Bài viết gồm 4 phần:
- Viết là một việc không đơn giản và dễ dàng.
- Tại sao việc Viết lại quan trọng?
- Việc Đọc giúp ích như thế nào cho việc Viết?
- Kết.
-----
Viết là một việc không đơn giản và dễ dàng
Việc viết là rất quan trọng đối với cuộc sống của mình, mình rất trân trọng những người có thể đọc những gì mình viết, cũng như mình rất có thiện cảm với những người viết thường xuyên. Bởi vì, việc viết thật sự rất đau đớn và người viết là những người dũng cảm. Admin trang Người Kể Chuyện nhận định "viết là một công việc bạo lực", còn tác giả tristan1404 trong bài đăng Vì sao bạn nên đọc ít lại và viết nhiều hơn? trên Spiderum cho rằng "để viết một cách nghiêm túc thì đó là một quá trình đầy kiên trì và thậm chí là đau đớn".
Không phải ai cũng có thể sẵn sàng đào xới và đối diện cảm xúc và suy nghĩ của bản thân, đem nó trải lên một mặt phẳng, ngồi nhìn vào nó, rồi sắp xếp lại nó bằng cách sử dụng ngữ pháp và ngôn từ phù hợp.
Không phải ai cũng đủ can đảm phơi bày nội tâm của bản thân ra thành một thứ hữu hình (là văn bản) để người khác có thể nhìn thấu, đánh giá và thậm chí chỉ trích nữa.
Tại sao việc Viết lại quan trọng?
Bởi vì khả năng viết cũng thể hiện năng lực tư duy. Thời buổi này trong công sở chủ yếu giao tiếp qua các group chat, email, nên ngôn ngữ viết có khi được dùng còn nhiều hơn ngôn ngữ nói. Sau nhiều năm đi làm, mình nhận ra một điều rất rõ ràng rằng những người làm việc tốt thường là những người viết rất tốt. Không cần phải là một nhà văn hay một tác giả sách thì mới được công nhận là một người viết hay, khi một người có thể trình bày suy nghĩ, ý tưởng một cách mạch lạc, hợp lí, dễ hiểu, chứng tỏ họ có tư duy logic thì làm việc sẽ đâu ra đó, giải quyết mọi việc rất nhanh gọn, và khi diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu được thì khả năng biến ý tưởng đó thành hiện thực sẽ rất cao. Còn những người mà chat và email lủng củng, mơ hồ, lòng vòng, thì trong cách làm việc của họ cũng bộc lộ rất nhiều sự thiếu tổ chức, rõ ràng. Nếu chưa có dịp được gặp gỡ và làm việc trực tiếp với một người nào đó, cách chắc chắn nhất mình có thể đánh giá năng lực của họ là qua cách họ giao tiếp bằng văn bản, cách họ gửi và trả lời tin nhắn trên group chat hay qua email. Mình hoàn toàn tin tưởng vào câu "văn là người".
Mình không đánh giá một người qua những thứ vật chất hoặc thành tích họ khoe trên mạng xã hội, mình sẽ đánh giá một người có thú vị hay không qua cách họ phản ánh nội tâm của chính mình, mà cách phản ánh nội tâm hay và chính xác nhất chính là việc viết.
Ai đó có thể không đăng được một tấm ảnh đẹp tuyệt vời sau chuyến đi du lịch Tây Bắc, nhưng nếu trong bài viết họ có thể mô tả được cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang đẹp như thế nào, khiến họ nức lòng ra sao và họ nhớ về điều gì sau chuyến đi,... mình vẫn cảm nhận được người đó vô cùng thú vị và họ có một chuyến du lịch thật ý nghĩa.
Ai đó có thể không có nhiều mối quan hệ, không quảng giao, không thường xuyên đăng ảnh đi cà phê và nhậu nhẹt với bè bạn, nhưng nếu họ có thể kể được những cảm xúc họ dành cho người họ yêu thương, mô tả được những hành động dễ thương họ làm khi yêu nhau, mình vẫn cảm nhận được người đó là một người sâu sắc và sống tình cảm, đáng mến.
Trong phạm vi bài viết này mình còn chưa bàn đến chuyện rất nhiều cơ hội kiếm tiền có thể mở ra đối với người viết tốt. Hiện nay, với sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông, nếu bạn viết giỏi, bạn có thể làm content creator, copywriter,...
Gần đây thì mình còn thấy một số nơi dạy viết để chữa lành nữa.
-----
Từ hai phần trên, chúng ta đã biết rằng viết là một việc không đơn giản và dễ dàng, nhưng nó lại rất quan trọng, vì nó thể hiện năng lực tư duy, giúp chúng ta diễn đạt nội tâm của mình, thậm chí có thể có nhiều cơ hội nghề nghiệp và kiếm ra tiền. Vậy làm sao để chúng ta có thể rèn luyện cho bản thân viết tốt hơn? Một trong những cách giúp chúng ta viết tốt hơn đó là đọc. (Lưu ý: “Đọc” ở đây là việc đọc nói chung, không riêng gì đọc sách). Vậy cụ thể việc Đọc sẽ giúp ích như thế nào cho việc Viết?
Việc Đọc sẽ giúp ích như thế nào cho việc Viết?
Theo một bài viết có tựa đề “Become a Better Writer by Reading: 5 Ways Reading Improves Writing” (Tạm dịch: Trở thành người viết tốt hơn nhờ việc đọc: 5 cách đọc giúp cải thiện việc viết), chúng ta sẽ học được rất nhiều từ những cuốn sách mà chúng ta tiêu thụ.
https://www.masterclass.com/articles/become-a-better-writer-by-reading
1. Việc đọc giúp bạn phát triển kỹ năng tư duy phản biện.
Khi đọc, hãy tự hỏi bản thân: “Mình có đang đọc một bài viết hay không? Nếu có thì tại sao nó hay?”. Hãy nghĩ về lý do tại sao bạn cho rằng cuốn sách đó là một cuốn sách hay. Có phải nó hay do cách tác giả phát triển nhân vật? Hay ở cách tác giả lựa chọn chủ đề và những ẩn dụ?
Ví dụ:
Đối với cuốn tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot, mình không muốn rời khỏi cuốn sách một khi đã bắt đầu đọc, bởi vì cách kể chuyện của tác giả vô cùng lôi cuốn. Những trường đoạn tả cảnh luôn luôn chi tiết và sinh động, không bao giờ bị tả qua loa, đơn điệu. Dù chỉ nằm ở nhà đọc sách nhưng mình vẫn có thể hình dung ra những cánh đồng xanh rì thơ mộng ở miền quê thanh bình của nước Pháp, ngửi được cả mùi hôi thối trong những ngày các nhân vật mưu sinh vất vả hay cả mùi sữa bò béo ngậy mà nhân vật đang thèm thuồng, cảm nhận được cả cái rét cắt da chạm vào da thịt mình mỗi lần tác giả thuật lại cảnh các nhân vật lọ mọ và khổ sở đi trong đêm tuyết giá lạnh và tối đen, nghe được cả tiếng réo rắt quặn thắt bao tử khi những cơn đói hành hạ các nhân vật,... Và còn rất nhiều, rất nhiều những thứ tại nước Pháp xa xôi ở thế kỉ 19 mà mình có thể mường tượng được ra ngay trước mắt khi đọc "Không gia đình".
Nếu bạn có thể nghiêm túc đánh giá một tác phẩm văn học và xác định được điều gì khiến tác phẩm đó hay, bạn sẽ có khả năng đem sự chỉn chu tương tự như vậy vào tác phẩm của chính mình.
2. Việc đọc giúp bạn tiếp xúc với nhiều văn phong khác nhau.
Đọc những thể loại sách khác nhau có thể giúp bạn tập trung vào cách chọn kỹ thuật và phong cách để làm ra những thể loại tác phẩm khác nhau. Tiếp cận đa dạng tác phẩm và chú ý vào văn phong của tác giả sẽ giúp bạn xác định được phong cách riêng của mình.
Có một thời mình rất mê cái phong cách trào phúng của Tony Buổi Sáng, nên mình thường hay viết bài theo kiểu tếu táo, tuy viết về một chủ đề rất nghiêm túc nhưng giọng điệu lại cà rỡn, nửa đùa nửa thật. Rồi lại có một thời mình cực kỳ mê phong cách của Nam Cao, ông thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc, từ đó, mình bắt đầu để ý và cố gắng miêu tả những điều nhỏ bé thường bị lãng quên trong cuộc sống thường nhật, như những hạt mưa, giọt mồ hôi trên trán của cha, ánh mắt của một người đồng nghiệp, v..v.
3. Việc đọc giúp bạn học ngữ pháp trong ngữ cảnh cụ thể.
Những cuốn sách hay thường truyền tải thông điệp rất rõ ràng. Để truyền tải rõ ràng, bạn phải có kiến thức đủ dùng về ngữ pháp (tiếng Việt hoặc tiếng nào đó). Thông qua những cuốn sách, bạn có thể học được cách tác giả sử dụng hệ thống dấu câu và ngữ pháp.
4. Việc đọc giúp bạn mở rộng vốn từ vựng.
Khi đọc nhiều thể loại sách, đôi khi bạn sẽ phát hiện ra những từ vựng rất mới lạ. Hãy chép lại những từ ấy, tìm hiểu và ghi nhớ chúng để có thể sử dụng chúng trong các tác phẩm của bạn.
Khi đọc tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Thạch, mình hay bắt gặp cụm từ “nỗi đau đậm đặc” khi tác giả mô tả nỗi đau đớn của một người. Trước đó mình chỉ thấy mọi người dùng từ “đậm đặc” cho chất lỏng thôi, còn để mô tả nỗi đau thì thường người ta nói là “đau đớn khôn nguôn”, “đau không tả nổi”, đến khi thấy Nguyễn Ngọc Thạch dùng cụm từ “nỗi đau đậm đặc” mình thấy khá độc đáo, một nỗi đau mà đậm đặc chắc chắn không phải là một nỗi đau bình thường, thoáng qua, dễ nguôi ngoai. Mình rất ấn tượng với cụm từ này, lâu dần mình cũng bắt đầu sử dụng tính từ “đậm đặc” trong các bài viết của mình để miêu tả một nỗi đau tột cùng.
Khi đọc sách mang hơi hướng Phật giáo, như cuốn “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”, “Thức ăn vì thế giới hòa bình”, “Muôn kiếp nhân sinh”, mình lại khám phá thêm được nhiều từ vựng mới liên quan đến đạo Phật, chẳng hạn như hành trì, huân tập, uyên nguyên. Mình không theo Phật giáo nên không có sẵn vốn từ vựng về tôn giáo này, nhưng nhờ việc đọc sách, mình có thể nắm bắt được thêm từ vựng để có thể nghiên cứu, viết và thảo luận về lĩnh vực này.
5. Việc đọc giúp bạn được truyền cảm hứng tìm ra ý tưởng mới.
Mỗi tác phẩm đều chứa đựng một (vài) ý tưởng hoặc kỹ thuật viết hay ho, thú vị nào đó của tác giả. Vì vậy, khi đọc, bạn có thể tìm thấy được những ý tưởng mới cho tác phẩm của mình.
Mình hay theo dõi mấy trang Facebook đăng tản văn. Đôi khi mình đọc được một bài viết có chứa một câu gì đó mình cảm thấy bị đánh động, dạt dào cảm xúc, sau đó mình có thể viết ra một bài viết hoàn toàn mới của riêng mình chỉ nhờ dựa trên ý tưởng của một câu trong bài viết đó. Việc đọc đã thật sự giúp mình luôn luôn tìm được ý tưởng và cảm hứng để viết.
Trên đây là 5 lợi ích của việc đọc trong việc giúp bạn cải thiện kỹ năng viết. Bạn cần lưu ý rằng: Không phải ai đọc nhiều cũng tự dưng viết tốt lên, nếu muốn cải thiện kỹ năng viết thông qua việc đọc, bạn phải làm điều này một cách có chủ đích.
-----
Kết
Tâm trí của chúng ta chứa những gì và chứa được bao nhiêu không quan trọng bằng việc chúng ta sắp xếp và diễn đạt chúng ra sao.
Mình sẽ vẫn tiếp tục viết, dù không có ai đọc, dù có người chê mình viết không hay không cuốn hút. Mình viết, chỉ là viết mà thôi, đó là cách mình kể câu chuyện cuộc đời mình, là cách mình có thể nhìn thấy được nội tâm và sự trưởng thành của bản thân qua thời gian.
Thông qua bài viết này, mình
hy vọng sẽ giúp được mọi người ý thức tầm quan trọng của việc Viết, cũng như biết
được rằng việc Đọc có thể giúp chúng ta nâng cao kỹ năng Viết. Từ đó mọi người sẽ
đọc và viết thường xuyên hơn để có thể nhận được nhiều lợi ích mà việc Viết đem lại như mình đã phân tích ở trên, chẳng hạn như nâng cao kỹ năng tư duy và biểu đạt được
nội tâm của chính mình.
Xem thêm: https://thanhchu95.blogspot.com/2021/10/ve-viec-viet.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét