Bài viết làm quen

Bài viết làm quen

Xin chào, Mình là Thanh. Rất vui khi bạn ghé thăm blog này. Mình đã mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên giới thiệu thế nào về bả...

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Cuốn sách "Thức ăn vì thế giới hòa bình" và câu chuyện mình từng ăn chay

Mình viết bài này với 2 mục đích:

(1) là chia sẻ về việc mình từng sống lối sống thuần chay - không sử dụng bất cứ sản phẩm nào có nguồn gốc động vật, từ thịt, cá, trứng, sữa, tới thời trang và các dịch vụ có sử dụng động vật như xiếc thú, sở thú,... Mình sẽ kể về lý do mình bắt đầu, mình đã thực hiện như thế nào, và tại sao mình không duy trì (Câu chuyện nằm ở cuối bài viết)

(2) tóm tắt lại những điểm chính trong cuốn sách "Thức ăn vì thế giới hòa bình" của tiến sĩ triết học Will Tuttle. Đây là cuốn sách mà mình sẽ giới thiệu đến bất cứ ai bày tỏ với mình là họ quan tâm/muốn ăn chay. Tất nhiên, không phải cứ đọc cuốn sách này (hay bất cứ cuốn sách nào khác) thì mọi người đều bắt đầu ăn chay hoặc duy trì ăn chay thành công. Tuy nhiên, cuốn này sẽ là bạn đồng hành cần thiết và hữu ích trên con đường tiến tới lối sống thuần chay của bạn. Cuốn sách như một sự khai tâm mở trí cho bạn, giúp bạn nhận thức được việc bạn lựa chọn ăn gì, uống gì, xài cái gì như thế nào đều sẽ có ảnh hưởng đến các loài khác trên Trái Đất này, và mọi sự chúng ta "gieo" thì chúng ta đều "gặt" về theo nhiều cách khác nhau dù chúng ta có thấy hay không. Nhận thức là tiền đề giúp chúng ta ý thức hơn mỗi khi đưa ra lựa chọn thực phẩm, góp phần nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và nhân ái, tiến tới một xã hội hướng thượng, xây dựng hòa bình đích thực. Đó cũng là lý do cuốn sách có nhan đề "Thức ăn vì thế giới hòa bình".

Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra rất nhiều lập luận, dẫn chứng hùng hồn về việc ăn thực phẩm động vật là có hại cho sức khỏe thể chất, tâm linh, gây hại cho môi trường. Chốt lại, tác giả mong mỏi con người sẽ hướng tới việc chỉ sử dụng thực phẩm thực vật để không gây đau khổ cho bất cứ con vật nào, cũng như để bảo vệ sức khỏe bản thân (cả về thể xác lẫn tâm linh), bảo vệ môi trường, hướng tới sống hòa hợp với tự nhiên (chứ không phải khai thác, chinh phục tự nhiên).

Không như cuốn sách, bài viết của mình không có mục đích tranh luận tính đúng - sai của việc ăn thịt và ăn chay, đó là sự lựa chọn riêng của mỗi cá nhân. Đối với mình, sự lựa chọn thực phẩm này chỉ có phù hợp hoặc không phù hợp với bản thân mỗi người chứ không có đúng hay sai, mình không phê phán ai đó ăn thịt, hoặc ép buộc ai đó phải sống lối sống thuần chay.

Nhận xét chung về sách:

⊳ Đây không phải một quyển sách chỉ nói về chế độ ăn theo nghĩa thông thường, nó đề cập và phân tích các hậu quả sâu sắc về văn hóa và tâm linh từ những sự lựa chọn thực phẩm. Khi chúng ta nhận thức nhiều hơn, ta sẽ nhìn thấy các mối liên hệ giữa sự lựa chọn thực phẩm với sức khỏe cá nhân và cả nền văn hóa, các hệ sinh thái trên hành tinh, tâm linh, tư tưởng, tín ngưỡng và chất lượng của các mối quan hệ, ta sống hòa hợp hơn với tự nhiên. Ta nhìn thấy được các vấn đề toàn cầu như chiến tranh, khủng bố, diệt chủng, dịch bệnh, bất công, chia rẽ,... đều có liên quan mật thiết với những sự lựa chọn thực phẩm, ta có thể giàu lòng trắc ẩn và nhân ái hơn. Do đó, thực hành ăn uống vì sức khỏe tâm linh và xã hội hòa hợp là tiền đề thiết yếu để tiến hóa lên một trạng thái ý thức mà có thể biến hòa bình và tự do thành hiện thực.

⊳ Nội dung: cung cấp rất nhiều thông tin, dữ liệu, thống kê từ các bài báo chính thống, sách, tài liệu nghiên cứu => ưu điểm là nội dung đáng tin cậy, thuyết phục, nhược điểm là khô khan, khó nuốt. 

⊳ Ngôn từ và phong cách viết: Có những từ khá ít dùng: nô dịch, lề thói, xiển dương, trí năng, quán xét, huân tập,... hơi khó tiếp thu ban đầu, nhưng đọc dần cũng quen, không sao, bổ sung thêm vốn từ cũng tốt mà. Nhiều đoạn khá cao siêu, mông lung, khó hiểu, mình thường phải bỏ qua hoặc đọc sơ để nắm ý thôi chứ không thực sự thấm được. Xuyên suốt sách tác giả giữ một giọng văn khách quan, không lên án, phê phán, chỉ đơn thuần đưa ra thông tin để chứng minh luận điểm của mình, có đôi chỗ mình cảm thấy tác giả hơi "gắt" (cũng phải thôi, vì con người đang đối xử cái kiểu gì với thiên nhiên và với nhau vậy @@) 

Những nguyên lý được trình bày trong cuốn sách mang tính phổ quát, tất cả mọi người dù có theo một tôn giáo nào hay không đều có thể lĩnh hội và thực hành, chỉ cần chúng ta có tâm hồn rộng mở ôn hòa.

Nói chung, những tư tưởng được trình bày trong cuốn sách này là lớn lao và ý nghĩa, tốt đẹp vô cùng. Mình nghĩ là sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức để suy ngẫm, trải nghiệm mới có thể thấu đáo và lĩnh hội được hết. Nó... khá thiêng liêng.

Ở phần tóm tắt sách này, mình cố gắng chắt lọc và truyền tải những thông tin cốt lõi nhất một cách dễ hiểu nhất đến với các bạn, với hy vọng giúp các bạn nắm được thông điệp chính của sách, từ đó có thể thấy yêu mến và muốn tìm mua sách để tự tìm hiểu sâu hơn kĩ hơn nữa và thực hành.

Tóm tắt sách

Chương 1. Sức mạnh của thực phẩm

Nguồn gốc thực phẩm

Trong nền văn hóa của chúng ta, điều khác biệt giữa các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật đôi khi bị xóa nhòa và bỏ qua một cách có chủ đích. Dù vậy, khi biết phân định rạch ròi thì chúng ta lại càng có khả năng để hiểu biết thấu đáo hơn. 

- Có rất ít đau khổ khi ăn thực phẩm thực vật. Thực vật không có hệ thần kinh vật lý hoặc các thụ thể cảm giác đau ➡ lành mạnh bổ dưỡng mà không dính dáng gì đến đau khổ. 

- Động vật thường xuyên bị thống trị và tấn công nhằm lấy thịt, sữa, trứng.

Konrad Lorenz
- Tất cả động vật có xương sống có hệ thần kinh trung ương cùng các thụ thể nhạy cảm với các kích thích gây đau đớn (cắt, nướng, nghiền, giam hãm, điện giật,...), cảm nhận được nỗi đau tâm lý khi bị giam cầm, chiếm đoạt con cái...

Nhà tập tính học Konrad Lorenz cho rằng: "Kẻ nào không nhìn thấy nét sai biệt giữa việc băm nát con chó với việc băm rau diếp thì nên tự kết liễu mình vì lợi ích cho xã hội".

Văn hóa phủ nhận

- Khi chuyên chú nhìn nhận thực phẩm có xuất xứ động vật, ta tất yếu sẽ nhìn thấy sự khốn khổ, nhẫn tâm, bóc lột ➡ Chúng ta tránh xem xét thực phẩm kỹ lưỡng. Học cách sống hời hợt và nhắm mắt trước những mối liên hệ mà lẽ ra đã có thể nhìn thấy. Nếu không thì lòng hối hận và cảm giác tội lỗi sẽ trỗi dậy.

- Vô cảm khi tiêu thụ hàng triệu con vật bị tra tấn mỗi ngày đã gieo vô số mầm mống bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, tuyệt vọng.

- Nếu gieo nhân tổn hại và nô dịch lên kẻ khác thì ta không bao giờ có thể gặt được niềm vui, hòa bình và tự do cho chính mình.

- Dù động vật không có khả năng đáp trả như con người, nhưng chính hành động ngược đãi động vật sẽ đáp trả lại chúng ta.

Thừa hưởng tính nhẫn tâm

- Chẳng có ai từng chủ định và được tùy thích ăn động vật. Chúng ta đều kế thừa điều này từ nền văn hóa và sự dạy dỗ của người khác.

- Ít ai từng được dạy bảo rằng con người vốn không thích hợp để ăn thực phẩm động vật, về cảnh giam hãm cực đoan, những cảnh giày xéo, giết chóc hung ác (đây là những điều tác giả sẽ dành hầu hết phần còn lại của cuốn sách để chứng minh).

Làm khô héo trí năng

- Trí năng là khả năng nhìn thấy các mối liên hệ có ý nghĩa. 

- Vốn quen làm ngơ trước nỗi khổ do mình gây ra cho động vật nên chúng ta cũng sẽ tất yếu phớt lờ nỗi khổ của những người nghèo đói, các hệ sinh vật sống, các cộng đồng bị chiến tranh tàn phá.

Chương 2. Cội nguồn nền văn hóa

Nền văn hóa lùa đàn

Đa số mọi người không nghĩ nền văn hóa chúng ta là nền văn hóa lùa đàn. Dầu ngày nay điều này không còn rõ ràng như thời ông cha ta vài ngàn năm trước, nền văn hóa chúng ta thực chất vẫn là nền văn hóa lùa đàn, hình thành xung quanh việc sở hữu, ăn thịt động vật và xem chúng như hàng hóa.

Chương 3. Bản chất của trí năng

Nhân nào quả nấy

Định luật nhân quả: bất cứ điều gì chúng ta gây nên cho kẻ khác sẽ tác động lại chính bản thân.

- Chúng ta vỗ béo động vật một cách phi tự nhiên  Bệnh béo phì là một vấn đề nghiêm trọng, tốn chi phí y tế và tổn hại tâm lý.

- Ta tách con non khỏi mẹ ➡ số gia đình đổ vỡ, cha mẹ ly thân ly dị, con cái bỏ nhà đi,... ngày càng nhiều.

- Bơm hóc-môn tăng trưởng, thụ tinh bằng vũ lực ➡ dậy thì sớm, mang thai sớm bất thường.

- Thiến con đực non ➡ nam giới dần mất khả năng tình dục. Chất béo động vật bão hòa và cholesterol dư thừa gây tắc nghẽn tĩnh mạch và động mạch trên bộ phận sinh dục -> lượng máu đi qua không đủ để duy trì sự cương cứng, bệnh ung thu tiền liệt tuyến, tinh trùng giảm.

- Bơm thuốc  sa lầy tình trạng nghiện ma túy, lạm dụng thuốc tây.

- Ép buộc con vật trang trại sống trong môi trường cực kì ô nhiễm, độc hại, căng thẳng và vô vọng  ta thấy mình đang sống trong tình trạng ngày càng căng thẳng, bệnh tật.

- Giam hãm và cầm tù động vật  bản thân cảm thấy gò bó hơn khi áp lực kinh tế và xã hội gia tăng, bùng nổ dân số, ngày càng sống chen chúc. 

- Ta khủng bố hàng triệu con vật yếu ớt bằng nhiều cú điện giật, đánh đập, xén mỏ, đóng dấu, thiến hoạn,..  chúng ta khiến cho kẻ khác phải khiếp sợ như thế nào thì lại càng lo sợ về bóng tối của chủ nghĩa khủng bố.

...

Có vô số cách để chúng ta phải trả quả. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy.

Chương 4. Trí năng của sinh lý người

Chúng ta tin rằng phải ăn thực phẩm từ động vật mới có thể khỏe mạnh, nhưng với nhiều người thì, một trong những động cơ thông thường nhất để ăn chay là nhằm nâng cao sức khỏe.

Để làm sáng tỏ nghịch lý trên, ta phải nghiên cứu đặc điểm sinh lý người và những loại thực phẩm động vật. Ta cần hiểu con người vốn được ấn định để sống hòa hợp với các loài động vật khác trên Địa Cầu này bởi con người đã được ban cho thân thể thật sự vận hành tốt mà không cần phải sát sanh hại vật. Cần soi xét lại ảo tưởng cho rằng con người cần ăn thực phẩm động vật để khỏe mạnh và tồn tại.

Chẳng có dưỡng chất cần thiết nào mà ta không thể lấy được từ những nguồn phi động vật.

Chúng ta thống trị động vật không phải bằng sức mạnh cơ bắp mà bằng công cụ và mánh khóe.

- Con người có miệng nhỏ và hàm răng không có răng nanh dài nhọn để xé thịt, không có xương và cơ hàm chắc khỏe để nghiền nát xương và cắn vào tận tủy. Không có vuốt hay răng để xé nát thịt sống, cắn toạc lông, vảy hay xương và cũng chẳng thèm khát ngậm máu tươi. 

- Con người có a-xít dạ dày yếu, khó hòa tan thịt sống. Đường ruột rất dài chỉ phù hợp với các thực phẩm giàu chất xơ để giữ cho thành ruột được sạch sẽ.

Thực phẩm động vật không chỉ thiếu vắng chất xơ mà còn có xu hướng gây tắc nghẽn nhiều hơn so với thực phẩm thực vật khi chúng phân hủy, dẫn đến bệnh táo bón, bệnh trĩ, viêm - ung thư kết tràng, viêm túi thừa và các chứng bệnh khác.

Ít nhất có 3 điểm dường như không thể phủ nhận được:

- Chúng ta có quyền lựa chọn.

- Động vật chịu đau khổ vì lựa chọn thức ăn của chúng ta.

- Mức tiêu thụ thực phẩm động vật cao hiện thời là chưa từng có tiền lệ và gây những ảnh hưởng tai hại lên sức khỏe con người.

Các thành phần trong thực phẩm động vật

Ăn lượng thực phẩm động vật lớn thường dẫn tới nhiều vấn đề.

- Thịt động vật hoàn toàn không có chất xơ vốn cần thiết cho hệ tiêu hóa.

- Chất béo bão hòa và cholesterol có trong các sản phẩm từ thịt, sữa, trứng là độc hại cho con người, góp phần gây các bệnh về tim, mạch, béo phì, tiểu đường, ung thư.

- Nhiều protein khiến hệ tiêu hóa, đặc biệt là gan, thận phải làm việc nhiều hơn.

- Thịt động vật chứa nhiều độc tố. Vì động vật bị cho ăn ngũ cốc bị phun thuốc trừ sâu nhiều, hoặc thức ăn làm từ bột cá, thịt, nội tạng động vật nấu chảy - không phù hợp với vật nuôi. Ngoài ra thịt còn bị nhiễm bẩn nghiêm trọng từ virus, vi khuẩn.

Nguyên nhân khiến ta khó ăn chay

Đa phần chúng ta khi chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật đều cảm nhận được các tác dụng tích cực tựa như đã trút một gánh nặng khỏi cái thân vật chất, tinh thần, tình cảm và tâm linh này, nhưng cũng có một số người cảm thấy khó ở hơn, đặc biệt là lúc mới bắt đầu. Ta cần có một (vài) tấm gương thuần chay lành mạnh và đầy sức sống trợ duyên hằng ngày.

- Sự nhồi sọ từ xưa có thể dễ dàng trỗi dậy, lại thêm nhiều thông điệp quảng cáo, khuyến mãi khắp nơi của ngành sản xuất thịt, bơ, sữa, trứng và y tế.

- Sự thực là những người gần gũi và có uy thế cao nhất đã nhồi nhét vào chúng ta từ lúc chào đời rằng chúng ta sẽ ốm yếu nếu không có đủ "protein" - phô mai, trứng, thịt  Khi chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật, ta có thể nghĩ rằng mình cảm thấy ốm yếu hay mắc bệnh. Vì thế, khi từ bỏ ăn thực phẩm động vật ta nên chủ trương loại bỏ luôn cả những niềm tin thâm căn cố đế cho rằng chúng ta phải ăn thực phẩm động vật để khỏe mạnh.

- Khi dừng ăn chất béo bão hòa, cholesterol và các chất độc khác trong thực phẩm động vật thì cơ thể sẽ nhân dịp này để thanh lọc  Thay vì cảm thấy khỏe, ta lại có cảm giác tệ hơn trong vài ba tuần. Nhưng yên tâm vì đây chỉ là quá trình dư lượng dược phẩm và độc tố được dọn ra ngoài, cơ thể đang được thanh lọc.

- Không biết cách chuẩn bị bữa ăn thuần chay hợp khẩu vị, bổ dưỡng và tiện lợi.

Chương 5. Săn lùng và bủa vây các sự sống dưới biển

Chất thải độc hại, thịt độc hại

Chúng ta hay được nghe nói là cá, giáp ngư có vẻ ít gây hại cho sức khỏe hơn, ít béo hơn. Nhưng thực tế chúng vẫn độc hại, vì hàng triệu tấn chất độc sản sinh từ ngành nuôi trồng rốt cuộc lại nằm dưới nước.

Cá hấp thu và tích tụ nhiều chất độc như đi-ô-xin, chất phóng xạ, các kim loại nặng như thủy ngân, chì và a-sen,... có liên quan đến bệnh ung thư, rối loạn thần kinh, suy thận và suy nhược chức năng thần kinh.

Cá bị nuôi trong những môi trường có mật độ tập trung cao, mất vệ sinh, dùng nhiều kháng sinh để kích thích tăng trưởng phi tự nhiên và để kiểm soát dịch bệnh, ăn thức ăn bẩn. 

Hệ quả

Trong quá trình khai thác hải sản (tàu kéo lưới vét cạn đáy, xới tung cả đáy biển), một số lượng khổng lồ các sinh vật biển bị kéo vào theo (rùa biển, cá voi, chim biển, cá heo, một số loài cá khác,...) nhưng không có giá trị thương mại đáng kể nên bị vứt trở lại biển, phần lớn đã chết hoặc bị thương nặng.

Nhiều loài sinh vật biển khác như sư tử biển, hải cẩu, cá voi, cá heo, chim biển thường chết đói do nguồn thức ăn của chúng bị hoạt động đánh cá tàn phá. Một số nơi còn chủ động giết bớt hải cẩu, chim cốc và một số loài thủy điểu khác vì chính phủ cho rằng chúng đang cạnh tranh với các ngư dân và ngành công nghiệp đánh bắt.

Khi xóa sổ cá khỏi các nguồn nước là chúng ta đang hủy diện cả hệ thống làm sạch nước của Địa Cầu. Vì cá được xem là những quả thận của Địa Cầu, chúng thanh lọc nguồn nước khỏi các độc tố và tạp chất, hấp thụ các chất bẩn vào phần thịt.

Chương 6. Sự thống trị giống cái

Chương này tác giả đề cập đến việc con người thống trị những con bò cái và gà mái để "cướp lấy" sữa và trứng của chúng. 

Về cơ bản, sữa bò là thứ được tự nhiên dành tặng cho con bê chứ không phải cho con người. Chúng ta là loài duy nhất thích uống nguồn sữa vốn dành riêng cho con các loài khác, chúng ta cũng là loài duy nhất cứ một mực uống sữa khi đã cai sữa từ lâu.

Thúc giục bò sản xuất

Bò ngày nay bị ép buộc phải cho ra một lượng sữa lớn hơn rất nhiều so với trong điều kiện hoang dã. 

Cũng như tất cả các loài động vật có vú trong môi trường hoang dã, Bò chỉ cho sữa sau khi sinh con. Nhưng trên trang trại sữa, bò con vừa mới sinh là bị tách khỏi bò mẹ, còn bò mẹ bị cưỡng bách phải cho 40-50 kg sữa mỗi ngày liên tục trong vòng 7-8 tháng. Bò sữa bị thu tinh ở độ tuổi nhỏ hơn nhiều so với quá trình phát triển tự nhiên trong môi trường hoang dã và bị ép mang thai liên tục. Trong điều kiện tự nhiên, bò có thể sống được 25 năm nhưng sau khoảng 4 năm chịu lạm dụng trên trại bơ sữa thì "năng suất" của chúng biến mất. Chúng bị mổ thịt, thuộc da hoặc làm thức ăn gia súc rẻ tiền.

Các độc tố trong sữa

Các hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, phân bón cùng các kim loại nặng thâm nhập qua đường ăn uống, tích lại trong các mô cơ thể => Cơ thể bò sữa chứa nhiều chất độc, rất có hại và nguy hiểm cho sức khỏe.

Tự nhiên không bao giờ thiết kế cho con người uống nguồn sữa dành riêng cho con loài vật khác. Sữa bò đặc biệt thích hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của những con vật mà tăng gấp đôi trọng lượng chỉ trong vòng 47 ngày, cân nặng 136kg trong vòng 14 tuần và phát triển 4 cái dạ dày khỏe mạnh! Nhưng trẻ em có phải con bê đâu!

Nghề kinh doanh sữa hoàn toàn dựa trên lề thói lấy của không cho: chiếm đoạt bò con khỏi bò mẹ, lấy đi sữa mẹ của bò con.

Hệ quả

Cũng như mọi động vật có vú, bò mẹ sản sinh ra mức estrogen cao trong sữa. Dù ở bất kì độ tuổi nào thì việc con người đưa vào cơ thể mình hàm lượng estrogen cao là điều bất lợi cho sức khỏe. Trẻ em gái bây giờ dậy thì sớm bất thường, từ 17 tuổi vào giữa thế kỉ 19, vào năm 2004 là 12,5 tuổi. Việc xuất kinh nguyệt sớm thường gây khổ sở, với nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn khi còn đang teen dẫn đến tình trạng nạo phá thai, gây ra sự căng thẳng về thể chất, tâm lý và xã hội, y như cách chúng ta làm với những con bò non nô lệ trên trang trại sữa.

Cụ thể câu chuyện của mình 😷

Năm 22 tuổi, sau khi đọc xong cuốn sách "Thức ăn vì thế giới hòa bình", mình đã quyết tâm bắt đầu lối sống thuần chay. Mình đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng cả về tinh thần lẫn các thực đơn phong phú để không bị nhàm chán hoặc thiếu dưỡng chất cần thiết. 

Mình rất hài lòng về lối sống đó. Mình nhận thấy cơ thể rất "sạch", nhẹ nhàng không còn ì ạch nặng nề nữa, các vấn đề về da, tóc, cân nặng được cải thiện rõ rệt. Và quan trọng hơn hết thảy, đó là cảm giác thật sự thanh thản khi biết rằng không một loài vật nào phải chịu đau đớn, khổ sở chỉ vì bữa ăn của mình. 

Rồi mình vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, đặc biệt là mẹ. Mẹ luôn tin rằng ăn chay là không đủ chất, không khỏe mạnh, mẹ cứ cho rằng trông mình rất xanh xao và ốm yếu kể từ khi chuyển sang ăn chay (dù mình đã trăm lần nói cũng như chứng minh điều ngược lại, và rõ ràng là như vậy!). Mẹ lo lắng đến phát ốm và liên tục rỉ tai mình về việc mình đang bị thiếu chất và gầy gò tội nghiệp.

Nhưng đó không phải lý do mình không thể duy trì được lối sống thuần chay. Vấn đề mình gặp phải là ở bản thân mình. Mình bắt đầu cảm thấy việc chuẩn bị các bữa ăn chay rất bất tiện, thực phẩm tìm mua rất khó, và thực đơn mình đã chuẩn bị cũng không đủ đa dạng như mình tưởng tượng. Cùng lúc đó mình tốt nghiệp ĐH và đi làm, khi đi làm thì đồng nghiệp lại rất hay rủ uống trà sữa và đi ăn thịt nướng, mình từ chối thì bị nghĩ là không hòa nhập, chảnh chọe, hơi khó xử. Bộ não người vốn chỉ thích sự dễ dàng và tiện lợi, cái gì không dễ không tiện thì không muốn làm. Và thế là, bùm, mình không ăn chay nữa. Mình không ngụy biện gì, mình vẫn thừa nhận tất cả là do bản thân mình thôi. Mình đã chuẩn bị, nhưng không chuẩn bị đủ, và những khó khăn không ngờ tới đã đánh gục cái ý chí mỏng manh của mình rồi.

Suốt nhiều năm qua mình vẫn cảm thấy cuộc sống mình không được hạnh phúc trọn vẹn (ít nhất là trong việc ăn uống). Bởi vì mình bị rơi vào tình trạng mâu thuẫn, giữa việc nhận thức được rõ ràng ăn thực phẩm động vật là có hại cho sức khỏe thể chất và tâm linh, với việc thực tế mình vẫn đang ăn chúng mỗi ngày. Mình vẫn giữ dự định đến một thời điểm nào đó trong tương lai mình sẽ sống lối sống thuần chay lâu dài. Hiện giờ thì mình vẫn chưa đủ sẵn sàng và điều kiện. Bởi vậy mới nói, không phải cứ đọc vài cuốn sách, mấy bài báo hoặc nghe ai đó khuyên bảo, thì có thể sống thuần chay được. Có thể bắt đầu, nhưng duy trì thì không chắc. Chỉ nhận thức thôi thì chưa đủ để ta thay đổi bất cứ điều gì cả. 

Haha, nói vậy không phải để làm các bạn nản lòng, chỉ là chia sẻ trải nghiệm thực tế của bản thân mình thôi, để nếu các bạn có bị trường hợp tương tự thì cũng biết rằng các bạn không cô đơn :)) Mỗi người sẽ có mức độ nhận thức, ý chí và hoàn cảnh khác nhau mà, các bạn cứ tự đọc sách và tự trải nghiệm thôi.

へ Nếu bạn đã/đang ăn chay thì có thể chia sẻ một chút về hành trình này của bạn nhá

⋆ Hiện tại sách "Thức ăn vì thế giới hòa bình" không còn bán trên thị trường, bạn có thể tìm đọc bản PDF hoặc hỏi mua trong các nhóm trao đổi sách cũ trên Facebook.

⋆ Xem video review sách "Thức ăn vì thế giới hòa bình" trên Youtube: https://youtu.be/xxiFWVECWko

2 nhận xét: