan tâm đến cô ấy.

Một người chồng kể rằng: "Khi mẹ tôi mất, sếp của vợ tôi đã nói rằng cô ấy có thể nghỉ 2 tiếng để dự đám tang, nhưng phải quay lại văn phòng vào buổi chiều. Vợ tôi đã nói với sếp rằng cô ấy cảm thấy chồng mình cần sự hỗ trợ của mình trong ngày hôm nay và cô ấy sẽ nghỉ nguyên ngày. Sếp cô ấy trả lời: Nếu cô bỏ đi cả ngày, cô có thể mất việc. Vợ tôi đáp: Chồng tôi quan trọng hơn công việc của tôi. Và cô ấy đã thực sự dành cả ngày ở bên tôi. Một cách nào đó, ngày hôm ấy tôi cảm thấy được vợ mình yêu thương hơn bao giờ hết. Tôi không bao giờ quên những gì cô ấy đã làm cho tôi."

Ngôn ngữ yêu thương #4: Hành động phục vụ (Acts of Service)

"Acts of Service" được một số người dịch là "Sự tận tụy", mình cũng không biết từ nào là đúng, nhưng vì đây là bài viết của mình nên mình thích dịch sát nghĩa "Hành động phục vụ" 😎

"Hành động phục vụ" nghĩa là làm những việc bạn biết rằng bạn đời của mình thích bạn làm. Bạn cố gắng làm hài lòng vợ bằng cách chu đáo với cô ấy, thể hiện tình yêu của mình thông qua việc làm thứ này, thứ kia cho cô ấy. Chẳng hạn như nấu ăn, dọn bàn, đổ rác, hút bụi, thay tã cho con, bảo dưỡng xe, thanh toán hóa đơn, cắt cỏ, giải quyết mấy việc hành chính,... Những việc này đều đòi hỏi tư duy, kế hoạch, thời gian, nỗ lực và năng lượng.

Những việc này đôi khi cũng không tốn nhiều thời gian lắm nhưng lại thể hiện tình yêu thương vô bờ. Giả sử bạn là một người vợ và bạn biết chồng mình vốn rất ghét việc đổ rác. Một ngày bạn thấy chồng mình đi làm về và vô cùng mệt mỏi, bạn lặng lẽ đổ rác giùm anh ấy. Cái thùng rác trống trơn lúc này sẽ như một thông điệp gửi tới chồng bạn rằng bạn luôn nghĩ về anh ấy, kể cả khi bạn không có mặt ở đó.

Ngôn ngữ yêu thương #5: Tiếp xúc cơ thể (Physical Touch)

Tiếp xúc cơ thể là một phương tiện mạnh mẽ để truyền tải tình yêu trong hôn nhân. Nắm tay, hôn, ôm, làm tình đều là những cách để thể hiện cảm xúc tình yêu với bạn đời. Đối với một số người, tiếp xúc cơ thể là ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của họ. Nếu không có những sự tiếp xúc về mặt cơ thể, họ không cảm nhận được tình yêu. 

Trong số 5 giác quan, xúc giác khác với 4 giác quan còn lại ở chỗ là nó không bị giới hạn ở một vùng nhất định của cơ thể. Những cơ quan thụ cảm tí hon được phân bổ khắp cơ thể. Khi các thụ thể này được chạm hoặc đè vào, dây thần kinh sẽ truyền xung lực đến não. Não sẽ diễn giải những xung lực đó để ta nhận diện được thứ mà ta đang chạm vào là nóng hay lạnh, cứng hay mềm, đau đớn hay thỏa mãn, yêu thương hay căm ghét.

Không phải sự tiếp xúc cơ thể nào cũng mang đến cảm giác giống nhau cho bạn đời của bạn. Dĩ nhiên người hướng dẫn tốt nhất cho bạn chính là bạn đời của bạn. Cô ấy là người biết rõ nhất mình sẽ cảm thấy được yêu thương khi được tiếp xúc kiểu nào. Bạn đừng khăng khăng tiếp xúc với cô ấy theo cách của bạn và vào thời điểm chỉ phù hợp với bạn. Có những lúc tiếp xúc cơ thể sẽ khiến bạn đời của bạn không hề thoải mái và thấy phiền. Hãy quan tâm và nhạy cảm với nhu cầu của cô ấy.

Nếu bạn đời của bạn thích được mát-xa lưng, thì việc bỏ thời gian, tiền bạc và công sức để học trở thành một người mát-xa giỏi rất đáng để bạn đầu tư. Nếu bạn đời thích việc quan hệ tình dục, thì bạn nên tìm đọc và thảo luận về nghệ thuật giường chiếu. Ngoài ra còn một số kiểu tiếp xúc khác như: ngồi kề sát nhau khi xem chương trình tivi yêu thích, chạm vào bạn đời khi bạn đi ngang qua phòng anh ấy đang ngồi, ôm hôn nhau khi bạn rời khỏi nhà và lúc trở về nhà,...

Khủng hoảng và Tiếp xúc cơ thể

Hầu như trong lúc khủng hoảng, theo bản năng chúng ta đều ôm ai đó. Tại sao? Vì tiếp xúc cơ thể là một cách giao tiếp mạnh mẽ của tình yêu. Hơn lúc nào hết, những lúc gặp khủng hoảng là lúc chúng ta cần được cảm thấy yêu thương nhất. Chúng ta không thể thay đổi được sự kiện, nhưng chúng ta có thể vượt qua được sự kiện ấy nếu ta cảm thấy được yêu thương. 

Mọi cuộc hôn nhân đều trải qua khủng hoảng: cha mẹ qua đời, tai nạn giao thông, bệnh tật,... Đau buồn thất vọng là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng nhất bạn làm cho bạn đời của mình trong giai đoạn khủng hoảng là yêu thương họ. Nếu ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn đời bạn là tiếp xúc cơ thể, không gì quan trọng hơn việc bạn ôm cô ấy vào lòng khi cô ấy khóc. Lời nói của bạn lúc đó có thể không mấy ý nghĩa, nhưng cái ôm của bạn sẽ nói với cô ấy rằng bạn đang quan tâm.

---

Trên đây là Định nghĩa và ví dụ cụ thể về 5 loại ngôn ngữ yêu thương, bao gồm: Lời yêu thương, Thời gian chất lượng, Hành động phục vụ, Quà tặng và Tiếp xúc cơ thể.

Trong trường hợp bạn đã đọc tới tận đây nhưng vẫn chưa biết ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là gì, phần tiếp theo của sách sẽ giúp bạn khám phá điều này.

-

Khám phá ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn

ba cách để bạn khám phá ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là loại nào.

Cách 1: Tìm xem điều mà bạn đời đã làm mà khiến bạn tổn thương sâu sắc là gì? Điều ngược lại với điều này có khả năng là ngôn ngữ yêu thương của bạn.

Ví dụ 1: Bạn cực kỳ đau đớn khi bạn đời nói với bạn những lời phê phán, chỉ trích → có lẽ ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là Lời Yêu Thương. 

Những lời lẽ mang tính chế nhạo, căm thù, hay thô tục có thể gây tổn thương cho bất kỳ ai, nhưng đặc biệt có sức sát thương cao đối với những người có ngôn ngữ yêu thương chủ đạo là Lời Yêu Thương.

Bên cạnh đó, không nói lời nào - bị trừng phạt bằng sự im lặng cũng có thể phá hủy cảm xúc của người có ngôn ngữ yêu thương chủ đạo là Lời Yêu Thương.

Ví dụ 2: Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau khổ và tức giận vì bạn đời không chịu chia sẻ việc nhà với bạn → có khả năng ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là Hành Động Phục Vụ.

Ví dụ 3: Nếu bạn cảm thấy cực kỳ tổn thương khi ai đó đưa cho bạn một món quà mà họ chỉ chọn đại, qua loa, xuề xòa, không hề bỏ ra chút nỗ lực nào, không phù hợp với bạn → có thể ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là Nhận Quà Tặng.

Ví dụ 4: Nếu bạn cảm thấy rất nhàm chán với một lịch trình lặp đi lặp lại vô cảm kiểu: cùng ăn tối, ngồi xem TV rồi đi ngủ, hoặc gặp khó khăn khi chồng đi công tác xa lâu ngày → nhiều khả năng ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là Thời Gian Chất Lượng.

Cách 2: Nhớ lại xem bạn thường yêu cầu điều gì ở bạn đời? Điều mà bạn yêu cầu nhiều nhất có thể là điều khiến bạn cảm thấy được yêu thương nhất.

Ví dụ: Nếu bạn luôn mong đợi và yêu cầu chồng phải làm việc này, việc kia trong nhà, chẳng hạn như giặt giũ, phơi đồ, sửa ống nước, thay tã cho con, quét sân,... thì khả năng cao ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là Hành Động Phục Vụ.

Cách 3: Nghĩ xem bạn thường bày tỏ tình cảm với bạn đời của mình bằng cách nào? Cách bạn thể hiện tình cảm có thể là một dấu hiệu chỉ ra rằng đó cũng là cách bạn sẽ cảm thấy được yêu thương. Những gì bạn đang làm cho bạn đời là những gì bạn mong bạn đời sẽ làm cho bạn.

Ví dụ: Bạn thường nói với bạn đời những lời ngọt ngào, động viên → thì có thể ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn là Lời Yêu Thương, bạn mong muốn bạn đời của mình cũng nói những lời yêu thương với bạn.

-

Có thể bạn sẽ yêu cầu được đối phương đáp ứng mọi thứ thuộc cả năm loại ngôn ngữ yêu thương, nhưng bạn sẽ đặc biệt có nhiều yêu cầu hơn đối với loại ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của mình. 

Ví dụ: Hầu hết tất cả phụ nữ đều thích chồng mình luôn khen mình xinh (Lời Yêu Thương), dành một tiếng mỗi tối để hỏi han và tâm sự với mình (Thời Gian Chất Lượng), thường xuyên tặng quà cho mình (Quà Tặng), đưa đón mình đi làm (Hành Động Phục Vụ), và luôn nắm tay mình thật chặt (Tiếp Xúc Cơ Thể), nhưng sẽ có một - hai loại ngôn ngữ mà bạn luôn luôn mong đợi đối phương làm cho mình. Mấy thứ khác có thì rất tốt, không có cũng không sao. Nếu như anh ấy không thường xuyên đưa đón và ít khi tặng quà cho bạn, mà bạn cũng thấy bình thường, thì có nghĩa là Hành Động Phục Vụ và Quà Tặng không phải ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn. Nhưng nếu anh ấy không khen bạn xinh xắn đáng yêu, không nói cho bạn biết anh ấy yêu bạn và cần bạn, không động viên mỗi khi bạn buồn, không ủng hộ những quyết định của bạn, mà bạn cảm thấy không được yêu thương, thì Lời Yêu Thương chính là ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn.

-

Có hai kiểu người có thể sẽ gặp khó khăn khi cố gắng để tìm ra ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của mình. 

Thứ nhất là những người đã luôn luôn được yêu thương đong đầy trong một thời gian dài. Chồng của bạn đã thể hiện tình yêu bằng nhiều cách khác nhau, đến mức bạn không chắc chắn là kiểu làm nào đã khiến bạn cảm thấy được yêu thương nhất, bạn chỉ biết rằng mình đang được yêu.

Thứ hai là những người đã không được yêu thương đầy đủ trong một thời gian dài, đến mức họ không còn nhớ điều gì có thể khiến cho họ cảm thấy được yêu thương.

Trong những trường hợp này, hãy quay lại thời điểm hai bạn mới yêu nhau và tự hỏi bản thân rằng: "Hồi đó mình thích chồng làm gì cho mình nhỉ? Anh ấy đã làm gì khiến mình mong mỏi được ở bên cạnh anh ấy?"

Bên cạnh đó bạn cũng có thể tự vấn bản thân: "Đối với mình, thế nào là một người bạn đời lý tưởng?" Bức tranh bạn tự vẽ người bạn đời hoàn hảo sẽ cho bạn có vài ý tưởng về ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của mình.

Ví dụ: Khi được tác giả hỏi về hình mẫu người vợ lý tưởng, một người chồng đã mô tả rằng "một người vợ hoàn hảo đối với tôi sẽ là người về nhà mỗi chiều và nấu bữa tối cho tôi. Sau bữa ăn, cô ấy sẽ rửa chén, thỉnh thoảng tôi có thể làm việc này, nhưng cô ấy sẽ là người đảm nhiệm chính. Ngoài ra, cô ấy sẽ giúp tôi khâu lại chiếc cúc áo bị tuột." Sau khi nghe xong, tác giả đã kết luận người chồng này có ngôn ngữ yêu thương chủ đạo là "Hành Động Phục Vụ".

-----

Đến đây, chúng ta đã đi qua 3/4 của cuốn sách "5 ngôn ngữ yêu thương". Mình nghĩ bài viết này chuẩn bị dừng ở đây thì tốt hơn vì nó đã rất dài. Tuy vậy, phần còn lại của cuốn sách cũng khá hay, khi tác giả chia sẻ cặn kẽ về 2 case study đặc biệt trong nhiều năm ông thực hiện tham vấn hôn nhân - gia đình. Trong đó, mình cực kỳ ấn tượng về case "Liệu ta có thể yêu một người mình ghét không?". 

Đó là câu chuyện về một cặp vợ chồng sau 10 năm chung sống đã cạn kiệt cảm xúc và tình yêu dành cho nhau. Người chồng coi vợ mình như kẻ thù, nguyền rủa và bạc đãi cô ấy, thậm chí còn thẳng thừng nói rằng anh căm ghét cô. Với đa số mọi người khi nghe như vậy đều khuyên người vợ bỏ chồng. Nhưng người vợ lại là người sùng đạo (trong sách không cho biết chính xác người vợ theo đạo gì, nhưng có trích dẫn Kinh Thánh và nhắc đến Chúa Giêsu Kitô, nên dựa theo hiểu biết cá nhân mình võ đoán rằng người vợ này theo Kitô giáo, có thể là Tin Lành hoặc Công Giáo, cả hai đạo đều không cho phép ly dị). Cô bị giằng xé giữa một bên là niềm tin đạo đức và tôn giáo của cô cho rằng ly dị là sai trái, một bên là nỗi đau cảm xúc nói với cô rằng ly dị là lối thoát duy nhất giúp cô sống sót. Thực chất, đi hay ở đều gây cho cô nỗi đau tột cùng. 

Với một ca khó đỡ như này, tác giả Gary Chapman vẫn đề xuất được một kế hoạch tỉ mỉ kéo dài từ 6 tới 12 tháng, cùng với niềm tin tôn giáo mãnh liệt và sự nỗ lực, hy sinh tột bậc của người vợ để theo đuổi kế hoạch này, cuộc hôn nhân tưởng chừng đã chết dưới mồ nay lại có thể hồi sinh. Để biết chi tiết về kế hoạch của tác giả và quá trình người vợ thực hiện kế hoạch này, bạn hãy tìm đọc cuốn sách nhé, nếu mình kể ra chi tiết thì tới sáng mai mất thôi 😿

-----

Rất nhiều cặp đôi sau khi được biết về 5 ngôn ngữ yêu thương đã nói rằng việc bày tỏ tình yêu bằng đúng loại ngôn ngữ yêu thương chủ đạo của bạn đời đã tạo ra một sự khác biệt to lớn trong hôn nhân của họ. Khi nhu cầu cảm xúc trong tình yêu được đáp ứng, một cặp đôi có thể chung sống cả phần đời còn lại với một lối hành xử hiệu quả hơn.

Chúng ta đến với hôn nhân từ những hoàn cảnh, tính cách, kỳ vọng, tư tưởng khác nhau. Trong một cuộc hôn nhân mạnh khỏe, những khác biệt này đều được xử lý tốt. Chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với nhau về mọi thứ, nhưng chúng ta phải tìm ra cách để giải quyết những khác biệt đó để chúng không trở thành điều gây chia rẽ chúng ta. Khi thiếu vắng tình yêu, các cặp đôi có xu hướng cãi vã và rút lui, và một số còn có xu hướng bạo lực ngôn từ hoặc thể xác trong lúc cãi cọ. Nhưng khi tình yêu được đong đầy, chúng ta sẽ tạo ra một bầu khí thân mật, tìm kiếm sự thấu hiểu, sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt và thương lượng để giải quyết vấn đề.

Tóm lại, đối với mình "5 ngôn ngữ yêu thương" là một cuốn sách xuất sắc về chủ đề hôn nhân. Sau khi đọc cuốn này mình thấy như được khai sáng cái sự mờ mịt hiểu biết về hôn nhân. Cuốn sách giúp người đọc khám phá được thêm nhiều kiến thức mới mẻ, thú vị và thật hữu ích về những cách để duy trì tình yêu và hôn nhân. Nếu bạn là người đã và sắp lập gia đình, mình rất khuyến khích bạn và bạn đời tìm hiểu cuốn sách này, hoặc ít nhất là tìm hiểu về 5 ngôn ngữ yêu thương. 

Mình tin rằng những thông điệp trong quyển sách này sẽ tạo nên một ảnh hưởng đáng kể lên các cuộc hôn nhân và gia đình. Mong rằng thế giới này sẽ ngày càng có nhiều người chồng và người vợ luôn cảm thấy được yêu thương, từ đó phát huy được tối đa tiềm năng của mình. Cũng hy vọng rằng sẽ ngày càng có nhiều đứa trẻ được lớn lên dưới những mái nhà đầy tình thương và an toàn, để chúng không phải mong mỏi tình yêu ở những nơi khác.

Ngoài "5 ngôn ngữ yêu thương", mình đã từng review cuốn sách khác viết về hôn nhân cũng hay không kém, đó là "7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc" của tác giả John M Gottman. Đây cũng là một trong số ít cuốn sách viết về tình yêu - hôn nhân mà mình cực tâm đắc, bạn có thể đọc review tại đây, hoặc xem video review tại đây.

Mình tin combo 2 cuốn sách lợi hại này sẽ giúp ích cho mối quan hệ và hôn nhân của bạn rất rất nhiều!

---

Mua sách "5 ngôn ngữ yêu thương": https://shope.ee/605PYk5egO

Xem video review: https://youtu.be/BJ6DrWAgZfw

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét